Bất động sản công nghiệp Việt Nam: “Bối cảnh mới – Chính sách mới – Cơ hội mới”

23/04/2019 14:46

(TN&MT) - Lần đầu tiên một sự kiện bất động sản công nghiệp quy mô lớn được tổ chức tại Việt Nam với chủ đề xoay quanh những vấn đề nóng nhất về bất động sản công nghiệp vừa diễn ra sáng 23/4/2019.

sdgsg
ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam phát biểu tại Hội thảo

Những tác động của bối cảnh, chính sách đến bất động sản công nghiệp và làm thế nào tận dụng những lợi thế sẵn có để tạo cơ hội phát triển hơn nữa cho thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam, thông qua đó, giúp các nhà đầu tư trong và ngoài nước, tiếp cận thông tin quy hoạch quỹ đất tại từng địa phương và chính sách ưu đãi thu hút đầu tư… là những vấn đề được đặt ra tại Diễn đàn “Bất động sản công nghiệp Việt Nam 2019” do Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương – CIEM, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam và Tạp chí Thương gia phối hợp tổ chức.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đánh giá, trong xu thế thị trường bất động sản dần đi vào trật tự và ổn định hơn, khi được hưởng lợi từ nhiều yếu tố, từ bối cảnh cho đến chính sách thì phân khúc bất động sản công nghiệp Việt Nam có nhiều dư địa và cơ hội phát triển.

Hơn thế nữa, bất động sản công nghiệp Việt Nam đang tạo dựng niềm tin mạnh mẽ về sự tăng trưởng trong mắt nhà đầu tư quốc tế. Việt Nam đã và đang không ngừng phát triển dần trở thành một trong những địa điểm đến thu hút đầu tư về công nghiệp sản xuất trong khu vực Đông Nam Á. Sự tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường là nhờ định hướng của Việt Nam trong xây dựng nền kinh tế tập trung vào xuất khẩu; Việc xúc tiến thành lập các khu công nghiệp và kinh tế trọng điểm; Sự tích cực tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA); tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ trong những năm gần đây và việc sở hữu lực lượng lao động trẻ, dồi dào, chi phí thấp.

Những yếu tố này đã góp phần thu hút một lượng vốn đầu tư đáng kể từ các tập đoàn nước ngoài, điển hình như Samsung đã công bố đầu tư hơn 17 tỷ USD vào Việt Nam. Gói đầu tư này đã góp phần tạo dựng niềm tin mạnh mẽ về sự tăng trưởng của thị trường Việt Nam trong mắt nhà đầu tư trên khắp thế giới.

fgsdg
Quang cảnh Hội thảo

Việt Nam đang phát triển nền kinh tế theo hướng xuất khẩu và khuyến khích kinh doanh trong lĩnh vực này. Điều này được thể hiện rõ nét qua việc tập trung phát triển các khu công nghiệp và kinh tế trọng điểm tại ba miền Bắc, Trung và Nam. Đồng thời, việc tham gia vào 16 Hiệp định thương mại tự do (FTA) cũng góp phần cải thiện môi trường kinh doanh cho các doanh nghiệp cả trong và ngoài nước.

Theo ông Trần Quốc Trung, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến hết năm 2018, cả nước có 326 KCN, KCX được thành lập với tổng diện tích hơn 95,6 nghìn ha; 251 KCN đã đi vào hoạt động với tổng diện tích hơn 66,2 nghìn ha. Tỷ lệ lấp đầy các KCN đi vào hoạt động đạt 73,9%; 885 KCN đi vào hoạt động có nhà máy xử lý nước thải tập trung.

Cũng tại diễn đàn, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương khẳng định: "Sức hấp dẫn của bất động sản công nghiệp Việt Nam cao hơn mức trung bình của khu vực và tiếp tục được thúc đẩy bởi các yếu tố như: Chi phí lao động thấp, giá thuê đất hợp lý, thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp ưu đãi...

Tuy nhiên, TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng, sự phát triển của bất động sản công nghiệp Việt Nam cũng còn nhiều những bất cập như hạ tầng kết nối đa phương tiện còn thiếu đồng bộ, hạ tầng nhà xưởng có tiêu chuẩn kỹ thuật thấp, đóng góp của KHC, KKT vào GDP còn chưa tương xứng với tiềm năng, định hướng chính sách của Nhà nước đã có nhưng chưa rõ ràng và đủ mạnh để hỗ trợ các nhà đầu tư và thúc đẩy thị trường phát triển.

Ông Trương Quốc Huy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam – một trong 10 tỉnh đứng đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài, cho biết, những năm vừa qua, Hà Nam có những bước biến chuyển rất mạnh mẽ. Tổng sản phẩm trong tỉnh GRDP tăng bình quân 11,43%, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng hiện đại. Riêng Công nghiệp là lĩnh vực tỉnh có nhiều ưu thế, được đặc biệt quan tâm và có mức tăng trưởng cao trong những năm qua, với trọng tâm là các Khu Công nghiệp và các dự án đầu tư nước ngoài. Trên địa bàn Hà Nam hiện có 7/8 Khu công nghiệp được Thủ tướng Chính phủ cho phép, đã được thành lập, xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ và hoạt động rất hiệu quả với hàng trăm doanh nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh. Đến nay, trên địa bàn tỉnh Hà Nam có 890 dự án đầu tư còn hiệu lực, trong đó số lượng doanh nghiệp đầu tư nước ngoài khoảng 260 với tổng số vốn đầu tư khoảng 3 tỷ USD.

Ông Trương Quốc Huy chia sẻ, để có được những kết quả trên là do sự hỗ trợ của Chính phủ và các Bộ ngành Trung ương, đồng thời điểm mạnh của Hà Nam là sự đồng thuận, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, thể hiện qua sự chỉ đạo tập trung của Tỉnh uỷ, sự điều hành sâu sát, quyết liệt của UBND tỉnh, sự đồng thuận, nỗ lực của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh trong việc thu hút các nguồn lực đầu tư.

Với 2 phiên thảo luận, diễn đàn cũng đã bàn luận về vấn đề được quan tâm lớn nhất của bất động sản công nghiệp, giúp nhận diện xu thế cùng những cơ hội và thách thức. Trên cơ sở đó, những chia sẻ của các chuyên gia góp phần mở ra định hướng, tạo đà cho bất động sản công nghiệp bứt phá và phát triển theo hướng bền vững, hiệu quả.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bất động sản công nghiệp Việt Nam: “Bối cảnh mới – Chính sách mới – Cơ hội mới”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO