Bảo vệ “sức khỏe” đại dương - sức bật của kinh tế biển xanh: Đổi mới trong quản trị đại dương

Minh Thư| 19/03/2020 11:56

(TN&MT) - Theo Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, để phát triển kinh tế biển trong giai đoạn mới, cần có tư duy đổi mới, đột phá, phù hợp với xu thế chung toàn cầu về phát triển bền vững, hài hòa giữa phát triển và bảo tồn biển, nhằm giải quyết ô nhiễm môi trường xuyên biên giới, biến đổi khí hậu, hài hòa giữa phát triển với bảo tồn thiên nhiên biển.

Trong đó, xây dựng kinh tế biển xanh phải là nền tảng và đóng vai trò trung tâm trong Chiến lược quốc gia về Phát triển bền vững kinh tế biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Để thực hiện các mục tiêu của Chiến lược đòi hỏi các hoạt động phát triển của các ngành kinh tế biển cần chuyển từ nền kinh tế khai thác và gây ô nhiễm môi trường sang kinh tế biển xanh, đầu tư vào vốn tự nhiên trong chuỗi kết nối hữu cơ, từ trong đất liền ra đến biển giảm các nguồn gây ô nhiễm môi trường biển ngay từ trong đất liền. Theo đó, việc hạn chế phát triển các ngành sử dụng công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường kết hợp cơ chế thúc đẩy tái chế, tái sử dụng, nâng cao hiệu quả tài nguyên thông qua mô hình kinh tế tuần hoàn để sản phẩm, phát thải của ngành, lĩnh vực này là tài nguyên đầu vào cho các ngành, lĩnh vực khác sẽ giúp hạn chế phát thải ra môi trường, góp phần phòng ngừa, ngăn chặn các nguồn gây ô nhiễm và các sự cố môi trường biển.

Phát triển của các ngành kinh tế biển cần chuyển từ nền kinh tế khai thác và gây ô nhiễm môi trường sang kinh tế biển xanh. (Ảnh: TTXVN)

Việt Nam cần tăng cường đầu tư vào giá trị tự nhiên, bảo tồn và phát triển giá trị đa dạng sinh học thông qua mở rộng diện tích và lập mới các khu vực bảo tồn biển, phục hồi các hệ sinh thái tự nhiên, nhất là các rạn san hô, thảm cỏ biển, rừng ngập mặn, rừng phòng hộ ven biển; đồng thời, nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo, chủ động phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai từ biển, thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Đồng thời, Việt Nam cần triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống biển xâm thực, ngập lụt, xâm nhập mặn do triều cường, nước biển dâng cho các vùng duyên hải. Đồng thời, phải tiến hành cơ cấu lại các ngành kinh tế biển và ven biển dựa trên hệ sinh thái và phù hợp với lợi thế, tiềm năng tự nhiên. Cần ưu tiên phát triển các ngành, lĩnh vực như du lịch biển, đảo; năng lượng biển tái tạo (năng lượng gió, năng lượng dòng chảy và năng lượng sóng biển); từng bước đầu tư phát triển công nghệ sinh học biển, dược liệu biển bên cạnh việc thúc đẩy các ngành kinh tế truyền thống như kinh tế hàng hải; khai thác dầu khí và các tài nguyên khoáng sản; nuôi trồng, khai thác thủy, hải sản và phát triển hạ tầng nghề cá; công nghiệp đóng tàu;...

Đứng trước thực trạng này nhóm các chuyên gia, nhà khoa học đã đưa ra các giải pháp cơ bản: Cần xây dựng hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ quản lý tổng hợp vùng bờ (QLTHVB), chuyển đổi nền kinh tế theo hướng phát triển kinh tế biển xanh trên cơ sở trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về khoa học, công nghệ, dữ liệu biển giữa các quốc gia thành viên của PEMSEA cũng như với các quốc gia khác trên thế giới có nhiều thành tựu trong QLTHVB và phát triển kinh tế biển xanh.

Lồng ghép các mục tiêu của QLTHVB và sáng kiến phát triển kinh tế biển xanh vào các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội vùng biển và ven biển để đáp ứng các thách thức mới nổi trong quản lý tài nguyên, môi trường biển ở Khu vực và Việt Nam như: Ô nhiễm rác thải nhựa đại dương, gia tăng axit hóa đại dương, đánh bắt cá bất hợp pháp, không có báo cáo, không được quản lý (IUU fishing),…

Định nghĩa về nền kinh tế biển xanh đã được đưa ra trong Tuyên bố Changwon 2012, được các Bộ trưởng ngành môi trường của các quốc gia khu vực EAS thông qua như một cách để đáp ứng những thách thức về môi trường và khí hậu thay đổi, cũng như thúc đẩy sự phát triển kinh tế, thông qua các hoạt động làm giảm tác động tiêu cực đến sức khỏe của biển và cộng đồng dân cư liên quan đến biển.

Tiếp tục xây dựng, củng cố và vận hành cơ chế điều phối đa ngành trong QLTHVB, phát triển bền vững kinh tế biển, thích ứng với biến đổi khí hậu ở cấp quốc gia và địa phương;

Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực và bảo đảm các điều kiện cần thiết để thực hiện Chiến lược Phát triển bền vững các biển Đông Á (SDS-SEA) trong tình hình mới ở Việt Nam; góp phần thực hiện thành công Chiến lược Phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; cũng như thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững số 14 đến năm 2030 mà Việt Nam đã cam kết với cộng đồng quốc tế.

Tăng cường các nghiên cứu định hướng quản lý về tài nguyên biển và vùng bờ, phát triển kinh tế biển xanh, ứng phó của biến đổi khí hậu để cung cấp dữ liệu đầu vào đáng tin cậy cho các can thiệp quản lý.

Từ năm 2003, Bộ TN&MT Việt Nam, cùng với các nhà lãnh đạo về tài nguyên, môi trường của 9 quốc gia khác trong Khu vực đã ký Tuyên bố Changwon tại Diễn đàn Bộ trưởng lần thứ 4 về Chiến lược Phát triển bền vững các biển Đông Á (SDS-SEA) năm 2012. Tuyên bố này đã hình thành một định nghĩa mang tính tác nghiệp về nền kinh tế biển xanh và đưa ra một kế hoạch cho bước đi kịp thời và quan trọng tiếp theo trong hành trình hướng tới nền kinh tế biển xanh.

Phát triển cơ sở dữ liệu và hệ thống quản lý thông tin tổng hợp để hỗ trợ QLTHVB, phát triển nền kinh tế biển xanh, thích ứng biến đổi khí hậu; tăng cường việc phổ biến, chia sẻ thông tin nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường biển và phát triển bền vững. Triển khai trên thực tế Việt Nam đã xây dựng Chiến lược quản lý tổng hợp đới bờ Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo vệ “sức khỏe” đại dương - sức bật của kinh tế biển xanh: Đổi mới trong quản trị đại dương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO