Bảo Thắng - Lào Cai: Bảo vệ tài nguyên khoáng sản để phát triển bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Bích Hợp| 10/11/2022 16:42

(TN&MT) - Tuyên truyền phổ biến, nâng cao nhận thức cộng đồng về tài nguyên môi trường, quản lý và bảo vệ chặt khoáng sản chưa khai thác, nâng cao nhận thức của người dân miền núi, vùng sâu, vùng xa, về bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên. Đó là cách mà huyện Bảo Thắng đang làm trong việc bảo vệ khoáng sản để phát triển bền vững và giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Hệ luỵ trong khai thác khoáng sản không kiểm soát

Bảo Thắng là huyện vùng cao của tỉnh Lào Cai có nhiều người dân tộc sinh sống, Bảo Thắng cũng là huyện có nguồn tài nguyên khoáng sản với nhiều trữ lượng lớn. Do đó, việc khai thác khoáng sản đã ảnh hưởng lớn đến đời sống và sự phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số(DTTS).

Trước đây, tại các nơi vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi và vùng đồng bào DTTS người dân và thậm chí cán bộ cấp xã chưa nhận thức đầy đủ trách nhiệm trong việc bảo vệ khoáng sản. Có một bộ phận người đời sống khó khăn, không có nghề ổn định cho cuộc sống nên đã coi hoạt động khai thác khoáng sản như là một nghề để mưu sinh. Đời sống của nhân dân còn nhiều khó khăn, dân trí thấp, trong khi đó lực lượng cán bộ làm công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản tại các địa phương rất mỏng, hoặc kiêm nhiệm nên không thể kiểm soát, phát hiện kịp thời hoạt động khai thác khoáng sản trái phép để xử lý.

anh-ks-2.jpg
Bảo vệ tài nguyên khoán sản là  định hướng và là chiến lược của huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai trong phát triển vùng đồng bào DTTS

Mặt khác, chưa có quy định cụ thể, rõ ràng về trách nhiệm, nhất là UBND cấp xã trong công tác kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý hoạt động khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn. Chưa có chế tài xử lý mạnh mẽ đối với người đứng đầu chính quyền địa phương khi để diễn ra hoạt động khai thác trái phép, tái diễn hoặc diễn ra công khai, lâu dài mà không xử lý dứt điểm.

Không thể phủ nhận hoạt động khoáng sản hàng năm đã đóng góp đáng kể vào ngân sách và tạo việc làm và phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên hoạt động khai thác khoán sản đã phá vỡ hệ sinh thái tự nhiên vốn có gây hệ luỵ đến môi trường như, sạt lở đất, gây ra lũ ống, lũ quét, ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước… mà người phải chịu ảnh hưởng nặng nề nhất chính là đồng bào vùng cao, vùng DTTS.

Bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên khoáng sản song song với giảm nghèo bền vững

Để khắc phục những hoạt động khai thác khoáng sản ảnh hưởng đến đời sống vùng đồng bào DTTS, ngành TN&MT huyện Bảo Thắng đặt ra mục tiêu là bảo vệ môi trường song song với giảm nghèo bề vững. theo đó huyện Bảo Thắng đã phối hợp với UBND các cấp tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về khoáng sản. Chỉ đạo triển khai, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tài nguyên khoáng sản trên địa bàn. Trong đó, công tác đưa thông tin về cơ sở miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới cho người dân nông thôn và đồng bào các DTTS được đẩy mạnh. Đặc biệt, chú trọng đến việc thông tin, tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn bảo vệ tài nguyên khoáng sản, sử dụng tiết kiệm, hợp lý tài nguyên khoáng sản phù hợp với tiềm năng, thế mạnh phát triển và phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương, doanh nghiệp. Đảm bảo người dân vùng đồng bào các DTTS miền núi, vùng sâu, vùng xa, được thông tin, tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, sự chỉ đạo của chính quyền về lĩnh vực TN&MT.

ks-1.jpg
Bảo Thắng là một trong những huyện của Lào Cai có nguồn tài nguyên khoáng sản dồi dào, do vậy việc khai thác phải đi đôi với bảo vệ môi trường, bảo vệ đời sống của người dân.

Phối hợp với các đơn vị hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn ưu tiên lấy công nhân, người lao động tại địa phương nhằm tạo công ăn việc làm ổn định nâng cao đời sống và giảm nghèo. Theo báo cáo, 9 tháng đầu năm toàn huyện Bảo Thắng đã giảm 1.305 hộ nghèo/1.380 hộ, đạt 97,73% kế hoạch. Về đào tạo công ăn việc làm, năm 2022 huyện phấn đấu đào tạo 1.467 người và tạo việc làm mới 1.980 người, trong đó 9 tháng đầu năm 2022 đã đào tạo được 1.043/1.467 người. Giải quyết việc làm mới được 2.408/1.980 lao động, đạt 133,78% kế hoạch. Ước tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS năm 2022 giảm từ 9% trở lên. Ước thu nhập bình quân đầu người năm 2022 đạt 127 triệu đồng/năm. Để giảm nghèo bền vững huyện Bảo Thắng đã trú trọng đến đa dạng hoá sinh kế, phát triển lao động theo hướng nâng cao trình độ lao động trong nông nghiệp, công nghiệp để đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Ông Đào Văn Quang, Trưởng Phòng TN&MT huyện Bảo Thắng Lào Cai cho biết, Xác định bảo vệ tài nguyên khoáng sản song song với giảm nghèo, thời gian qua ngành TN&MT Bảo Thắng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng trong bảo vệ khoáng sản, bảo vệ môi trường để giảm nghèo bền vững, yêu cầu khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả và bền vững tài nguyên khoáng sản. Đến nay, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về tài nguyên khoáng sản cho người dân vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới đã giúp bà con nhân dân các dân tộc nâng cao hiểu biết pháp luật, tự mình bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình về tài nguyên khoáng sản.

ks-3.jpg
Hoạt động khai thác khoáng sản hằng năm đã đóng góp đáng kể vào ngân sách  Nhà nước của huyện Bảo Thắng. Đồng thời tạo công ăn việc làm  ổn định cho người dân , giúp nhiều hộ dân vươn lên thoát nghèo.

Nhờ có sự nỗ lực của ngành tài nguyên cùng với sự đồng lòng của người dân và doanh nghiệp, hoạt động khai thác khoáng sản, bảo vệ khoáng sản, bảo vệ môi trường của Bảo Thắng đã cơ bản đi vào nền nếp, tình trạng ô nhiễm môi trường giảm, tình trạng khai thác trộm khoáng sản của một số bộ phận người dân kém hiểu biết cũng không còn. Doanh nghiệp đã ưu tiên tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương. Người dân đã chung tay cùng chính quyền bảo vệ khoáng sản, bảo vệ môi trường và giảm nghèo bền vững.

Hiện trên địa bàn huyện Bảo Thắng( Lào Cai) có tổng số 42 điểm mỏ khoáng sản, gồm: 34 mỏ vật liệu xây dựng là đá, cát, sỏi, đất sét; 08 điểm mỏ khoáng sản là Apatit, Caolin-fenspat, quặng sắt, đất hiếm… những khoáng sản được khai thác làm vật liệu xây dựng thông thường như: cát, sỏi, đá, đất làm gạch... đã tạo điều kiện thuận lợi để phát triển các ngành nghề khác và giải quyết vấn đề việc làm cho nhiều lao động trên địa bàn huyện Bảo Thắng. Đồng thời, cung cấp nguồn vật liệu tại chỗ phục vụ tích cực trong lộ trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo Thắng - Lào Cai: Bảo vệ tài nguyên khoáng sản để phát triển bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO