Bảo vệ hệ sinh thái rừng ngập mặn VQG Mũi Cà Mau trước tác động của biến đổi khí hậu

Thuỵ Khanh | 02/03/2023 21:20

(TN&MT) - Ngày 2/3, Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu đã tổ chức Hội đồng đánh giá Luận án Tiến sĩ cấp Viện đề tài “Nghiên cứu, đánh giá tổn thất và thiệt hại hệ sinh thái rừng ngập mặn Vườn quốc gia Mũi Cà Mau liên quan đến biến đổi khí hậu” nhằm xác định thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra đối với hệ sinh thái rừng ngập mặn, xây dựng định hướng quản lý, bảo tồn rừng ngập mặn.

Theo đó, Hội đồng đánh giá luận án tiến sĩ cấp Viện của NCS. Nguyễn Thị Ngọc Ánh đã được thành lập theo Quyết định số 01/QĐ-VKTTVBĐKH ngày 5/1/2023 của Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu (KHKTTV&BĐKH) với 7 thành viên gồm: GS.TS Trần Thọ Đạt (trường Đại học Kinh tế Quốc Dân) - Chủ tịch Hội đồng; TS. Đặng Quang Thịnh – Viện KHKTTV&BĐKH là Uỷ viên Thư ký; GS.TS Huỳnh Thị Lan Hương –trường Đại học Tài nguyên và Môi trường là Uỷ viên Phản biện 1; PGS.TS Nguyễn Thế Chinh – Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật là Uỷ viên Phản biện 2; PGS.TS Lê Xuân Cảnh là Uỷ viên Phản biện 3; PGS.TS Nguyễn An Thịnh (trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội và TS. Nguyễn Tuấn Quang (Cục Biến đổi khí hậu).

z4149618704688_a9a84fb834ee13fe332f85a353b20da0.jpg
GS. TS Trần Thọ Đạt chủ trì Hội đồng đánh giá luận án tiến sĩ cấp Viện

Dưới sự chủ trì của GS. TS Trần Thọ Đạt, NCS. Nguyễn Thị Ngọc Ánh đã trình bày về tổng quan đánh giá, các phương pháp tiếp cận, và kết quả về tổn thất và thiệt hại hệ sinh thái rừng ngập mặn trong bối cảnh biến đổi khí hậu (BĐKH) diễn biến phức tạp.

Trong đó, tổn thất và thiệt hại do BĐKH gây nên là những mất mát không thể tránh khỏi đối với hệ sinh thái rừng ngập mặn, biểu hiện rõ nhất thể hiện qua mực nước biển dâng làm mất diện tích rừng ngập mặn, gây sạt lở bờ biển, làm suy giảm các dịch vụ mà hệ sinh thái rừng ngập mặn cung cấp.

Do Vườn quốc gia (VQG) Mũi Cà Mau có 3 mặt giáp với biển, chịu tác động của 2 chế độ thuỷ, nằm trong vùng chịu ảnh hưởng của gió mùa, là nơi tiếp giáp trực tiếp các tác động của thủy triều Biển Đông và Biển Tây nên hệ sinh thái rừng ngập mặn đóng vai trò quan trọng trong phòng hộ bờ biển, chắn gió, chắn sóng chống xói lở, cố định đất trong quá trình hình thành đất liền tiến ra Biển Đông. Vì vậy đời sống của người dân địa phương phụ thuộc nhiều vào nguồn lợi do hệ sinh thái rừng ngập mặn của VQG cung cấp.

Tại Việt Nam, thời gian qua cũng đã ban hành một số văn bản liên quan đến đánh giá TT&TH liên quan đến BĐKH như Luật BVMT 2020, Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050, Kế hoạch quốc gia thích ứng với BĐKH giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Thông tư số 01/2022/TT-BTNMT ngày 07/01/2022 của Bộ TN&MT. Do đó, việc bảo vệ và phục hồi HST RNM trong giai đoạn hiện nay là định hướng đúng đắn đang được Đảng, nhà nước tiếp tục quan tâm và đẩy mạnh thông qua các văn bản như Nghị quyết số 06/NQ-CP ngày 21/01/2021 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW, Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Đề án "Bảo vệ và phát triển rừng vùng ven biển nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và thúc đẩy tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030”...


z4149621471973_27c3d9e377a886389a62ea5eeb2e7fde.jpg
NCS. Nguyễn Thị Ngọc Ánh trình bày Luận án

Chính vì sự quan trọng trong hệ sinh thái rừng ngập mặn VQG Mũi Cà Mau nên việc nghiên cứu về phương pháp đánh giá cũng như cách tiếp cận cần phải được xác định thông qua tiếp cận liên ngành; tiếp cận từ trên xuống và từ dưới lên, cách tiếp cận này nhằm làm rõ thực trạng, cơ cấu, tổ chức, mô hình quản lý hệ sinh thái rừng ngập mặn VQG Mũi Cà Mau trong bối cảnh BĐKH; tiếp cận tổng hợp, kết hợp giữa đánh giá định tính và định lượng, dựa vào cộng đồng được áp dụng thông qua hoạt động điều tra, khảo sát, phỏng vấn người dân để nhận diện và xác định định tính mức độ tổn thất và thiệt hại đối với hệ sinh thái, áp dụng phương pháp viễn thám, GIS và lượng giá kinh tế để xác định biến động đối với dịch vụ phòng hộ, chống sạt lở bờ biển; tiếp cận thị trường,… cùng nhiều phương pháp nghiên cứu.

Qua đó, kết quả đánh giá tổn thất và thiệt hại hệ sinh thái rừng ngập mặn VQG Mũi Cà Mau cho thấy nguyên nhân suy giảm là do tác động của BĐKH chính là do phá rừng ngập mặn để nuôi trồng thủy sản và khai thác gỗ củi quá mức, cũng là nguyên nhân chính làm giảm dịch vụ phòng hộ.

Để giảm thiểu tổn thất và thiệt hại đối với hệ sinh thái rừng ngập mặn VQG Mũi Cà Mau, NCS. Ngọc Ánh đề xuất các giải pháp như tổ chức cho các hộ dân tham gia đồng quản lý rừng, kiểm tra, giám sát việc trồng rừng, bảo vệ và phát triển rừng; áp dụng các kỹ thuật tiến bộ vào thực tiễn nuôi trồng thủy hải sản; chú trọng phát triển các loại hình du lịch sinh thái cộng đồng; nâng cao trình độ khoa học kỹ thuật cao của các cán bộ quản lý trong lĩnh vực bảo tồn đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu. Cần có kế hoạch chuyển đổi ngành nghề ổn định để tạo cuộc sống lâu dài, và bền vững cho người dân.

Thực hiện Chương trình quốc gia về giảm phát thải khí nhà kính thông qua hạn chế mất và suy thoái rừng; bảo tồn, nâng cao trữ lượng các-bon và quản lý bền vững tài nguyên rừng (Chương trình REDD+) đến năm 2030 phê duyệt tại Quyết định số 419/QĐ-TTg ngày 05 tháng 4 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ. Tăng cường hệ thống cơ quan quản lý nhà nước về quản lý rừng ngập mặn, bảo tồn đa dạng sinh học trong bối cảnh BĐKH theo hướng phân định rõ chức năng quản lý; tăng cường cơ chế phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương trong công tác phục hồi, bảo vệ rừng ngập mặn. Tiếp tục hoàn thiện các văn bản pháp luật về bảo vệ, phục hồi và phát triển rừng ngập mặn trong bối cảnh BĐKH. Lồng ghép các giải pháp ứng phó với BĐKH trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án quản lý và phục hồi hệ sinh thái rừng ngập mặn.

Đặc biệt, tại khu vực VQG Mũi Cà Mau, cần triển khai các giải pháp xây bờ kè bảo vệ VQG theo Quyết định số 1332/QĐ- UBND ngày 16/7/2020 của UBND tỉnh Cà Mau. Sở TNMT tỉnh Cà Mau cần phối hợp với VQG Mũi Cà Mau xây dựng và triển khai việc thực hiện chi trả dịch vụ hệ sinh thái tại VQG Mũi Cà Mau theo quy định của pháp luật, coi đây là một chiến lược tạo cơ chế tài chính cho bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân trong vùng. Các cấp chính quyền tại địa phương cần phối hợp, triển khai các mô hình đồng quản lý rừng, huy động nguồn lực tài chính để trồng rừng, phục hồi và bảo vệ rừng; tăng cường công tác đê bao điều tiết, cống ngăn mặn nhằm hạn chế tác động của NBD và xâm nhập mặn đến hệ sinh thái trên địa bàn tỉnh.

z4149624447280_038036605805a65cd3c614035a355b7e.jpg
Các thành viên Hội đồng đánh giá NCS. Nguyễn Thị Ngọc Ánh đủ tiêu chuẩn đạt trình độ tiến sĩ

 Hội đồng đánh giá cao các giải pháp đưa ra tại luận án và đánh giá NCS. Nguyễn Thị Ngọc Ánh đủ tiêu chuẩn đạt trình độ tiến sĩ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo vệ hệ sinh thái rừng ngập mặn VQG Mũi Cà Mau trước tác động của biến đổi khí hậu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO