Dự án đủ điều kiện pháp lý bung hàng thời điểm này sẽ thu hút sự quan tâm lớn từ khách hàng |
Trong vòng 2 năm qua, thị trường BĐS TP.HCM rơi vào tình trạng thiếu nguồn cung mới do quỹ đất khan hiếm, thủ tục dự án ngày càng siết chặt… Theo dự báo của các chuyên gia BĐS, tình hình này có thể kéo dài đến hết năm 2020. Hiện TP.HCM rất ít dự án đủ điều kiện mở bán. Do đó, tại thời điểm này, dự án nào đủ điều kiện bán hàng được xem là “hàng hiếm” của thị trường BĐS.
Số liệu thống kê từ Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) cho thấy, 9 tháng đầu năm 2019 thành phố chỉ có một dự án nhà ở được chấp thuận chủ trương đầu tư, giảm khoảng 83% so với cùng kỳ năm 2018. Theo HoREA, khó khăn lớn nhất của thị trường BĐS hiện nay là nhiều dự án nhà ở bị ách tắc dẫn đến tình trạng thiếu nguồn cung dự án, thiếu nguồn cung sản phẩm. Tình trạng mất cân bằng cung - cầu do nguồn cung quá ít trong lúc nhu cầu quá cao làm cho giá nhà dễ bị đẩy lên cao. Chưa kể, dịch Covid-19 cũng khiến thị trường BĐS chậm lại một nhịp.
Báo cáo của Hội môi giới BĐS Việt Nam cũng chỉ ra rằng, tại các đô thị lớn nguồn cung mới từ các dự án nhà ở sụt giảm mạnh. Song song với nguồn cung sụt giảm thì lượng giao dịch cũng sụt giảm. Giá BĐS có chiều hướng tăng, tín dụng cho vay kinh doanh BĐS bị siết mạnh làm giảm lượng giao dịch từ các nhà đầu tư thứ cấp, đầu cơ. Ngoài ra, các nhà đầu tư, người tiêu dùng có tâm lý lo sợ khi thị trường BĐS xuất hiện nhiều dự án không phù hợp với quy định pháp luật, chưa đủ điều kiện bán hàng.
Mặc dù nguồn cung thấp, nhưng tỷ lệ hấp thụ căn hộ tại TP.HCM luôn duy trì ở mức rất cao (trên 70%). Điển hình, tại Khu Nam, theo báo của của CBRE Việt Nam, tỷ lệ hấp thụ trung bình của các dự án mới chào bán trên thị trường này, thường khoảng 75-80%. Một số dự án có giá trị khác biệt đạt được tỷ lệ cao vượt trội. Trong đó, các dự án có pháp lý đầy đủ bung ra thị trường luôn được “săn đón”.
Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM cho biết: “Trong bối cảnh thị trường khó khăn chung về nguồn cung, giá thứ cấp biến động tăng nhanh ở các dự án chung cư, thì đây lại chính là cơ hội cho những dự án được cấp phép với pháp lý rõ ràng, tiềm lực tài chính của CĐT vững mạnh và có giá cạnh tranh khi đưa ra thị trường”.
Theo đánh giá của chuyên gia ở Công ty Chứng khoán KB (KBSV), những khó khăn về mặt pháp lý cũng tạo ra cơ hội rõ rệt cho các CĐT đã có sẵn quỹ đất sạch giá rẻ được tích lũy từ trước và có đầy đủ pháp lý. Các doanh nghiệp khi có dự án mở bán trong thời điểm thiếu nguồn cung sẽ nhận được sự quan tâm lớn của khách hàng và đạt tỷ lệ hấp thụ cao, đặc biệt là những dự án định hướng đúng phân khúc sản phẩm, đầy đủ tiện ích, giao thông thuận tiện và kết nối tốt với khu vực trung tâm.
Cùng quan điểm, đại diện DKRA Vietnam cho rằng, ngay ở thời điểm này dự án nào đủ điều kiện bán hàng sẽ là một lợi thế rất lớn về sức mua lẫn giá bán. Mặc dù còn nhiều vướng mắc, song thị trường vẫn còn nhiều cơ hội khi nhu cầu về nhà ở còn rất lớn. Điều này được thể hiện ở việc, dù nguồn cung giảm, nhưng tỷ lệ hấp thụ các dự án trên thị trường ở mức cao.
“Dù hiện tại, nguồn cung có giảm, nhưng cầu vẫn rất đáng kể. Theo khảo sát của chúng tôi, một năm tại TP.HCM có 50.000 cặp vợ chồng trẻ, khoảng 200.000 dân nhập cư có nhu cầu mua nhà. Với lượng cầu như vậy, thì nguồn cung như hiện tại là không đủ để đáp ứng sức mua của thị trường, đặc biệt đối với một số dự án tọa lạc ở các tuyến đường đã có tiện ích đồng bộ, buôn bán sầm uất, lượng người mua thực lẫn nhà đầu tư tìm kiếm mạnh ở giai đoạn này”, đại diện DKRA Vietnam nhấn mạnh.