Bảo tồn đa dạng sinh học: Tương lai chung cho sự sống

Mai Chi| 01/01/2023 10:49

(TN&MT) - Suy giảm đa dạng sinh học (ĐDSH) trên quy mô toàn cầu đang ở tốc độ chưa từng có trong lịch sử loài người, đe dọa tới tiến trình phát triển bền vững. Các nước trên thế giới đang soạn thảo Khung Chiến lược toàn cầu về ĐDSH đến năm 2030.

Tại Việt Nam, năm 2022, năm đầu tiên Luật Bảo vệ môi trường 2020 chính thức có hiệu lực, điều này đồng nghĩa với việc nhiều chính sách mới về bảo tồn ĐDSH đã được áp dụng. Chính phủ cũng đã ban hành Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050… Đây được xem như kim chỉ nam cho các hành động bảo tồn trong thời gian tới.

Cấp bách thúc đẩy công tác bảo tồn

Bảo tồn ĐDSH đang là một trong những nhiệm vụ cấp bách của quốc gia. Để bảo vệ các hệ sinh thái, Chính phủ cũng như các bộ, ngành, địa phương đã ban hành nhiều văn bản pháp luật quan trọng như: Luật Bảo vệ và phát triển rừng, Luật Bảo vệ môi trường; Luật Tài nguyên nước; Luật Thủy sản. Đặc biệt, Luật Đa dạng sinh học năm 2008 đã mở ra một bước ngoặt đối với công tác bảo tồn ĐDSH, tạo cơ sở pháp lý để các cộng đồng địa phương tham gia bảo tồn các nguồn tài nguyên thiên nhiên thông qua các cơ chế mới về đồng quản lý và chia sẻ lợi ích.

Bộ TN&MT đang xây dựng Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch sẽ giúp định hướng việc sử dụng bền vững tài nguyên sinh vật tại các khu vực đa dạng sinh học cao, cảnh quan sinh thái quan trọng; tăng cường hợp tác hiệu quả giữa các ngành trong việc sử dụng tài nguyên sinh vật phục vụ các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh; đảm bảo sự tham gia của cộng đồng và các bên liên quan. Đồng thời, hỗ trợ hiệu quả cho công tác quản lý Nhà nước về ĐDSH theo hướng tiếp cận hệ thống dựa trên hệ sinh thái.

Cùng với đó là các chính sách, chiến lược, kế hoạch nhằm thúc đẩy công tác bảo tồn ĐDSH. Năm 1995 “Kế hoạch hành động ĐDSH của Việt Nam” được ban hành ngay sau khi Việt Nam trở thành thành viên của Công ước đa dạng sinh học; năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 1250/TTg-CP phê duyệt Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030…

Hiện đã có 34 địa phương xây dựng quy hoạch bảo tồn ĐDSH; 23 tỉnh đã quy hoạch thêm các đối tượng quy hoạch mới… Các địa phương đã trồng được 21.000ha rừng ven biển, trong đó, trồng rừng mới 13.660ha, trồng bổ sung, phục hồi rừng kém chất lượng 7.340 ha. Các rạn san hô cũng được tái tạo ở một số khu bảo tồn biển như Cồn Cỏ, Sơn Trà, Cù Lao Chàm, Vịnh Nha Trang…

Không dừng lại ở đó, Việt Nam còn tham gia tích cực trong quá trình xây dựng khung toàn cầu về ĐDSH: Là một trong các quốc gia thành viên của Công ước Đa dạng sinh học và có đóng góp ý kiến trong quá trình xây dựng Khung đa dạng sinh học toàn cầu. Trở thành một trong các quốc gia đi đầu trong khu vực khi ban hành Nghị định về tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích; Là nước thứ 7 ở ASEAN tham gia Công ước quốc tế về buôn bán các loại động, thực vật hoang dã nguy cấp, là nước đầu tiên ở ASEAN xây dựng kế hoạch hành động quốc gia về quản lý buôn bán động thực vật hoang dã…

Nhằm giới thiệu ĐDSH của Việt Nam và các nỗ lực bảo tồn ĐDSH, đồng thời, kêu gọi các đối tác cùng hợp tác hành động để ngăn chặn tình trạng mất ĐDSH đang diễn ra trên quy mô toàn cầu, trong đó có Việt Nam, mới đây, tại Montreal, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) tổ chức Sự kiện “Bảo vệ di sản thiên nhiên của Việt Nam"

Với những nỗ lực nêu trên, Việt Nam được quốc tế và các nước trong khu vực Đông Nam Á đánh giá cao về việc thực thi các hành động bảo vệ ĐDSH.

Mục tiêu rõ ràng, sẵn sàng hành động

Chúng ta đã có nhiều nỗ lực, nhưng vẫn chưa đủ để giảm đà suy thoái của ĐDSH. Công tác bảo tồn ĐDSH hiện nay vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức, cần có tầm nhìn và bước đi chiến lược phù hợp. Để ngăn chặn đà suy giảm của ĐDSH, ngay từ đầu năm 2022, Chính phủ đã ban hành Quyết định 149/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

12-13-2-.jpg

Ảnh: Anh Hùng

Chiến lược lần này khuyến khích các tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp, người dân tham gia thực hiện các hoạt động bảo tồn và sử dụng bền vững ĐDSH và dịch vụ hệ sinh thái, phát huy vốn tự nhiên lần đầu tiên được quy định trong Luật Bảo vệ môi trường 2020, mạnh dạn mở rộng cho khối tư nhân tham gia vào công tác bảo tồn ĐDSH. Đồng thời, đề ra mục tiêu mới là mở rộng và nâng cao hiệu quả quản lý hệ thống các di sản thiên nhiên, khu bảo tồn thiên nhiên bảo đảm diện tích các khu bảo tồn thiên nhiên trên đất liền đạt 9% diện tích lãnh thổ đất liền; diện tích các vùng biển, ven biển được bảo tồn đạt từ 3 - 5% diện tích vùng biển tự nhiên của quốc gia; được quốc tế công nhận 15 khu Ramsar, 14 khu dự trữ sinh quyển, 15 vườn di sản ASEAN; tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc duy trì ổn định từ 42% - 43%; phục hồi được ít nhất 20% diện tích hệ sinh thái tự nhiên bị suy thoái; không có thêm loài hoang dã bị tuyệt chủng; quần thể của ít nhất 10 loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ được cải thiện; các nguồn gen hoang dã và giống cây trồng, vật nuôi được lưu giữ và bảo tồn đạt mục tiêu thu thập, lưu giữ tối thiểu 100.000 nguồn gen…

Để đạt được các mục tiêu đề ra, Bộ TN&MT đã nhanh chóng ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, nêu rõ 8 nhiệm vụ sẽ triển khai bao gồm: Xây dựng, hoàn thiện các văn bản chính sách, quy định pháp luật, hướng dẫn kỹ thuật về bảo tồn và sử dụng bền vững ĐDSH; tăng cường năng lực quản lý và thực thi pháp luật về ĐDSH; điều tra quan trắc và xây dựng cơ sở dữ liệu về ĐDSH; tuyên truyền, nâng cao nhận thức về ĐDSH; triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ phục vụ quản lý, bảo tồn ĐDSH; thúc đẩy hợp tác quốc tế về bảo tồn ĐDSH; thực hiện các giải pháp và mô hình thí điểm về bảo tồn, phục hồi sử dụng bền vững hệ sinh thái, loài, nguồn gen và kiểm soát các tác động tới ĐDSH.

Đối với việc xây dựng, hoàn thiện các văn bản chính sách, quy định pháp luật, Bộ TN&MT xác định từ năm 2022 đến năm 2025 sẽ tập trung xây dựng Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; xây dựng, trình ban hành Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 160/2013/NĐ-CP về tiêu chí xác định loài và chế độ quản lý loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ… Xây dựng và ban hành các hướng dẫn kỹ thuật, định mức kinh tế - kỹ thuật về ĐDSH…

Đặc biệt, trong năm 2023 sẽ tăng cường năng lực Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về đa dạng sinh học của Bộ TN&MT; xây dựng cơ chế hợp tác với các bộ, ngành, địa phương và các tổ chức bảo tồn nhằm nâng cao hiệu quả quản lý ĐDSH; Thành lập và vận hành mạng lưới các khu dự trữ sinh quyển thế giới, khu Ramsar, vườn di sản ASEAN; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về bảo tồn thiên nhiên và ĐDSH.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo tồn đa dạng sinh học: Tương lai chung cho sự sống
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO