Chung tay bảo tồn
Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân kêu gọi mọi người dân “Hãy chung tay đóng góp tích cực cho công tác bảo tồn đa dạng sinh học” thông qua sử dụng hợp lý, hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên; nghiêm chỉnh chấp hành các quy định pháp luật về đa dạng sinh học; gìn giữ các tri thức bản địa về bảo tồn và sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên, các giống cây trồng, vật nuôi bản địa, tích cực tham gia bảo vệ môi trường.
Bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ |
“Chúng tôi tin tưởng và mong rằng, tất cả mọi người cùng chung tay hành động, nỗ lực xây dựng và giữ gìn Ngôi nhà chung - Trái đất xanh của chúng ta thì chắc chắn hệ sinh thái phát triển được cân bằng và tạo nên sự phát triển bền vững cho nhân loại”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Trước đó, hưởng ứng Ngày quốc tế Đa dạng sinh học, ngày 22 tháng 4 năm 2020, Bộ TN&MT đã có văn bản gửi các Bộ, ngành, địa phương đề nghị các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Cơ quan Ban - ngành đoàn thể Trung ương và địa phương; UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo nghiên cứu và áp dụng các giải pháp dựa vào thiên nhiên, tiếp cận hệ sinh thái trong quá trình xây dựng các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh và trong việc áp dụng các giải pháp công trình để có hiệu quả và bền vững về kinh tế, xã hội và môi trường. Thúc đẩy việc thực hiện các mô hình bảo tồn và sử dụng bền vững; phổ biến các mô hình, giải pháp bảo tồn đa dạng sinh học hiệu quả để nhân rộng.
Những nỗ lực quản lý
Chia sẻ những nỗ lực của Bộ TN&MT, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho biết, nhận thức được tầm quan trọng của đa dạng sinh học, thời gian qua Bộ đã có nhiều hoạt động để đẩy mạnh bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học và đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ.
Thành quả rõ thấy nhất là hệ thống các Khu bảo tồn được thành lập. Hiện cả nước có 173 Khu bảo tồn với tổng diện tích hơn 2.500 ha, gồm 33 vườn quốc gia; 66 Khu dự trữ thiên nhiên; 18 Khu bảo tồn loài và sinh cảnh; 56 Khu bảo vệ cảnh quan (tăng 7 Khu bảo tồn so với năm 2015 với tổng diện tích tăng thêm gần 73.260 ha).
Đặc biệt là về xây dựng và hoàn thiện pháp luật: Luật Đa dạng sinh học được Quốc hội thông qua năm 2008 (văn bản hướng dẫn thực hiện có: 9 Nghị định, 2 Nghị quyết của Chính phủ; 10 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và các Thông tư của các Bộ). Hiện nay, Bộ TN&MT đang tiến hành sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường, trong đó, đang dự thảo 7 Điều có nội dung liên quan để góp phần làm tốt công tác bảo tồn đa dạng sinh học, xem cảnh quan thiên nhiên, đa dạng sinh học là thành phần môi trường quan trọng cần quan tâm, bảo vệ.
“Gần đây nhất, Bộ TN&MT phối hợp, tranh thủ sự hỗ trợ của các Tổ chức quốc tế đã triển khai thành công việc thành lập 2 Khu bảo tồn đất ngập nước là Thái Thụy (tỉnh Thái Bình) và Phá Tam giang - Cầu Hai (tỉnh Thừa Thiên - Huế)”, Thứ trưởng thông tin.
Bên cạnh việc thành lập các khu bảo tồn thiên nhiên, Bộ TN&MT cũng kịp thời hướng dẫn, chỉ đạo việc kiểm soát việc buôn bán, tiêu thụ các loài động vật hoang dã nguy cấp và phóng sinh các loài ngoại lai xâm hại; xây dựng và trình Dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về loài ngoại lai xâm hại và Chỉ thị về một số giải pháp cấp bách để quản lý động vật hoang dã trong tình hình mới.
Nước ta có 9 khu Ramsar với tổng diện tích hơn 120.000 ha; có 10 Khu bảo tồn biển đã được thành lập với tổng diện tích gần 188.000 ha; có 9 khu vực được công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới với tổng diện tích hơn 4,2 triệu ha. Trong năm 2019, Bộ TN&MT đã xây dựng hồ sơ đề cử và được Ban Thư ký ASEAN công nhận thêm 4 Vườn di sản ASEAN, nâng tổng số Vườn di sản ASEAN của Việt Nam thành 10 khu
Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân hy vọng, thời gian tới, công tác bảo tồn đa dạng sinh học tiếp tục được chú trọng tổng thể ở cấp quốc gia đến từng địa phương. Bởi đa dạng sinh học chính là giá trị quý báu của tự nhiên, góp phần to lớn trong đảm bảo an ninh lương thực, sinh kế cho người dân; duy trì nguồn gen của vật nuôi, cây trồng; là nguồn nhiên liệu, dược liệu quý… là cơ sở tạo lập phát triển bền vững trong tương lai.