Bảo tồn đa dạng sinh học vì mục tiêu phát triển bền vững: Giữ giá trị sinh thái sông nước Cửu Long

Bài và ảnh: Bạch Thanh| 21/05/2020 14:13

(TN&MT) - Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tập trung các giải pháp quản lý, gìn giữ giá trị sinh thái, đồng thời, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, nâng cáo giá trị đa dạng sinh học cho vùng đất ngập nước lưu vực sông Mê Công.

Khu bảo tồn Đất ngập nước Láng Sen (Tân Hưng, Long An) được ví như một Đồng Tháp Mười thu nhỏ. Nơi đây được xem như một bồn trũng nội địa thuộc vùng trũng rộng lớn Đồng Tháp Mười, với hình thái địa mạo đa dạng và là vùng sinh thái tiêu biểu cho kiểu đầm lầy ngập nước.

Khu bảo tồn Đất ngập nước Láng Sen, nơi trú ngụ của hàng chục ngàn cá thể chim nước

Ông Trương Thanh Sơn - Giám đốc Khu bảo tồn Đất ngập nước Láng Sen cho biết, để phát huy giá trị khu bảo tồn, thời gian tới, Ban Quản lý sẽ tăng cường tuần tra bảo vệ, kết hợp với chính quyền địa phương các xã giáp ranh về thực hiện kế hoạch giữ gìn an ninh trật tự khu vực, tuyên truyền cộng đồng dân cư nghiêm chỉnh thực hiện quy chế bảo vệ tài nguyên thiên nhiên. Xây dựng, thực hiện kế hoạch tái tạo, phục hồi, phát triển tài nguyên thiên nhiên; khảo sát, đánh giá và xây dựng tiêu bản các loài cá nước ngọt, các loài chim nước. Xây dựng và thực hiện kế hoạch điều tra quan trắc, quản lý nguồn nước, nguồn lợi thủy sản tại phân khu phục hồi sinh thái và tái tạo nguồn lợi thuỷ sản quý hiếm…

Còn ông Nguyễn Hoàng Minh Hải - Trưởng phòng Khoa học và Hợp tác Quốc tế Vườn Quốc gia Tràm Chim (Tam Nông, Đồng Tháp) chia sẻ, thời gian qua, đã có nhiều chuyên gia và nhà khoa học đã đưa ra quan điểm, để bảo tồn đa dạng sinh học ngoài việc giữ nước, điều tiết dòng chảy phù hợp, quản lý tốt mực nước tạo môi trường sống cho các thảm thực vật, tạo môi trường quen thuộc cho sếu, chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, tạo sinh kế hợp lý cho người dân xung quanh khu vực, qua đó, cùng huy động lực lượng này trong nhiệm vụ bảo vệ đa dạng sinh học của khu Ramsa.

Trong khi đó, tại Cà Mau, ông Huỳnh Minh Nguyên - Giám đốc Vườn Quốc gia U Minh Hạ thông tin, Vườn chú trọng nghiên cứu tìm ra các mô hình sản xuất phù hợp giúp người dân cải thiện đời sống, giảm thiểu những hoạt động gây bất lợi lên hệ sinh thái rừng do khai thác trái phép, quá mức, làm suy thoái và phá vỡ hệ sinh thái. Thông qua hoạt động nghiên cứu này cũng để cho người dân thấy được tầm quan trọng của nguồn tài nguyên và hệ sinh thái rừng cần được bảo vệ.

Riêng tại Bến Tre, ngay từ năm 2019, UBND tỉnh Bến Tre đã ký kết Thỏa thuận hợp tác với Viện Nghiên cứu và Phát triển Quốc gia đồng bằng Đa Nuýp và Cơ quan Dự trữ sinh quyển đồng bằng Đa Nuýp (Ru-ma-ni) về thực hiện Dự án “Thành lập thí điểm Khu bảo tồn đa dạng sinh học phục vụ phát triển bền vững du lịch sinh thái và Trung tâm tri thức phát triển du lịch sinh thái tại đồng bằng sông Mê Công”.

Ông Nguyễn Văn Chinh - Giám đốc Sở TN&MT Bến Tre cho rằng, việc ký kết Thỏa thuận hợp tác là nhằm mục đích xây dựng chiến lược phát triển bền vững cho tỉnh Bến Tre và tuyên bố chung về khu dự trữ sinh quyển ở khu vực ven biển tỉnh Bến Tre. Trong đó, nhấn mạnh đến việc tăng diện tích khu vực được bảo vệ, tăng số lượng khách du lịch, tiện ích phục vụ du lịch và tăng tỷ lệ người dân địa phương tham gia vào bảo tồn đa dạng sinh học và du lịch sinh thái.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo tồn đa dạng sinh học vì mục tiêu phát triển bền vững: Giữ giá trị sinh thái sông nước Cửu Long
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO