(TN&MT) - Theo Tỉnh ủy Bến Tre, sau 9 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, các cấp ủy Đảng, các Sở, ban, ngành và chính quyền các cấp trong tỉnh đã đưa nội dung thực hiện đổi mới chính sách pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới vào trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm của cơ quan, đơn vị.
Vùng đất ngập nước tại huyện Ba Tri, Bến Tre |
Nhiều cơ chế, chính sách trong công tác quản lý
Bà Hồ Thị Hoàng Yến - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bến Tre cho biết: Thời gian qua, công tác quản lý Nhà nước về đất đai tại tỉnh Bến Tre có nhiều chuyển biến tích cực, công tác đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai đã đạt được những thành tựu đáng kể; việc quy hoạch, lập kế hoạch, giao đất, cho thuê đất, cũng như hiệu quả sử dụng đất từng bước được nâng cao, nhất là đất nông nghiệp được quản lý, sử dụng hiệu quả; hạn chế thấp nhất tình trạng để đất hoang hóa.
Cùng với đó, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đất đai đã được triển khai rộng rãi đến mọi đối tượng, với những nội dung thiết thực, hình thức phù hợp, được các cấp, ngành, địa phương và người dân đánh giá cao. Nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật đất đai của các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân sử dụng đất được nâng cao, góp phần đưa Luật Đất đai thực sự đi vào cuộc sống.
Đặc biệt, sau khi Luật Đất đai năm 2013 ban hành và có hiệu lực pháp luật, tỉnh Bến Tre đã tổ chức triển khai xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của địa phương. Đến nay, UBND tỉnh Bến Tre đã ban hành 48 quyết định theo thẩm quyền quy định các nội dung như: quy định về hạn mức giao đất; quy định về bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi nhà nước thu hồi đất; giá đất; quy định về thu tiền bảo vệ phát triển đất trồng lúa; thủ tục hành chính và các quy định khác có liên quan.
Cũng theo bà Hồ Thị Hoàng Yến, đạt được kết quả trên là do trong quá trình thực hiện, cấp ủy của tỉnh Bến Tre đã lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, liên tục, hằng năm đều có Nghị quyết về cơ chế, chính sách trong công tác quản lý đất đai, nhất là việc quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, tài chính đất và giá đất làm căn cứ để các cấp, các ngành triển khai thực hiện.
Bến Tre đổi mới toàn diện về quản lý đất đai để phát triển kinh tế - xã hội |
Cần có sự thống nhất, đồng bộ khung pháp lý
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bến Tre Hồ Thị Hoàng Yến cho rằng: Trong triển khai thực hiện nghị quyết, vẫn còn một số vấn đề hạn chế, cần có sự thống nhất, đồng bộ để tạo khung pháp lý triển khai thực hiện thông suốt, nhất là trong công tác quy hoạch sử dụng đất, công tác giao đất, cho thuê đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, về thời hạn sử dụng đất nông nghiệp...
Cụ thể, về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cần quy định cơ sở của quy hoạch sử dụng đất là quy hoạch tổng thể quốc gia: “Quy hoạch sử dụng đất cụ thể hóa quy hoạch tổng thể quốc gia về phân bố và khoanh vùng đất đai cho các ngành, lĩnh vực và các địa phương trên cơ sở tiềm năng đất đai” để phù hợp với Luật Quy hoạch năm 2017 và để phân bổ quỹ đất một cách khoa học, hiệu quả.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục quy định về giao đất, cho thuê đất theo cả hai hình thức: đấu giá quyền sử dụng đất và đấu thầu dự án có sử dụng đất, để đảm bảo sự phù hợp với quy định của pháp luật về đầu tư và hiệu quả sử dụng đất. Nội dung này cần tiếp tục quy định cụ thể, chi tiết hơn, nhằm đảm bảo hiệu quả của việc sử dụng đất, đồng thời cũng tránh được việc giao đất, cho thuê đất không đúng quy định pháp luật.
Đồng thời, cần nới lỏng và tiến tới bỏ quy định thời gian giao đất, công nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp đối với hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp. Vì theo quy định của pháp luật về đất đai khi hết thời hạn, hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp nếu có nhu cầu thì tiếp tục sử dụng đất theo thời hạn quy định. Việc gia hạn phát sinh thủ tục hành chính, thẩm quyền xem xét gia hạn đất và chi phí, thời gian của người sử dụng đất.
Ngoài ra, đất của các cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm, trụ sở cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp đã di dời ra khỏi trung tâm các đô thị lớn cần được đấu giá để giao đất, cho thuê đất phục vụ phát triển kinh tế. Vì thời gian qua nhiều cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp di dời vào hoạt động tại các tòa nhà tập trung; do đó, trụ sở của cơ quan, đơn vị không sử dụng, hơn nữa nhiều trụ sở không đủ diện tích để tái sử dụng cho mục đích khác.
“Đến nay, tỉnh Bến Tre có 9/9 huyện, thành phố với 157/157 xã, phường, thị trấn đã được đo đạc thành lập bản đồ địa chính, kê khai đăng ký và cấp giấy chứng nhận. Công tác đăng ký đất đai cơ bản hoàn thành 100%, góp phần hoàn thiện hệ thống hồ sơ địa chính, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về đất đai. Đồng thời, tỉnh Bến Tre cũng đã xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính đạt 157/157 xã, phường, thị trấn và được đưa vào quản lý, vận hành tập trung”. Bà Hồ Thị Hoàng Yến - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bến Tre.