Bến Tre: Chú trọng đến đời sống, sản xuất của người dân
(TN&MT) - Là địa phương nằm ở cuối nguồn sông Cửu Long và tiếp giáp biển Đông, có đường bờ biển dài cùng với hệ thống sông, rạch chằng chịt, trong những năm qua, dưới tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, tỉnh Bến Tre đã và đang tập trung nhiều giải pháp phòng ngừa, chủ động ứng phó kịp thời nhằm ổn định sản xuất và đời sống dân sinh, góp phần phát triển bền vững kinh tế - xã hội của địa phương.
Chủ động ứng phó
Theo ngành chức năng tỉnh Bến Tre, mặc dù công tác phòng, chống thiên tai (PCTT) trên địa bàn trong những năm qua đã có nhiều chuyển biến tích cực nhờ vào sự hoạt động có hiệu quả của cả hệ thống chính trị trong tỉnh và sự chủ động, sáng tạo khắc phục khó khăn của người dân, nhưng thiệt hại do thiên tai vẫn còn rất lớn. Điển hình như đợt hạn mặn mùa khô năm 2019-2020. chỉ ước tính thiệt hại của ngành nông nghiệp đã lên đến 1.660 tỷ đồng; cùng với đó là tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển đang diễn biến ngày càng nghiêm trọng, gây thiệt hại về nhà ở, sản xuất của người dân.
Trước tình hình trên, tỉnh Bến Tre đã tập trung thực hiện nhiều phương án, giải pháp ứng phó nhằm kịp thời ổn định đời sống và sản xuất của người dân, góp phần phát triển bền vững kinh tế - xã hội của địa phương. Trong đó, tổ chức kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT cấp tỉnh; còn đối với các ngành, các cấp địa phương cũng đã thực hiện việc rà soát, điều chỉnh cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ của Ban Chỉ huy PCTT các ngành, các cấp địa phương theo quy định.
Song song đó, tỉnh Bến Tre đã ban hành Kế hoạch PCTT giai đoạn 2021-2025 theo quy định của Luật PCTT, được thể hiện đầy đủ các nội dung theo từng giai đoạn phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả khi có tình huống thiên tai xảy ra; có phân công nhiệm vụ cụ thể các ngành, địa phương. Kế hoạch sau khi được UBND tỉnh phê duyệt đã triển khai tổ chức thực hiện; đồng thời, UBND tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT tỉnh đã chỉ đạo các Sở, ban, ngành, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội và UBND các huyện, thành phố về việc triển khai, xây dựng kế hoạch PCTT của các ngành, các cấp địa phương.
Hơn nữa, bên cạnh những giải pháp phi công trình, trong những năm qua, được sự quan tâm hỗ trợ từ Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương đã tạo nguồn lực cho tỉnh Bến Tre thực hiện đầu tư xây dựng hạ tầng nhằm đảm bảo yêu cầu về chủ động trong công tác PCTT. Chỉ tính từ năm 2022 đến nay, tỉnh Bến Tre đã được Trung ương hỗ trợ hơn 1.100 tỷ đồng (vốn ngân sách Trung ương), 642 tỷ đồng (vốn ODA) và 265 tỷ đồng (vốn ngân sách địa phương) để triển khai thực hiện 41 công trình, dự án chuyên ngành NN&PTNT gắn với mục tiêu PCTT, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Ngoài ra, công tác dự báo, cảnh báo tình hình thiên tai của Đài Khí tượng Thuỷ văn tỉnh Bến Tre đã có nhiều chuyển biến tích cực, đáp ứng yêu cầu cho công tác chỉ đạo phòng chống, ứng phó thiên tai, bảo vệ sản xuất tại địa phương. Các báo, đài và hệ thống truyền thanh trong tỉnh cũng đã làm tốt công tác thông tin, truyền tải các bản tin cảnh báo, dự báo; đặc biệt là hiện trạng tiếp nhận thông tin thiên tai của cơ sở, cộng đồng, từ đó giúp cho chính quyền, người dân sớm nắm bắt tình hình diễn biến thiên tai và có sự chủ động, tích cực hơn trong công tác chuẩn bị phòng tránh, ứng phó.
Tăng cường các giải pháp
Chia sẻ với phóng viên, ông Bùi Văn Thắm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Bến Tre cho biết: Nhằm chủ động ứng phó với thiên tai những tháng cuối năm 2023; tích trữ nước và phòng chống, ứng phó xâm nhập mặn mùa khô năm 2023 - 2024; tỉnh Bến Tre đã đề ra nhiều phương án, giải pháp để tổ chức thực hiện đạt hiệu quả. Theo đó, các ngành, các cấp trong tỉnh tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân, doanh nghiệp tích cực trữ nước mưa, nước ngọt ngay trong mùa mưa này bằng nhiều hình thức.
Đối với các vị trí đập tạm với quy mô lớn, Sở NN&PTNT Bến Tre sẽ phối hợp với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình NN&PTNT, UBND các huyện tiến hành khảo sát, tham mưu đề xuất UBND tỉnh Bến Tre xem xét, cho chủ trương thực hiện. Riêng Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh thực hiện tốt công tác quản lý, vận hành, đảm bảo tích trữ tối đa nguồn nước ngọt vào hồ chứa Kênh Lấp, sông Ba Lai để phục vụ trong mùa hạn mặn.
Riêng khu vực bờ sông, ven biển; các Sở, ngành có liên quan và địa phương chủ động rà soát, kiểm tra, kịp thời phát hiện các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở; vận động các hộ dân có nhà ở nằm trong khu vực đã và đang hoặc có nguy cơ ảnh hưởng sạt lở di dời đến nơi an toàn; thực hiện cắm biển cảnh báo, khoanh vùng khu vực sạt lở để tránh xảy ra tai nạn; đồng thời, thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”, chủ động huy động lực lượng, phương tiện, vật tư,... để gia cố tạm thời nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do sạt lở gây ra.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Minh Cảnh, ngày 15/9 vừa qua, UBND tỉnh Bến Tre đã ban hành Kế hoạch số 5655/KH-UBND về PCTT trên địa bàn kèm theo phương án ứng phó cụ thể với hạn hán, xâm nhập mùa khô năm 2023 - 2024. Nội dung phương án ứng phó có xây dựng kịch bản xâm nhập mặn cực đoan, kéo dài và đạt mức lịch sử như mùa khô năm 2019 - 2020; chỉ đạo cụ thể những công việc trọng tâm cần khẩn trương thực hiện và giao nhiệm vụ đối với từng ngành, địa phương trong công tác chuẩn bị phòng chống, ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn mùa khô.
Trong đó, về phòng chống sạt lở, tỉnh Bến Tre đặc biệt lưu ý đến việc theo dõi chặt chẽ diễn biến triều cường, mưa lũ, mực nước trên các sông, kênh rạch và thông báo thường xuyên, kịp thời đến chính quyền, người dân và các chủ đầu tư công trình ven sông, kênh rạch biết để chủ động phòng tránh, nhất là các khu vực trũng thấp, ven sông, các cồn; đồng thời, rà soát các khu vực dân cư đang sinh sống ven sông, rạch, đặc biệt là những khu vực đang có diễn biến sạt lở và có nguy cơ sạt lở; chủ động sơ tán, di dời dân ra khỏi vùng nguy hiểm để đảm bảo an toàn cho người và tài sản khi cần thiết; cắm biển cảnh báo, khoanh vùng khu vực đang có diễn biến sạt lở.
Riêng về công tác chuẩn bị phòng chống, ứng phó hạn mặn mùa khô 2023 - 2024, ông Nguyễn Minh Cảnh cho biết: Tỉnh Bến Tre tiếp tục tập trung cho công tác tuyên truyền, phát động người dân, doanh nghiệp tích cực trữ nước mưa, nước ngọt nhằm đảm bảo có đủ nguồn nước ngọt phục vụ nhu cầu ăn uống, sinh hoạt và sản xuất trong trường hợp xâm nhập mặn tăng đột biến, bất thường.
Bên cạnh đó, giao cho Sở NN&PTNT Bến Tre chủ trì, phối hợp với các ngành và các địa phương có liên quan bố trí lịch thời vụ gieo trồng hợp lý để tạo điều kiện đẩy sớm thời điểm xuống giống lúa vụ Đông Xuân phù hợp với điều kiện nguồn nước, tình hình xâm nhập mặn, bảo đảm tránh thời điểm xâm nhập mặn lên cao trùng với thời kỳ sinh trưởng nhạy cảm của cây trồng. Đối với các diện tích có nguy cơ bị ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn thì cần lùi thời vụ xuống giống đến khi nguồn nước bảo đảm đủ cung cấp
Đồng thời, Sở NN&PTNT Bến Tre chủ trì, phối hợp đề xuất danh mục và phương án thực hiện các công trình đập tạm ngăn mặn, bờ bao ngăn mặn cục bộ; các công trình thủy lợi, cống ngăn mặn thì cần được duy tu, sửa chữa nếu có; tiến hành sửa chữa, nâng cấp công trình bờ bao, cống ngăn mặn; nạo vét, khơi thông dòng chảy các tuyến kênh rạch nội đồng để tăng lượng tích trữ nguồn nước.
Cùng với đó, tập trung duy tu, bảo dưỡng, nạo vét ao chứa nước thô và nâng cấp, mở rộng mạng lưới của các nhà máy nước sinh hoạt; tổ chức kiểm tra, bảo dưỡng các điểm cấp nước tập trung, các hệ thống lọc mặn,… đã được trang bị trong các năm qua đảm bảo vận hành đưa vào phục vụ người dân. Riêng đối với các đơn vị chủ đầu tư cần đẩy nhanh tiến độ thi công xây dựng các công trình thủy lợi, cấp nước để kịp đưa vào khai thác, sử dụng trong mùa hạn mặn.
“Nhiệm vụ trọng tâm trước mắt vẫn là các thành viên Ban Chỉ huy PCTT cấp tỉnh được phân công phụ trách huyện, thành phố tăng cường theo dõi, hỗ trợ, đôn đốc các địa phương thực hiện nhiệm vụ trọng tâm trong công tác PCTT những tháng cuối năm 2023, chuẩn bị sẵn sàng phương án ứng phó hạn mặn mùa khô 2023 - 2024”, ông Nguyễn Minh Cảnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho hay.