Bến Tre: “Cát tặc” vẫn còn diễn biến phức tạp

18/04/2019 17:58

(TN&MT) - Bến Tre được xem là tỉnh chịu hậu quả nghiêm trọng do sạt lở trên các tuyến sông, rạch. Một trong những nguyên nhân chính để gây ra tình trạng sạt lở ấy chính là vấn nạn khai thác cát bừa bãi, trái phép. Trong khi đó, măc dù các cấp chính quyền trong tỉnh có nhiều biện pháp xử lý, nhưng tình hình trên vẫn còn diễn biến phức tạp.

H1
Một trong những phương tiện đang bơm hút cát trái phép tại Châu Thành, Bến Tre

Hoành hành về đêm

Mới đây, vào một buổi chiều muộn, chúng tôi thuê phương tiện để làm cuộc hành trình đi tìm cát tặc. Khởi đầu từ Vườn hoa Lạc Hồng, bên bờ sông Tiền tại TP Mỹ Tho (Tiền Giang), ngang qua cầu Rạch Miễu, rồi thẳng tiến về hướng thượng nguồn. Thấy chúng tôi để máy ảnh, máy quay ra ngoài, anh lái tàu căn dặn lát sau cất máy ảnh vào trong cẩn thận, không khéo những người “canh gác” cát tặc phát hiện sẽ bị lộ.

Đồng hành và hướng dẫn chúng tôi chuyến đi này là anh Nhân (quê Bến Tre), làm tài công cho phương tiện vận tải cát tại Tiền Giang. Anh Nhân cho biết, thông thường, cát cặc lợi dụng lúc tối trời, hay đêm khuya, ngày nghỉ để khai thác cát. Chỉ vào chân cầu Rạch Miễu, anh Nhân nói nơi đây có rất nhiều cát đẹp, giá cao, nên các ghe, tàu thường hay tụ tập để bơm hút cát. Theo anh Nhân, đoạn sông Tiền cách cầu Rạch Miễu vài km, một bên là cồn Thới Sơn, bên kia là xã Bình Đức (Tiền Giang) cũng là nơi mà “cát tặc” thường xuyên hoành hành.

Sau hơn 3 tiếng đồng hồ lênh đênh trên sông nước, đến địa bàn huyện Cai Lậy (Tiền Giang), ghe chúng tôi rẽ về hướng sông Hàm Luông thuộc địa bàn tỉnh Bến Tre. Lúc này khoảng 20 giờ tối, cách phà Tân Phú hơn 2km về hạ nguồn, đoạn tiếp giáp giữa xã Tân Phú - Tiên Thủy (huyện Châu Thành), xã Hòa Nghĩa - Long Thới (huyện Chợ Lách), tỉnh Bến Tre, tiếng máy tàu, máy bơm nổ rền vang.

Nhìn về chúng tôi, anh Nhân bảo “ổ cát tặc” trước mặt đó. Thật vậy, không lâu sau, qua quan sát trong đêm, chúng tôi nhẩm đếm có đến gần 20 tàu, ghe neo đậu bơm hút cát. Các phương tiện này có trọng tài đến vài trăm tấn, chiếc nhỏ nhất cũng có sức chứa vài chục khối cát. Tất cả đậu san sát nhau, thả ống xuống dòng sông bơm hút cát lên tàu. Sau hơn 2 giờ, cát đầy boong, các phương tiện nhổ neo rời đi, các phương tiện khác lại đến. 

Là người chạy tàu qua đây hàng đêm, nên anh Nhân biết hoạt động này diễn ra gần như xuyên đêm nếu không bị xua đuổi. Điều đáng nói là các tàu bơm hút cát hoạt động chỉ cách bờ sông Hàm Luông độ khoảng một vài trăm mét. Như thế, uớc tính có hàng nghìn mét khối cát lòng sông mỗi đêm được “các tặc” đưa đi tiêu thụ các nơi, thu về số tiền “khủng”.

H2
Vùng tam giác khu vực tam giác Bến Tre - Tiền Giang - Vĩnh Long là nơi "cát tặc" thường xuyên hoành hành

Dân kêu khổ, chính quyền than khó

Tìm đến nơi mà chúng tôi phát hiện “ổ cát tặc” trong đêm vừa qua bên bờ sông Hàm Luông, huyện Chợ Lách. Khi hỏi về tình trạng khai thác cát trên sông, ông Võ Duy Linh (sinh năm 1964; ngụ ấp Khánh Hội Đông, xã Tiên Thủy) bức xúc nói: “Dọc trên tuyến sông Hàm Luông này, ghe tàu khai thác cát lậu thường xuyên neo đậu, hút cát từ tối tới sáng. Đêm xuống là tiếng máy nổ vang vọng khắp nơi”.

Chỉ vào gốc bần ở mé sông, ông Linh ngao ngán: “Nhiều lúc phương tiện nẹo đậu, bơm hút cạnh sát bờ sông này. Xua đuổi không được, người dân gọi báo địa phương. Vừa gọi xong, không lâu sau là nó nhổ neo rút đi. Nhiều khi lực lượng Công an xã đến nơi, chỉ đứng trên bờ nhìn xuống vì không có phương tiện để ra sông…”.

H3
Người dân xã Tiên Thủy (Châu Thành, Bến Tre) phải làm tường chống sạt lở

Ông Linh cũng cho rằng, cuộc sống của người dân ven sông này rất là khổ sở, bởi “cát tặc” hoành hành, làm sạt lở bờ sông, đe dọa cuộc sống của người dân. Theo ông Linh, khu vực gần nhà ông có nhiều đoạn sạt lở ăn sâu vào đất liền từ 4-5m. Hiện tại, ông Linh phải gom góp, vay mượn để đầu tư 168 triệu đồng mua vật tư về làm tường chắn sóng, bảo vệ 84m đê bao của gia đình.

Trao đổi với chính quyền địa phương, ông Nguyễn Anh Quốc - Chủ tịch UBND xã Tiên Thủy (Châu Thành) thừa nhận, sau khi đóng cửa mỏ cát vào năm 2018, trên địa bàn còn diễn ra tình trạng khai thác cát trái phép. Theo ông Quốc, xã đã giao về cho ấp trực tiếp quản lý, theo dõi các trường hợp bơm hút cát trái phép. Khi phát hiện, ấp báo ngay về xã để cử lực lượng xuống phối hợp xử lý.

Ông Quốc cho hay, việc tuần tra, xử lý cát tặc gặp nhiều khó khăn do thiếu kinh phí, kể cả thiếu con người và phương tiện. Theo ông Quốc, mới đây, UBND xã Tiên Thủy có tờ trình gửi lên trên xin hỗ trợ kinh phí chống sạt lở do ngay địa bàn xã hiện có khoảng 700m đê bao bị hở hàm ếch, nguy cơ sạt lở vào mùa mưa. Ngoài ra, có ít nhất 3 vị trí chiều dài 30m cũng có khả năng sạt lở hết bề mặt đê, gây vở đê bao.

Vẫn còn nhiều nỗi lo

Để nắm rõ hơn về địa điểm, mức độ khai thác cát đã và đang diễn ra như thế nào, chúng tôi cố gắng liên hệ với những người “chuyên” sống bằng nghề mua bán cát. Những người này cho biết hiện rất nhiều nơi có “bóng đêm” cát tặc, với các địa điểm cụ thể như: Khu vực phía trên chân cầu Hàm Luông (thuộc huyện Mỏ Cày Bắc và TP Bến Tre); khu vực bến đò Cây Dương (xã Tân Phú, huyện Châu Thành); khu vực tam giác Chợ Lách (Bến Tre) - Cai Lậy (Tiền Giang) và Long Hồ (Vĩnh Long); khu vực chân cầu Cổ Chiên, giáp Trà Vinh; khu vực cửa sông Tiền, giáp huyện Bình Đại (Bến Tre),…

H4
Lực lượng chức năng của tỉnh Bến Tre xử lý các phương tiện khai thác cát trái phép

Qua thống kê, toàn tỉnh Bến Tre hiện có 787 phương tiện khai thác bơm, hút cát. Phần lớn các phương tiện này đều không có đăng ký, đăng kiểm. Trong năm 2018, lực lượng chức năng Bến Tre đã kiểm tra, xử lý 1.683 vụ với 1.826 đối tượng vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác khoáng sản; xử phạt với số tiền trên 16,73 tỷ đồng; trong đó có 5 trường hợp buộc nộp vào ngân sách nhà nước 01 tỷ đồng, tương đương tiền định giá phương tiện vi phạm thuộc trường hợp bi tịch thu; đồng thời, tịch thu 01 phương tiện khai thác cát vỏ sắt 350 CV3. Ngành chức năng tỉnh Bến Tre cũng xác định được 17 “điểm nóng” về khai thác cát trái phép.

Cũng chính từ việc khai thác cát bừa bãi, trái phép này, đã khiến nhiều diện tích đất ven sông bị sạt lở và trở thành vấn đề nhức nhối đối với chính quyền địa phương tỉnh Bến Tre. Ngành Nông nghiệp tỉnh đã thống kê được 92 điểm sạt lở bờ sông, tổng chiều dài khoảng 118 km gây hư hại nhà ở, mất đất sản xuất của hàng trăm hộ dân. Đồng thời, làm hư hỏng nhiều đoạn đê bao nội đồng, bờ bao cục bộ, đường giao thông nông thôn.

Khi đặt vấn đề về những giải pháp phòng chống nạn khai thác cát trái phép, ông Lê Văn Đáo - Phó Giám đốc Sở TN&MT Bến Tre cho biết, lãnh đạo UBND tỉnh Bến Tre đã giao các cơ quan chức năng rà soát, có biện pháp mạnh; đồng thời, tiếp tục tăng cường phối hợp trong phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật về khai thác cát lòng sông.

Cũng theo ông Đáo, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cũng đã giao trách nhiệm cho từng địa phương quản lý, ngăn chặn việc khai thác cát trái phép. Theo đó, UBND xã có thẩm quyền xử lý, đồng thời phải phối hợp với ngành chức năng tăng cường tuần tra kiểm tra, xử phạt. Nơi nào để xảy ra khai thác cát trái phép tràn lan thì chủ tịch UBND xã, thị trấn nơi đó phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh.

“Hiện nay trên địa bàn tỉnh Bến Tre còn 2 mỏ cát nhưng không hoạt động. Còn lại tất cả các mỏ khác đã hết hạn giấy phép khai thác. Để đảm bảo nhu cầu sử dụng nguồn cát, cũng như kéo giảm tình trạng khai thác cát trái phép, tỉnh Bến Tre đang gấp rút các thủ tục để tổ chức đấu thầu 5 mỏ cát mới; trong đó, huyện Ba Tri 3 mỏ, Châu Thành 1 và huyện Mỏ Cày Nam 1 mỏ cát”, ông Đáo thông tin.

Trong khi đang thực hiện bài viết này, chúng tôi cũng nhận được điện thoại phản ánh từ người dân xã An Hiệp, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Họ cho rằng, trên địa bàn xã, nạn khai thác cát lậu gần như diễn ra công khai. Bình quân mỗi đêm có từ 5-7 chiếc, cao điểm lên đến cả chục chiếc ghe, tàu đủ cỡ lớn, nhỏ. Cát tặc tập trung khai thác chủ yếu xung quanh khu vực Cù lao Đất (nằm giữa sông Hàm Luông, huyện Ba Tri), làm sạt lở ăn sâu vào đất cồn, khiến người dân nơi đây lo lắng, bức xúc. Theo bà con, họ rất bất mãn với việc trình báo chính quyền địa phương. Bởi, có trình báo thì vấn đề xử lý chẳng đến nơi đến chốn, báo thì có báo nhưng “cát tặc” vẫn ngang nhiên hoành hành.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bến Tre: “Cát tặc” vẫn còn diễn biến phức tạp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO