Theo thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hiện nay cả nước có hơn 3.300 di tích quốc gia. Trong lĩnh vực văn hóa, chúng ta có 13 di sản văn hóa phí vật thể, 8 di sản thế giới, 7 di sản tư liệu. Trên địa bàn các địa phương có di sản được công nhận đều có tốc độ du lịch tăng trưởng cao, qua đó thấy được giá trị danh hiệu của UNESCO đã mang lại.
Bảo tồn, phát huy di sản xanh chính là một trong những cách làm du lịch thiết thực, hiệu quả và bền vững. Ảnh minh họa |
Các di tích, khu dự trữ sinh quyển đó không chỉ khẳng định chiều dài lịch sử, chiều sâu văn hóa của dân tộc Việt, mà còn thể hiện diện mạo giang sơn gấm vóc và tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng của đất nước ta. Tuy nhiên, những chùa chiền, miếu mạo, lăng tẩm, hay các thắng cảnh không phải “nhất thành bất biến”, mà cũng có thể bị thay đổi, thậm chí bị biến dạng, tàn phá bởi sự tác động của thiên tai và nhân tai.
Cùng với vấn nạn ô nhiễm môi trường xảy ra trên diện rộng ở cả thành thị và nông thôn ở Việt Nam, đặc biệt là các khu công nghiệp, các làng nghề, các địa phương có tốc độ đô thị hóa nhanh; các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, vào mùa lễ hội, mùa du lịch cao điểm thường trở thành “điểm hẹn” của hàng nghìn, hàng vạn du khách. Cũng vì thế, nghịch cảnh xả rác bừa bãi, vô tư xâm hại cỏ cây, cảnh quan môi trường diễn ra phổ biến tác động tiêu cực đến việc bảo tồn di sản và sự phát triển du lịch bền vững.
Trao đổi với phóng viên báo TN&MT, bà Trần Thị Hoa, đồng sáng lập Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Xanh (GreenHub) cho biết, vào thời điểm mùa lễ hội, số lượng khách tăng đột biến tại các khu di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh. Thói quen xả rác bừa bãi cũng như ý thức bảo vệ cảnh quan, thiên nhiên chưa tốt, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hình ảnh của các khu di tích, đến chất lượng môi trường nơi đây. Khi cảnh quan không được bảo vệ cùng với hiện trạng ô nhiễm môi trường sẽ ảnh hưởng đến đời sống sinh vật, đến chất lượng dịch vụ du lịch.
Coi trọng bảo tồn, phát huy di sản xanh thực chất là giữ gìn môi trường trong lành cũng như bảo toàn tính xác thực, tính toàn vẹn, tính thẩm mỹ tại các điểm di tích, khu du lịch. Theo nhiều chuyên gia du lịch, khi di sản xanh trở thành thương hiệu thì đó chính là “thỏi nam châm” hút khách du lịch với môi trường an lành, cảnh quan xanh tươi, con người thân thiện, văn minh. Bởi vậy, bảo tồn, phát huy di sản xanh chính là một trong những cách làm du lịch thiết thực, hiệu quả và bền vững nhất.
Một trong những địa phương điển hình về chiến lược bảo tồn “xanh” các khu di tích, danh lam thắng cảnh là Tuyên Quang - Thủ đô Khu Giải phóng, Thủ đô Kháng chiến.
Nổi tiếng với khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào (Sơn Dương), nơi đây là địa chỉ về nguồn của nhân dân cả nước, du khách quốc tế. Hiện những cánh rừng nguyên sinh ở đây được gìn giữ, bảo tồn nguyên trạng, tạo nên hệ sinh thái xanh cho toàn cảnh khu di tích. Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, xã Tân Trào đã lưu giữ quần thể nhà sàn giả gỗ truyền thống ở thôn Tân Lập, nay trở thành làng homestay đầy bản sắc, phù hợp với cảnh quan nơi đây. Nhiều du khách về thăm Tân Trào được đi dưới hàng cây duối rợp mát, cảnh quan vẫn giữ được nét nguyên sơ.
“Lần thứ hai thăm Tân Trào, điều tôi ấn tượng nhất là khu di tích vẫn giữ được dáng vẻ xưa. Cây đa Tân Trào được bảo tồn phần gốc, trồng lại một số cây, nay phát triển khá tốt”, ông Nguyễn Hải Văn (Hưng Yên) chia sẻ.
Không chỉ có Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào mà Khu di tích Quốc gia đặc biệt Kim Bình (Chiêm Hóa) cũng được bảo tồn “xanh”. Toàn bộ khu rừng phòng hộ, rừng đặc dụng bao quanh khu di tích được bảo vệ và gìn giữ. Mới đây huyện còn hỗ trợ một số hộ ở thôn Bó Củng xây dựng nhà sàn truyền thống để giữ cảnh quan khu di tích.
Cây đa Tân Trào được bảo tồn phần gốc, nay phát triển khá tốt. Ảnh minh họa |
Theo lãnh đạo xã Kim Bình, hàng năm, Bảo tàng tỉnh và chính quyền địa phương tổ chức trồng cây bản địa đầu xuân để khu di tích và khu dân cư liền kề ngày càng xanh mát hơn. Xã cũng tuyên truyền đến người dân các thôn ý thức bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sống và bản sắc văn hóa dân tộc trong việc xây dựng nông thôn mới.
Là tỉnh đứng thứ 3 trong cả nước về tỷ lệ che phủ rừng, đạt 64,9%, rừng giúp cho người dân Tuyên Quang có sinh kế ổn định, tránh thiên tai, bão lũ, sạt lở đất, bảo vệ nguồn nước đầu nguồn. Hiện nay rừng cùng là sản phẩm của du lịch, khi du lịch sinh thái ngày càng được du khách ưa chuộng.
Do giữ rừng tốt và phong cảnh thiên nhiên sơn thủy hữu tình mà Khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang - Lâm Bình được “phong” là danh thắng Quốc gia đặc biệt. Khu bảo tồn rộng lớn trên 60.000 ha có nhiều động thực vật quý hiếm, đặc hữu của địa phương. Vùng đệm là các bản làng đồng bào dân tộc thiểu số, nay đang phát triển du lịch homestay gần gũi với thiên nhiên.
Với hướng đi đúng và những giải pháp hiệu quả để bảo tồn “xanh” tại các khu di tích, Tuyên Quang đã và đang khai thác hiệu quả các thế mạnh về du lịch, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Bên cạnh chính sách và giải pháp cụ thể, việc giữ di sản “xanh” cũng cần có sự chung tay, trách nhiệm của cộng đồng, nhất là giới trẻ trong việc tham gia bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học trong thiên nhiên, giữ gìn những giá trị văn hóa, lịch sử, khoa học, thẩm mỹ tại các danh lam thắng cảnh.
Về vấn đề này, bà Hoa cho rằng, có hai hướng hành động chính; trước hết là truyền thông môi trường, truyền thông cần thông điệp rõ ràng – khơi gợi niềm tự hào của người dân và du khách về các khu di tích, thắng cảnh xanh sạch đẹp, cũng như tâm thức rằng sẽ “phải tội” khi có những hành động sai với môi trường nói chung và cụ thể là ngay tại những khu vực tâm linh, truyền thông có số liệu, có giải pháp, tạo dựng ý thức về bảo vệ môi trường.
Bên cạnh đó, có chính sách, quy định rõ ràng và minh bạch. "Cần đưa ra các quy định xử phạt, làm rõ về mức xử phạt, minh bạch ngân sách được sử dụng để quay lại sử dụng cho hoạt động bảo vệ môi trường, cảnh quan...", bà Hoa kiến nghị.