Bến Tre: Sẽ xây dựng hồ chứa nước ngọt gắn với bảo tồn di tích, tạo cảnh quang môi trường

Bạch Thanh| 10/09/2020 11:55

(TN&MT) - Trước tình hình hạn hán và xâm nhập mặn ngày càng diễn biến phức tạp, tỉnh Bến Tre vừa có báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án xây dựng hồ chứa nước ngọt thứ hai có quy mô lớn nhất khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Quy hoạch dự án Xây dựng hồ chứa nước ngọt Lạc Địa, xã Phú Lễ, huyện Ba Tri (Bến Tre)

Cấp thiết xây dựng hồ chứa nước ngọt

Bến Tre là tỉnh ven biển có địa hình trũng thấp của ĐBSCL nên dễ chịu tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH). Đặc biệt là bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi nước biển dâng và mặn xâm nhập. Và những tác động bất lợi này sẽ diễn ra ngày càng trầm trọng hơn mà đỉnh điểm là mùa khô năm 2015-2016 và năm 2019- 2020. Lúc bấy giờ, ranh mặn 4‰ đã bao trùm toàn bộ diện tích của tỉnh Bến Tre.

Hơn nữa, tình hình hạn hán, xâm nhập mặn xuất hiện sớm hơn so với trung bình nhiều năm, độ mặn tăng cao đột ngột và xâm nhập sâu đã làm nguồn nước sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp cũng như các dịch vụ sản xuất khác của nhân dân tỉnh Bến Tre bị nhiễm mặn. Dẫn đến tình trạng thiếu nước ngọt ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng rất lớn đến phát triển kinh tế và đời sống dân sinh của địa phương.

Ông Nguyễn Văn Điền – Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre cho biết: Trước tình hình nguồn nước ngọt tại chỗ ngày càng khan hiếm không chủ động được để phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân, lãnh đạo tỉnh Bến Tre đã chỉ đạo các ngành chức năng lập dự án các hồ chứa nước ngọt tự nhiên và nhân tạo để trữ nước ngọt phục vụ cho người dân trong mùa khô.

Qua đó, khu đất Lạc Địa thuộc xã Phú Lễ, huyện Ba Tri với diện tích hiện tại còn lại 121 ha, đây là quỹ đất công do Nhà nước quản lý đã được tỉnh Bến Tre lựa chọn xây dựng các công trình phục vụ phát triển dân sinh, kinh tế cho khu vực. Khu đất có vị trí nằm sâu trong nội đồng, xung quanh đều giáp các trục kênh dẫn nước tưới tiêu nên thuận lợi để xây dựng một hồ chứa nước ngọt phục vụ nhân dân trong vùng trong mùa khô.

Theo ông Nguyễn Văn Điền, việc đầu tư xây dựng hồ chứa nước ngọt Lạc Địa phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Bến Tre nói chung và của huyện Ba Tri tầm nhìn đến năm 2025, quy hoạch xây dựng nông thôn mới của xã Phú Lễ tầm nhìn đến năm 2025 và đáp ứng được yêu cầu mục tiêu phòng chống, ứng phó BĐKH.

Theo thiết kế, tổng dung tích hữu ích của hồ chứa nước ngọt là 1,3 triệu m3. Dự kiến tổng mức đầu tư trên 352 tỷ đồng. Nguồn vốn do ngân sách Trung ương hỗ trợ bố trí thực hiện dự án từ kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 theo tiêu chí, định mức phân bổ vốn của giai đoạn trung hạn.

Đây được xem là hồ chứa nước ngọt nhân tạo lớn nhất ĐBSCL. Khi hình thành, hồ Lạc Địa sẽ tạo nguồn trữ ngọt hỗ trợ cho các đối tượng trong vùng dự án khai thác bằng mọi biện pháp để đáp ứng yêu cầu sinh hoạt và sản xuất trong suốt mùa khô trước nguy cơ hạn mặn ngày càng cao nhằm phòng chống, ứng phó BĐKH.

Khu đất Lạc Địa hiện hữu được quy hoạch làm hồ chứa nước ngọt

Bảo tồn gắn với cảnh quang môi trường

Cũng theo ông Nguyễn Văn Điền, về quy hoạch, ngành chức năng tỉnh Bến Tre đưa ra phương án giữ nguyên vị trí và diện tích khu căn cứ cách mạng Bưng Lạc Địa, bảo tồn nguyên sinh các loại cây; thảm thực vật và động vật đã được bảo tồn từ trước đến nay.

Bên cạnh đó, bố trí hồ nước ngọt thành 3 hồ riêng biệt nhằm hạn chế được ô nhiễm, tạo các hồ trữ lắng khi lấy và tiêu nước, giảm diện tích mặt thoáng sẽ giảm được lượng nước bốc hơi hàng ngày. Chia nhỏ diện tích hồ cũng góp phần tăng cường sự ổn định của mái hồ trong quá trình khai thác sử dụng.

Đồng thời, xây dựng tuyến đường bao quanh hồ với nhiệm vụ là đường kết hợp đối nội và đối ngoại, tạo hành lang ngăn cách hồ với khu dân cư và sản xuất nông nghiệp bên ngoài, hạn chế ô nhiễm, bảo vệ môi trường sinh thái trong lành và tạo cảnh quang cho hồ.

Ngoài ra, dọc các tuyến đường còn là nguồn động lực góp phần cùng địa phương quy hoạch và hình thành các khu thương mại dịch vụ, khu dân cư, khu làng nghề,... quanh vùng dự án.

Như vậy, với diện tích 121 ha, dự án sẽ được quy hoạch thành 3 khu: khu hồ trữ nước ngọt, khu di tích lịch sử - văn hóa và khu dân cư tập trung. Cụ thể, khu dân cư tập trung có diện tích 10 ha; khu di tích lịch sử - văn hóa 13,5 ha; khu hồ trữ nước ngọt 97,66 ha, bao gồm hồ chứa nước ngọt, đất giao thông, đất cây xanh + khu du lịch sinh thái.

Ông Nguyễn Văn Điền cũng cho rằng, đây là dự án thuộc các công trình ứng phó với hạn mặn nên cần sớm triển khai để đến năm 2025 sẽ hoàn thành. Từ nay đến cuối năm 2020, tỉnh Bến Tre sẽ hoàn thành việc lập hồ sơ, thẩm định và phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án đầu tư và trình cấp Trung ương duyệt kinh phí đầu tư.

Trước đó, vào tháng 8/2019, tỉnh Bến Tre cũng đã đưa vào sử dụng dự án Hồ chứa nước ngọt Kênh Lấp, huyện Ba Tri. Đây là hồ chứa nước ngọt đầu tiên của tỉnh Bến Tre, với quy mô 60 ha, sức chứa gần 01 triệu m3, tổng vốn đầu tư trên 85 tỷ đồng. Dự án đã góp phần đáp ứng được nhu cầu nguồn nước phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh trước tình hình hạn hán và xâm nhập mặn khốc liệt trong mùa khô vừa qua.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bến Tre: Sẽ xây dựng hồ chứa nước ngọt gắn với bảo tồn di tích, tạo cảnh quang môi trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO