Xuồng hút cát trái phép ngang nhiên hoạt động công khai ngay giữa dòng sông Gâm, đoạn thị trấn Pác Miầu, huyện Bảo Lâm (Cao Bằng). |
Theo phản ánh của người dân địa phương về tình trạng khai thác cát trái phép diễn ra nhiều năm nay trên địa bàn thị trấn Pác Miầu, huyện Bảo Lâm (Cao Bằng), phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã đến xác minh thông tin và ghi nhận phản ánh của người dân là đúng sự thật.
Thời điểm phóng viên có mặt tại xóm Chè Pẻn, nơi có chiếc cầu treo bắc qua xóm Nà Báng, thị trấn Pác Miầu, huyện Bảo Lâm (Cao Bằng), nhận thấy những chiếc vòi bạch tuộc to bằng những ống cây tre già được thả từ trên xuồng “cát tặc” xuống tận đáy ngay giữa dòng sông Gâm, tiếng máy gầm rú hoạt động hết công suất, bất chấp quy định của pháp luật. Bên cạnh bờ sông, có 1 chiếc xuống khác với đầy đủ các thiết bị máy bơm, vòi hút cát đang trực sẵn. Sau khi chiếc xuồng giữa dòng hút được hàng chục khối cát, người điều khiển di chuyển xuồng vào bờ để tập kết cát công khai ở đầu cầu treo Nà Báng.
Một chiếc xuống khác với đầy đủ các thiết bị máy bơm, vòi hút cát đang trực sẵn bên cạnh bờ sông Gâm. |
Qua tìm hiểu của phóng viên và được biết, chủ xuồng hút cát trái phép là người dân ở xóm Chè Pẻn, thị trấn Pác Miầu, huyện Bảo Lâm (Cao Bằng), sau khi khai thác được khối lượng cát lớn, họ công khai vận chuyển, bán cho các đơn vị, cá nhân phục vụ cho các công trình xây dựng. Mỗi ngày, trên sông Gâm đã có hàng trăm khối cát được bán ra thị trường kiếm lời bất chính, gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự, nguy cơ xói lở bờ sông ngày càng nghiêm trọng.
Trái với sự “lén lút” của các chủ xuồng “cát tặc” khác, chủ xuồng cát trái phép tại xóm Chè Pẻn, thị trấn Pác Miầu, huyện Bảo Lâm (Cao Bằng) lại công khai hoạt động trong giờ hành chính, khai thác giữa dòng sông Gâm, nơi có nhiều người đi lại trên cầu treo Nà Báng.
Tình trạng khai thác cát sỏi trái phép diễn ra trong thời gian dài, các xuồng ngang nhiên hút cát cả ngày lẫn đêm, việc khai thác cát bừa bãi không những làm thất thoát tài nguyên khoáng sản của Quốc gia, gây ô nhiễm dòng chảy mà còn dẫn đến tình trạng sạt lở bờ sông. Trước vụ việc như vậy, dư luận đặt ra câu hỏi: Chính quyền địa phương không biết hay biết nhưng cũng “làm ngơ”?.
Sau khi hút cát với khối lượng lớn, các đối tượng tập kết công khai ở đầu cầu treo Nà Báng, sau đó vận chuyển cát đi bán ra thị trường kiếm lời bất chính. |
Trao đổi với ông Mã Ngọc Thắng, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Pác Miầu, huyện Bảo Lâm (Cao Bằng) về những bức xúc được người dân địa phương phản ánh cùng với hoạt động khai thác trái phép cát ngang nhiên diễn ra công khai trên địa bàn. Chúng tôi được ông Thắng khẳng định: Năm 2019, UBND thị trấn đã kiểm tra và xử phạt 2 lần với mức vài trăm nghìn đồng/lần, sau đó hoạt động khai thác cát trái phép dừng từ 1 - 2 ngày, rồi đâu lại vào đó.
Thiết nghĩ, “từng ngày, từng giờ” dòng sông Gâm đang bị “cát tặc” công khai “rút ruột” hàng trăm khối cát rồi bán ra thị trường kiếm lời bất chính, chính quyền địa phương có xử lý nhưng cũng chỉ vài trăm nghìn đồng, chưa có biện pháp xử lý triệt để thì liệu rằng có đủ sức răn đe không?. Bên cạnh đó, khi họ hoạt động trở lại thì những chiếc xuồng to kềnh càng, đặt chềnh ềnh giữa lòng sông, tiếng máy vận hành cả ngày nổ rầm rầm rền vang một vùng để hút cát một cách công khai mà bất kỳ ai đi trên đường cái qua những điểm khai thác này đều biết đó là hoạt động của xuồng khai thác cát, sỏi công suất lớn thì không thể nói là không thấy. Phải chăng “mọi người biết” chỉ… “một nhóm người không biết” hay “chính quyền xã biết mà làm ngơ”?. Đó là những câu hỏi mà dư luận đang chờ câu trả lời thỏa đáng của cơ quan chức năng.
Theo Điều 60 Nghị định số 33/2017/NĐ-CP ngày 3/4/2017 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khai thác tài nguyên nước và khoáng sản, thẩm quyền của Chủ tịch UBND cấp huyện được xử phạt 50 triệu đồng, Chủ tịch UBND cấp xã xử phạt 5 triệu đồng, tịch thu tang vật, phương tiện, áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả.