Thực tế, chúng ta chỉ dồi dào về nước khi xét riêng tổng lượng nước hàng năm (bao gồm trên 60% nguồn nước mặt - tương ứng trên 500 tỷ m3 - bắt nguồn từ nước ngoài và trên 300 tỷ m3 được sản sinh trên lãnh thổ Việt Nam). Theo tiêu chí đánh giá của Hội Tài nguyên nước Quốc tế, quốc gia nào có lượng nước bình quân đầu người dưới 4.000 m3/người/năm là quốc gia thiếu nước. Nếu tính riêng lượng tài nguyên nước mặt sản sinh trên lãnh thổ, ở thời điểm hiện tại, Việt Nam đang là quốc gia thiếu nước và sẽ gặp rất nhiều thách thức về tài nguyên nước trong tương lai gần.
Nguy hiểm hơn là “thói quen” cứ cần nước có ngay, tất cả là có sẵn trong sông, trong hồ,… tất cả đều được Nhà nước “lo toan” đủ cho mọi người, mọi nhà, cho sản xuất... được hình thành trong thời “bao cấp” đã làm mất dần thói quen tiết kiệm, tích nước phòng hạn… Dần dần, thái độ ứng xử với nước, “văn hóa nước” trong nhân dân vốn có từ lâu đời nay bị thay đổi theo hướng bất lợi.
Thực tế, chúng ta thường chứng kiến nhiều giếng khoan khai thác nước dưới đất với đầu tư lớn nhưng phải ngừng hoạt động do nước bị ô nhiễm, các trạm cấp nước xây xong hoạt động một thời gian rồi cạn khô, đắp chiếu hoặc nước bị sử dụng lãng phí hoặc chỉ dùng để... tưới cây trong khi không đủ nước sạch cho đời sống hằng ngày.
Dân số tăng nhanh, quá trình đô thị hóa chóng mặt đòi hỏi nguồn nước cho sản xuất và dân sinh “phình” cả về chất và lượng, dẫn đến việc khai thác sử dụng tài nguyên nước ngày càng nhiều. Ước tính, nhu cầu dùng nước do tăng dân số, đô thị hóa, công nghiệp hóa… sẽ lên đến khoảng 130 - 150 tỷ m3/năm, chiếm tới gần 50% lượng nước sản sinh trên lãnh thổ nước ta, gần 90% nguồn nước mùa khô (khoảng 170 tỷ m3). Điều đó cho thấy, nguy cơ thiếu nước là rõ ràng và ở mức nghiêm trọng.
Việc chia sẻ một cách hài hòa trong sử dụng nguồn nước giữa các cấp, các bên (Trung ương - địa phương, địa phương - địa phương, địa phương - doanh nghiệp) là vấn đề đáng suy ngẫm. Còn nhớ trường hợp tỉnh Đồng Nai cho phép lấn một phần sông Đồng Nai để xây dựng khu thương mại ven sông và gặp phải sự phản ứng của dư luận có thể coi là một trong những câu chuyện điển hình về thách thức trong chia sẻ nguồn nước. Các ý kiến phản đối cho rằng, ngoài việc cảnh quan sông bị tác động, hai địa phương ở phía hạ du là Bình Dương và TP. Hồ Chí Minh sẽ phải hứng chịu những hậu quả nhãn tiền một khi dự án tiếp tục được thực thi như: xói lở bờ, lượng nước sụt giảm, các trạm bơm ven sông khó khăn khi lấy nước, môi trường hạ du thay đổi...
Đôi khi, xung đột lợi ích sử dụng nước xảy ra giữa các địa phương hoặc giữa địa phương với doanh nghiệp thủy điện cũng diễn ra khá căng thẳng, dai dẳng, trong đó, câu chuyện tranh chấp nguồn nước giữa Đà Nẵng và Quảng Nam cũng có thể coi là một ví dụ.
Chúng ta đang thiếu một thứ đó là “văn hóa nước”. Quản lý tài nguyên nước phải cân nhắc tới tất cả các khía cạnh, trong đó, có văn hóa nước, bởi vì nước và văn hóa là hai yếu tố gắn bó với con người. Nước tạo ra văn hóa đặc thù. Văn hóa lại ảnh hưởng tới nước thông qua vai trò của nó trong việc giáo dục ứng xử của con người đối với nguồn nước. Quả thật, giá trị văn hóa và các giá trị xã hội quyết định tới việc con người xác định giá trị, nhận thức và quản lý như thế nào đối với tài nguyên nước.
Sẽ thực sự khó khăn hơn nếu chúng ta không có những cơ chế, chính sách để chia sẻ nguồn nước một cách hợp lý và thay đổi cơ bản trong việc quản lý, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước.