Các đại biểu đã chia sẻ, thảo luận, đóng góp nhiều giải pháp về các vấn đề liên quan đến nước với cuộc sống và sức khỏe con người; nước - môi trường trong bối cảnh biến đổi khí hậu; vai trò, đóng góp của các tổ chức thành viên, tổ chức xã hội trong các hoạt động liên quan đến nước và phát triển bền vững ở Việt Nam; các nguyên nhân và đề xuất các giải pháp, kiến nghị nhằm bảo đảm an ninh nguồn nước, góp phần vào phát triển bền vững ở Việt Nam.
Các đại biểu tham dự Hội thảo |
Ông Ngô Tự Lập, Viện trưởng Viện Quốc tế Pháp ngữ nhấn mạnh, vấn đề an ninh nước không thể giải quyết nếu không có cách tiếp cận tổng thể mang tính liên ngành dựa trên luật pháp quốc tế, chiến lược và chính sách quản lý, sự hình thành và bảo vệ các quy tắc luật pháp quốc tế cũng như các cam kết đa phương.
Tham luận tại Hội thảo, ông Nguyễn Hồng Thao, Đại sứ, Phó Chủ tịch Ủy ban Luật pháp Quốc tế tại Liên Hợp quốc cho biết, Việt Nam là đất nước có nguồn tài nguyên nước dồi dào, song mức độ tiếp cận nước sạch của người dân còn hạn chế và Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức về an ninh nước. Vì vậy, cần đưa ra những chính sách và phương án quản lý nước tốt hơn.
Đề cập tới những thách thức và giải pháp nguồn tài nguyên nước sông Mê Công, GS. Nguyễn Bá Diến, Chủ tịch Hội đồng Quản lý Viện nghiên cứu Khoa học Biển và Hải đảo cho biết, khủng hoảng sông Mê Công là nguyên nhân gây ra những bất ổn trong khu vực và toàn cầu. Bốn quốc gia thuộc hạ nguồn sông Mê Công: Lào, Campuchia, Thái Lan, Việt Nam đang bị ảnh hưởng xấu như: hạn hán, mất mùa, hủy diệt các hệ sinh thái bởi những hoạt động của quốc gia thượng nguồn.
Đồng quan điểm trên, theo ông Georges Vachaud, Giám đốc Nghiên cứu danh dự, Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia, Cộng hòa Pháp, Đồng bằng châu thổ sông Mê Công là một ví dụ điển hình cho những vấn đề mà tất cả những đồng bằng sông thổ khác của Đông Nam Á đã, đang và sẽ phải đối mặt đó là biến đổi khí hậu làm mực nước biển dâng lên tương đối khoảng 1m và dự đoán sẽ nhấn chìm 1 số phần của Đồng bằng vào năm 2050.
Để đảm bảo sự đồng thuận đa phương và song phương về sông Mê Công, GS. Nguyễn Bá Diến cho rằng, cần đưa ra các nguyên tắc trong khuôn khổ rộng lớn của luật pháp quốc tế, đặc biệt là đối với vấn đề quản trị nước, tăng cường thực hiện một cách đầy đủ, thực chất và hiệu quả Hiệp định sông Mê Công 1995; xây dựng Khung quy hoạch phát triển cũng như là tăng cường chia sẻ thông tin, số liệu trong lưu vực sông Mê Công …
Toàn cảnh Hội thảo |
Nghiên cứu điển hình về phân hóa xã hội và tiếp cận nước sạch tại xã Văn Môn, tỉnh Bắc Ninh, bà Lê Thị Vân Huệ, Viện Tài nguyên và Môi trường, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, áp lực về nước do biến đổi khí hậu gây ra tác động đến mọi tầng lớp trong xã hội, đặc biệt những người nghèo là nhóm dễ bị tổn thương nhất của xã hội. Nhiều khu vực bị ô nhiễm nặng nề, lượng nước phân bổ không đều trong năm lúc quá ít, khi quá nhiều. Do đó, việc bảo đảm nguồn nước và việc cung cấp nước, nhất là nguồn nước sạch phục vụ sản xuất và đời sống cho người dân đang bị ảnh hưởng nặng nề.