Bảo vệ “lá chắn” của hành tinh vì tương lai nhân loại: Hành trình bảo vệ tầng ô- dôn vì sự sống

Trung Nguyên| 10/09/2020 10:16

(TN&MT) - Đó là thông điệp của ngày Quốc tế bảo vệ tầng ô-dôn năm 2020. Năm nay, thế giới sẽ kỷ niệm 35 năm Công ước Vienna về bảo vệ tầng ô-dôn ra đời, đặt mốc khởi đầu cho hành trình loại trừ các chất làm suy giảm tầng ô-dôn trên phạm vi toàn cầu.

Tiến trình “vá trời” không ngừng nghỉ

Vào những năm cuối 1970, các nhà khoa học đã nhận ra sự suy giảm mật độ ô-dôn trên tầng bình lưu của khí quyển. Sự suy giảm này đã gây ra những lỗ thủng cho tầng ô-dôn, đặc biệt tại hai vùng cực của Trái đất. Các nghiên cứu sau đó đã từng bước chứng minh rằng các khí Chlorofluorocarbons (CFC) và một số họ chất liên quan khác như Halon, Chlortetracycline (CTC), HCFC… là nguyên nhân gây ra hiện tượng này. Các chất khí CFC được sử dụng làm khí nén trong các bình xịt và trong công nghệ làm mát như tủ lạnh, máy điều hòa không khí...

Việc tầng ô-dôn xuất hiện lỗ thủng tầng ô-dôn làm gia tăng cường độ tia cực tím tới bề mặt Trái đất. Ảnh quả trực tiếp tới sức khỏe con người là có thể làm tăng tỷ lệ ung thư da và đục thủy tinh thể, đồng thời, gây hại cho các hệ sinh thái trên Trái đất. Nhận thức được mối nguy hại này, các quốc gia trên thế giới đã đồng ý thông qua Công ước Vienna về Bảo vệ tầng ô-dôn vào năm 1985 và sau đó là Nghị định thư Montreal về Loại trừ các chất làm suy giảm tầng ô-dôn vào ngày 16/9/1987. Nghị định thư Montreal là một bước tiến quan trọng nhằm cụ thể hóa các cam kết về bảo vệ tầng ô-dôn đã được các quốc gia đồng ý trong Công ước Vienna thông qua việc kiểm soát và loại trừ các chất làm suy giảm tầng ô-dôn.

Lễ kỷ niệm Ngày Quốc tế bảo vệ tầng ô-dôn năm 2019 thời điểm Việt Nam thông qua Bản sửa đổi bổ sung Kigali

Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã thống nhất lấy ngày 16/9 hằng năm là Ngày Quốc tế bảo vệ tầng ô-dôn. Hàng năm, các nước thành viên của Nghị định Montreal, trong đó có Việt Nam, đều tổ chức sự kiện Ngày ô-dôn thông qua nhiều hoạt động thiết thực.

Nhờ sự chung tay của Chính phủ các nước, các nhà khoa học và các nhà công nghiệp, Nghị định thư Montreal đã giúp hạn chế đáng kể sự phát thải của các chất làm suy giảm tầng ô-dôn trên toàn thế giới. Hiện nay, tầng ô-dôn đang phục hồi tốt và các nhà khoa học dự đoán rằng nếu cộng đồng quốc tế tiếp tục tuân thủ Nghị định thư Montreal, tầng ô-dôn sẽ phục hồi hoàn toàn trong khoảng từ năm 2050 - 2065.

Việt Nam tích cực tham gia bảo vệ tầng ô-dôn

Nhận thức rõ tầm quan trọng của tầng ô-dôn tới sức khỏe con người và môi trường sinh thái, ngày 26/1/1994, Chính phủ Việt Nam chính thức ký tham gia Công ước Vienna về bảo vệ tầng ô-dôn và Nghị định thư Montreal về kiểm soát, loại trừ các chất làm suy giảm tầng ô-dôn. Việt Nam đã phê chuẩn các Bản sửa đổi, bổ sung thuộc Nghị định thư như Bản sửa đổi, bổ sung London, Copenhagen vào năm 1994, Bản sửa đổi, bổ sung Montreal và Bắc Kinh vào năm 2004 và mới đây nhất là Bản sửa đổi, bổ sung Kigali vào năm 2019.

Từ khi tham gia Công ước Vienna đến nay, Việt Nam luôn tích cực, chủ động thực hiện nghĩa vụ của một nước thành viên trong việc góp phần bảo vệ và phục hồi tầng ô-dôn. Cụ thể, Việt Nam đã loại bỏ hoàn toàn các khí gây suy giảm mạnh tầng ô-dôn như CFC, halon và CTC vào năm 2010, loại trừ hoàn toàn tiêu thụ HCFC-141b nguyên chất sử dụng trong sản xuất xốp từ năm 2015 (khoảng 1274 tấn HCFC-141 đã được loại trừ trong giai đoạn 2012-2015), giảm 35% mức tiêu thụ cơ sở của HCFC từ năm 2020, giảm 67,5 % mức tiêu thụ cơ sở vào năm 2025 và về cơ bản chấm dứt nhập khẩu HCFC vào năm 2030. Song song với việc loại trừ sử dụng các chất gây suy giảm tầng ô-dôn, Chính phủ Việt Nam cùng với các đối tác quốc tế luôn cam kết hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp nhận và chuyển giao công nghệ mới sử dụng các hóa chất thân thiện hơn với môi trường và khí hậu.

Để đạt được những kết quả này, Việt Nam đã ban hành và thực thi nhiều quy định và chính sách quan trọng để kiểm soát lâu dài và loại trừ các chất gây suy giảm tầng ô-dôn. Những nỗ lực của Việt Nam góp phần bảo vệ tầng ô-dôn trong 25 năm qua đã được quốc tế đặc biệt ghi nhận.

Nhằm thực hiện hiệu quả hơn các yêu cầu của Nghị định thư Montreal, thời gian tới, Việt Nam sẽ triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp lớn như: Nâng cao nhận thức cho các doang nghiệp Việt Nam về lộ trình loại trừ các chất làm suy giảm tầng ô-dôn và chất gây hiệu ứng nhà kính bị kiểm soát trong khuôn khổ Nghị định thư Montreal; tăng cường quản lý xuất nhập khẩu, thu hồi, tái chế, tái sử dụng và tiêu hủy chất làm suy giảm tầng ô-dôn, chất gây hiệu ứng nhà kính; tăng cường hiệu quả báo cáo và giám sát lượng tiêu thụ các chất làm suy giảm tầng ô-dôn, chất gây hiệu ứng nhà kính ở Việt Nam hàng năm.

Với vai trò là một thành viên chính thức của Công ước Vienna và Nghị định thư Montreal, đồng thời là một trong những nước chịu ảnh hưởng lớn do biến đổi khí hậu, Việt Nam đã và đang thể hiện nỗ lực cao nhất của quốc gia trong hoạt động bảo vệ tầng ô-dôn, góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo vệ “lá chắn” của hành tinh vì tương lai nhân loại: Hành trình bảo vệ tầng ô- dôn vì sự sống
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO