Bảo đảm an toàn môi trường khi thăm dò mỏ đá granit Ninh Thuận

Mai Đan| 08/04/2021 12:27

(TN&MT) - Tại cuộc họp Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia vào sáng 30/3 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ TTN&MT Trần Quý Kiên - Phó Chủ tịch Hội đồng và các thành viên Hội đồng đã thông qua Đề án thăm dò đá granit làm ốp lát khu vực núi Ma Vieck 3, xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận. Tuy nhiên, Hội đồng yêu cầu chủ đầu tư và đơn vị tư vấn tính toán lại độ thu hồi của đá chẻ và đảm bảo công tác thi công thăm dò không gây tổn hại lớn đến môi trường.

Ông Nguyễn Tiến Dũng - Công ty Cổ phần Tư vấn đầu tư Khoáng sản Việt, đơn vị tư vấn cho biết: Khu vực thăm dò là vùng đồi núi cao cằn cỗi chỉ trồng cây tràm và cây bụi, dây leo nên trong quá trình thi công không phải chặt phá cây cối và không ảnh hưởng đến hoa màu của dân. Hơn nữa, khi thi công khoan, khai đào, lấy mẫu trong khu vực thăm dò không có cây trồng, hoa màu. Thực vật chủ yếu là cây bụi, cây cỏ. Khối lượng công tác khoan chỉ có 22 công trình. Vì vậy, mức độ tổn hại đến cây cối và môi trường trong quá trình thi công thăm dò là không lớn.

Theo đại diện đơn vị tư vấn, để giảm thiểu tác động ảnh hưởng đến môi trường của công tác thi công thăm dò, đơn vị thi công đã có phương án thi công hợp lý. Các công tác thi công đều tận dụng khoảng trống của cây trồng trong khu thăm dò. Trong quá trình khoan, dung dịch khoan là nước được sử dụng tuần hoàn, không để dung dịch có dầu mỡ của máy khoan lan ra môi trường. Khi thi công xong, hai bên đã tiến hành nghiệm thu, trám lỗ khoan và lấp theo quy định. Nhìn chung, quá trình thi công thăm dò đã có biện pháp giảm thiểu ảnh hưởng đến môi trường sinh thái trong khu thăm dò và lân cận.

Ngoài ra, khu vực thăm dò nằm trong khu vực có rất nhiều mỏ đá đang hoạt động, đá granit có trong mỏ sẽ được khai thác làm đá ốp lát, một phần sẽ sử dụng làm đá chẻ… Kết quả phân tích thí nghiệm các chỉ tiêu, yêu cầu về chất lượng được xác định đá trong khu vực thăm dò không có mặt các loại khoáng sản quý hiếm, phóng xạ…

Bên cạnh việc nhất trí với các biện pháp đảm bảo không gây tổn hại đến môi trường, Hội đồng đã thẩm định và thông qua kết quả khai thác thử nghiệm cho tỷ lệ thu hồi cỡ khối ốp lát ≥0,4 m3 đạt gần 35%. Theo đó, tổng trữ lượng đá granit có cỡ khối ≥0,4 m3 làm ốp lát cấp 121+122 là 5.095 nghìn m3; tổng trữ lượng đá làm vật liệu xây dựng thông thường (đá chẻ) là 1.462 nghìn m3.

Riêng đối với đá chẻ thu hồi được, Thứ trưởng Trần Quý Kiên yêu cầu tính toán lại độ thu hồi làm cơ sở để chủ đầu tư lập dự án đầu tư, báo cáo đánh giá tác động môi trường, xin cấp giấy phép khai thác khoáng sản theo quy định.

Ông Phan Gia Hiền - Giám đốc Công ty Cổ phần Đá Phú Tài Ninh Thuận (chủ đầu tư) cho rằng, với trữ lượng đá granit làm ốp lát như trên đủ điều kiện để Công ty đầu tư công nghệ khai thác và chế biến công nghiệp với công suất 20.000 - 50.000 m3/năm. Ngoài ra, khối lượng đá chẻ xây dựng đi kèm có thể khai thác cung cấp cho các công trình xây dựng dân dụng trong khu vực và lân cận.

“Với điều kiện địa chất, địa chất thủy văn - địa chất công trình, điều kiện khai thác khu vực thuận lợi, việc sớm đưa mỏ đá granit ốp lát khu vực núi Mavieck 3 vào hoạt động để có nguyên liệu ốp lát, đá xây dựng thông thường cung cấp cho nhu cầu của thị trường trong khu vực là cần thiết”, ông Phan Gia Hiền nhấn mạnh.

Khu vực thăm dò đá granit làm ốp lát khu vực núi Mavieck 3, xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận của Công ty Cổ phần đá Phú Tài Ninh Thuận nằm trong vùng kinh tế đang phát triển và có nhiều dự án đầu tư khai thác - chế biến đá ốp lát. Khu mỏ gần trục đường giao thông chính liên xã và đường ven biển của tỉnh Ninh Thuận và đã có đường cấp phối dẫn vào tới mỏ nên có nhiều lợi thế trong vận chuyển và tiêu thụ sản phẩm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo đảm an toàn môi trường khi thăm dò mỏ đá granit Ninh Thuận
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO