Ông Nguyễn Hữu Lập, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho biết, kể từ năm 2010, trên địa bàn huyện Bình Đại xuất hiện tình trạng người dân nuôi tôm ngoài vùng quy hoạch, trong vùng ngọt hóa. Đến năm 2013, UBND tỉnh Bến Tre đã có ý kiến chỉ đạo, giao cho các ngành, các cấp tập trung triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp nên tình hình khoan giếng lấy nước mặn để nuôi tôm và nuôi tôm biển ngoài vùng quy hoạch, nuôi tôm biển trong vùng ngọt hóa cơ bản được kiểm soát.
Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, tình hình khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm, nuôi tôm ngoài vùng quy hoạch tăng trở lại và diễn biến phức tạp. Qua thống kê sơ bộ của các ngành chức năng tỉnh Bến Tre, đã có hàng ngàn người dân phá vườn dừa, đào ao trên ruộng lúa để nuôi tôm sú, thẻ chân trắng, tập trung đông nhất là các xã ven sông Ba Lai thuộc huyện Bình Đại, với trên 1.500 hộ. Tình hình này nếu không được kiểm soát, xử lý dứt điểm thì sẽ ảnh hưởng đến môi trường, đất sản xuất, ô nhiễm nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt của cộng đồng.
Theo ông Nguyễn Hữu Lập, để ngăn chặn việc người dân tái diễn nuôi tôm ngoài vùng quy hoạch, vừa qua chính quyền địa phương các cấp trong tỉnh đã thành lập ban vận động, tuyên truyền, ngăn chặn và xử lý các hộ nuôi tôm ngoài vùng quy hoạch. Ngoài ra, UBND các xã nơi có ao nuôi vi phạm đã tổ chức cho người dân thực hiện ký cam kết không nuôi tôm biển và trám lấp các giếng khoan nước mặn để nuôi tôm trong vùng ngọt hóa. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn không chấm dứt được.
Trước tình hình trên, mới đây UBND tỉnh Bến Tre đã ban hành văn bản về việc xử lý nuôi tôm chân trắng ngoài quy hoạch và khoan giếng lấy nước mặn để nuôi tôm. Theo đó, UBND tỉnh giao cho Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan và địa phương thông tin tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về quy hoạch và các văn bản điều chỉnh quy hoạch chi tiết nuôi tôm chân trắng trên địa bàn tỉnh Bến Tre đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, những tác hại của nuôi tôm biển trong vùng ngọt hóa, tác hại của việc khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm.
Bên cạnh đó, tiếp tục phối hợp với các địa phương đẩy mạnh việc nhân rộng các mô hình sản suất có hiệu quả, phù hợp vùng ngọt hóa để thay thế con tôm chân trắng nhằm phát triển sản xuất, ổn định đời sống nhân dân. Đồng thời giúp UBND tỉnh thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở việc thực hiện các giải pháp quản lý nuôi tôm biển trong vùng nước ngọt, nuôi tôm không đúng quy hoạch, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm của các ngành, địa phương.
UBND tỉnh Bến Tre yêu cầu Sở TN&MT chủ trì, phối hợp với các ngành, địa phương có liên quan tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm thuộc thẩm quyền. Hướng dẫn, hỗ trợ, kiểm tra các huyện trong việc kiểm tra, trám lắp các cây giếng khoan không đúng quy định, công tác xử lý vi phạm về khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm; vi phạm về sử dụng đất sai mục đích, kể cả vi phạm trong việc xả thải gây ô nhiễm môi trường, nguồn nước... theo quy định của pháp luật.
Đối với UBND các huyện Ba Tri, Bình Đại, Thạnh Phú, Giồng Trôm và Mỏ Cày Nam cần chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và các địa phương có liên quan chủ động thực hiện và phối hợp với cơ quan chuyên môn của tỉnh tăng cường tuyên truyền, giáo dục, khuyến cáo người dân chuyển đổi cây trồng, vật nuôi để phát triển kinh tế phù hợp với quy hoạch. Tuyên truyền những tác hại của nuôi tôm biển trong vùng ngọt hóa, tác hại của việc khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm. Triển khai sâu rộng quy hoạch chi tiết nuôi tôm chân trắng trên địa bàn tỉnh cho nhân dân được biết và nghiêm túc thực hiện.
Tăng cường công tác kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm, vi phạm về sử dụng đất sai mục đích theo quy định của pháp luật. Chỉ đạo kiểm điểm trách nhiệm các ngành, địa phương thuộc quyền quản lý để xảy ra trường hợp nuôi tôm ngoài vùng quy hoạch, nhất là để xảy ra tình trạng khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm trái quy định. Đến hết tháng 9/2018 phải tổ chức trám lắp các cây giếng khoan lấy nước mặn nuôi tôm không đúng quy định.
UBND tỉnh Bến Tre cũng cương quyết, trong thời gian tới, nếu không ngăn chặn, kéo giảm và tiến tới chấm dứt tình trạng khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm và nuôi tôm ngoài vùng quy hoạch thì lãnh đạo Sở NN&PTNT, Sở TN&MT, UBND các huyện: Ba Tri, Bình Đại, Thạnh Phú, Giồng Trôm và Mỏ Cày Nam phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh.