Diễn biến phức tạp
Thạnh Phú là huyện có địa hình nằm giáp với hai tuyến sông Hàm Luông và sông Cổ Chiên. Nơi đây có diện tích đất rừng trên 3.000 ha và có diện tích đất bãi bồi ven sông, ven biển khá lớn. Do đặc thù địa hình của huyện, nên trong thời gian qua phát sinh nhiều điểm khai thác cát trái phép, trong đó việc khai thác cát trong rừng phòng hộ và đặc dụng, tại các vùng cửa sông, ven biển có lúc, có nơi còn diễn biến phức tạp.
Theo báo cáo của UBND huyện Thạnh Phú, năm 2018, các lực lượng chức năng phối hợp với chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm tra, đã phát hiện và xử lý 136 trường hợp khai thác cát trái phép, số tiền xử phạt trên 1,2 tỷ đồng. Trong đó, có 02 trường hợp khai thác cát trong khu vực rừng phòng hộ và đặc dụng, 02 trường hợp khu vực giáp ranh, 132 trường hợp khai thác thuộc khu vực trên các tuyến sông lớn đi ngang địa bàn huyện.
Ngoài ra, Bộ đội Biên phòng Bến Tre cũng đã kết hợp với các lực lượng liên quan tổ chức kiểm tra đột xuất 433 phương tiện có dấu hiệu nghi vấn vi phạm pháp luật. Qua kiểm tra, phát hiện 29 trường hợp có hành vi mua bán, khai thác khoáng sản trái phép. Kết quả thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính 29 đương sự, số tiền 334,6 triệu đồng, đồng thời tịch thu 01 phương tiện trọng tải 145 tấn và toàn bộ dụng cụ bơm cát nộp ngân sách nhà nước tổng trị giá trên 01 tỷ đồng.
Đối với 02 trường hợp khai thác cát trong khu vực rừng phòng hộ và đặc dụng, lãnh đạo Sở NN&PTNT Bến Tre cho biết, các đối tượng dùng máy bơm tự chế để hút lấy cát làm nền đường cho công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ phòng, chống cháy rừng đặc dụng thuộc hai xã Thạnh Phong và Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú. Khi phát hiện, khối lượng cát bị hút đi khoảng 344 m3. Ngành chức năng lập biên bản vi phạm và ra quyết định xử phạt hành chính, đồng thời tịch thu các phương tiện, dụng cụ vi phạm.
Qua đó, ngành Nông nghiệp tỉnh Bến Tre đã đề nghị UBND huyện Thạnh Phú với vai trò là chủ đầu tư, buộc đơn vị thi công phải thi công đúng theo thiết kế được duyệt, tuyệt đối không vi phạm đến rừng và đất rừng, chỉ đạo đơn vị giám sát phải giám sát chặt chẽ đơn vị thi công cung cấp nguồn vật liệu cát bơm hợp pháp vào nền hạ của tuyến đường và phải có báo cáo cụ thể để chủ đầu tư theo dõi.
Về nguyên nhân của tình trạng trên, lãnh đạo UBND huyện Thạnh Phú cho rằng, do địa bàn rộng, trong khi diện tích đất rừng rất lớn, kết hợp với địa hình phức tạp, hệ thống sông rạch chằn chịt, xen lẫn đất rừng là các ao nuôi tôm. Vì vậy, các đối tượng lợi dụng đưa các phương tiện vào bơm hút cát trái phép; trong khi đó, công tác tuần tra bảo vệ rừng gặp nhiều khó khăn, nên chưa kịp thời phát hiện các trường hợp vi phạm.
Nhiều giải pháp xử lý
Theo nhận định của các ngành chức năng tỉnh Bến Tre, trong thời gian tới, tình hình khai thác cát trái phép sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp do nhu cầu sử dụng cát để xây dựng, san lấp là rất lớn, trong khi nguồn cát ngày càng khan hiếm. Hiện tại trên địa bàn tỉnh không còn mỏ để khai thác, nên việc khai thác cát trái phép dự báo sẽ tiếp tục diễn ra ngay cả các khu vực cửa sông, ven biển, khu vực rừng phòng hộ và đặc dụng thuộc các huyện ven biển Bến Tre.
Trước tình hình trên, UBND huyện Thạnh Phú kiến nghị UBND tỉnh Bến Tre nên sớm đưa các mỏ cát vào khai thác để góp phần đáp ứng cơ bản nhu cầu hiện nay. Bên cạnh đó, Sở NN&PTNT chỉ đạo Ban quản lý Rừng phòng hộ và đặc dụng, Hạt Kiểm lâm tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng gắn với bảo vệ khoáng sản trong khu vực đất rừng. Trong đó, có chế độ chính sách nhằm khuyến khích đối với các hộ dân nhận khoán đất rừng trong việc hỗ trợ, phối hợp với cơ quan chức năng kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp khai thác cát trái phép trong khu vực đất rừng.
Ngành Nông nghiệp Bến Tre cũng đã có nhiều giải pháp để quàn lý chặt chẽ việc khai thác cát trong rừng phòng hộ và khu vực ven biển. Cụ thể, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục người dân, nhất là các hộ có nhận khoán bảo vệ rừng phải bảo vệ tốt diện tích rừng, đất rừng được giao, kịp thởi báo cáo khi có hiện tượng bơm hút cát trái phép và nêu cao tinh thần tố giác tội phạm xâm phạm đến rừng và đất rừng.
Bên cạnh đó, Sở TN&MT Bến Tre tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra chuyên ngành về khoáng sản, bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác; thực hiện tốt vai trò Thường trực Ban chỉ đạo trong việc tham mưu để đề xuất kịp thời, có hiệu quả các giải pháp quản lý hoạt động khoáng sản trên địa bàn. Đồng thời, phối hợp với các ngành, các cấp làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục nhân dân nâng cao nhận thức pháp luật, ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Riêng đối với Bộ đội Biên phòng, xây dựng kế hoạch tăng cường lực lượng, phương tiện, biện pháp nghiệp vụ trên các địa bàn trọng điểm, nhất là trên các cửa sông, bãi bồi ven biển. Phối hợp với các lực lượng Công an, Quân sự và các lực lượng chức năng kịp thời trao đổi thông tin, nắm tình hình, kiểm soát chặt chẽ mọi hoạt động của người và phương tiện về lĩnh vực khoáng sản, đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn khu vực biên giới biển.