Kinh tế

Bằng mọi cách phải đảm bảo điện mùa khô 2023

Phương Hà 27/05/2023 - 00:38

Đó là chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An tại buổi gặp gỡ báo chí chia sẻ thông tin liên quan đến tình hình sản xuất điện và tiến độ đàm phán giá mua điện các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp chiều ngày 26/5 tại trụ sở Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Bộ Công Thương đã sẵn sàng các kịch bản cung ứng điện

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho biết, hiện nay miền Bắc đang ở giai đoạn cuối mùa khô, nắng nóng gay gắt xảy ra, mực nước tại các hồ thủy điện xuống thấp, công suất tại các nhà máy thủy điện giảm khiến tình hình cung ứng điện tại miền Bắc đối mặt với khó khăn.

01(1).jpg
Bộ Công Thương tổ chứ gặp gỡ báo chí chia sẻ thông tin liên quan đến tình hình sản xuất điện mùa khô 2023

Qua theo dõi của Bộ Công Thương, phụ tải 4 tháng đầu năm tăng tương đối nhẹ, tháng 5 theo kế hoạch sản lượng trung bình là 808 triệu kWh/ngày, tuy nhiên tính đến hết ngày 25/5 sản lượng điện trung bình ngày của cả nước lên đến 818 triệu kWh/ngày (tăng 8%). Cùng với đó, phụ tải toàn hệ thống điện quốc gia ngày 19/5/2023 vừa qua đã tăng lên mức kỷ lục mới ~924 triệu kWh/ngày, cao nhất từ đầu năm đến nay và tăng 10,5% so với cùng kỳ tháng 5/2022; công suất tiêu thụ cực đại đạt 44.666 MW, cao nhất từ đầu năm đến nay và tăng 9% so với cùng kỳ tháng 5/2022.

Bên cạnh đó, việc chuẩn bị nguồn cũng gặp khó khăn, một số tổ máy công suất lớn đang phải sửa chữa kéo dài như tổ máy số 2 của Nhiệt điện Nghi Sơn (Thanh Hóa), tổ máy S1 Nhiệt điện Vũng Áng 1 (Hà Tĩnh) đang tiếp tục sửa; tổ máy S6 của Nhiệt điện Phả Lại (Hải Dương) rồi của Nhiệt điện Cẩm Phả (Quảng Ninh)… với tổng công suất thiếu hụt lên tới gần 2.000MW.

02.jpg
Thứ trưởng Đặng Hoàng An phát biểu tại cuộc họp

Tuy nhiên, Thứ trưởng Đặng Hoàng An cũng cho rằng, sau nhiều giải pháp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo đến giờ Bộ Công Thương và EVN đã làm tương đối tốt.

Thứ trưởng nhấn mạnh, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ với một số Bộ, ngành, tập đoàn năng lượng về các giải pháp để đảm bảo nhu cầu điện cho sản xuất kinh doanh và tiêu dùng, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nêu rõ, tổng công suất các nguồn điện của hệ thống điện quốc gia hoàn toàn có thể đáp ứng tổng nhu cầu, không thiếu hụt trong dài hạn. Theo đó, trong các giải pháp, Bộ Công Thương cho rằng giải pháp trước mắt là đảm bảo độ tin cậy từ công tác vận hành các công trình, dự án cung cấp điện, trong đó Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 đã vận hành 1 tổ máy chạy đủ công suất, còn một tổ máy đang sửa bơm cấp và quạt khói nhánh B.

Mặt khác, Bộ Công Thương cũng đã đôn đốc các hợp đồng cung cấp than, trong trường hợp than chưa đủ, vay than của đơn vị khác. Đây là giải pháp trong bối cảnh này mặc dù giải pháp này tương đối đắt tiền cũng như dự trữ dầu cho sản xuất trong trường hợp nhiên liệu thiếu.

Đặc biệt, Thứ trưởng nhấn mạnh đến công tác triển khai thực hiện tiết kiệm điện. “Trong bối cảnh hiện nay, tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm điện năng là quốc sách. Một hành động nhỏ khi tiết kiệm điện năng cũng đã góp phần giảm áp lwujc cho ngành điện” - Thứ trưởng khẳng định.

04.jpg
EVN tăng cường tuyên truyền tiết kiệm điện tới từng người dân.

Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng yêu cầu EVN tăng cường điều tiết các hồ chứa thủy điện, phối trộn nguồn than trong nước với than nhập khẩu cho sản xuất điện. Đồng thời chỉ đạo EVN khẩn trương thỏa thuận giá đối với các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp, hỗ trợ các chủ đầu tư hoàn tất các thủ tục pháp lý để hòa lưới.

Đáp ứng đủ quy định sẽ phát lên lưới điện

05.jpg
Bộ Công Thương và EVN đã và đang triển khai nhiều giải pháp gỡ khó cho các dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp

Thông tin thêm về các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp, Thứ trưởng Đặng Hoàn An cho biết, tính đến 10h sáng 26/5, đã có 52/85 dự án năng lượng tái tạo chưa có giá gửi hồ sơ cho Công ty Mua bán điện (thuộc EVN) để đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện.

Trong số này, có 39 dự án với công suất 2.363 MW đã đề nghị giá tạm bằng 50% giá trần của khung giá (theo Quyết định số 21/QĐ-BCT ngày 07/01/2023 của Bộ Công Thương), trong đó có 19 dự án (hoặc một phần dự án) đã được Bộ Công Thương phê duyệt giá tạm và ký Hợp đồng mua bán điện (PPA).

"Hiện đến thời điểm này mới có 5 dự án đã hoàn thành mọi thủ tục, hồ sơ để huy động với tổng công suất 303 MW" - Thứ trưởng Đặng Hoàng An thông tin.

Ngoài ra, có 16 dự án đã nối lưới, đã và đang tiến hành thử nghiệm; 19 dự án đã được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền nghiệm thu công trình/ một phần công trình; 17 dự án đã được cấp giấy phép hoạt động điện lực toàn nhà máy/một phần nhà máy.

Cũng theo Thứ trưởng Đặng Hoàng An, theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về xử lý vướng mắc các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp đảm bảo 3 nguyên tắc chính: Thứ nhất, việc giải quyết phải đúng các quy định của pháp luật; Thứ hai, phải trên tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ"; Thứ ba, giá điện và chi phí truyền tải hợp lý, nếu cao quá thì lợi ích của xã hội bị ảnh hưởng.

03.jpg

Theo số liệu của Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia cho thấy, mấy ngày gần đây lưới điện quốc gia hấp thụ khoảng 100 triệu kWh năng lượng tái tạo tương đương 1/9 sản lượng điện của hệ thống, cá biệt ngày 25/5 sản lượng điện năng lượng tái tạo lên đến 106 triệu kWh/ngày, như vậy là tương đối lớn, tuy nhiên vừa rồi sản lượng gió nhiều thời điểm xuống thấp, sản lượng chỉ đạt 5,6% tổng công suất lắp đặt.

Thứ trưởng Đặng Hoàng An nhấn mạnh, tất cả các hồ sơ của các chủ đầu tư dự án điện gió, điện mặt trời gửi lên đề nghị giá tạm đều được chỉ đạo phải ưu tiên xử lý trong ngày. "Các chủ đầu tư cần đảm bảo hoàn thiện các hồ sơ pháp lý theo đúng quy định, sau khi các dự án điện này đáp ứng đầy đủ các quy định sẽ được huy động điện lên lưới điện quốc gia" - Thứ trưởng lưu ý.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bằng mọi cách phải đảm bảo điện mùa khô 2023
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO