Bảng giá đất mới không gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp

Trường Giang (thực hiện)| 18/03/2021 10:49

(TN&MT) - Trước thông tin dư luận phản ánh, nhiều địa phương rục rịch tăng Bảng giá đất mới đã làm tăng giá bất động sản, gây thêm khó khăn cho doanh nghiệp kinh doanh bất động sản và cơ hội sở hữu nhà ở của người có thu nhập thấp, phóng viên Báo TN&MT đã có cuộc trao đổi với ông Đào Trung Chính, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ TN&MT) về vấn đề này.

PV: Mới đây Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ TN&MT chủ trì phối hợp với Bộ, ngành, địa phương liên quan đánh giá, xử lý phản ánh về việc hiện nay nhiều địa phương đang điều chỉnh bảng giá đất làm tăng chi phí, ảnh hưởng tới các doanh nghiệp thuê đất thời gian qua, Bộ TN&MT đã triển khai công việc này ra sao, thưa ông?

Ông Đào Trung Chính:

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, phản ánh của các cơ quan thông tấn, báo chí, Bộ TN&MT đã xây dựng Dự thảo Công văn, trong đó nêu thực trạng và đề xuất một số giải pháp và gửi một số Bộ, ngành để xin ý kiến; trên cơ sở đó sẽ tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Ông Đào Trung Chính, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai

Tuy nhiên, tôi cho rằng, thông tin dư luận phản ánh, Bảng giá đất mới tại nhiều địa phương được điều chỉnh tăng đã làm tăng giá bất động sản, gây thêm khó khăn cho doanh nghiệp kinh doanh bất động sản là không chính xác. Bởi, theo quy định của Luật Đất đai 2013, Bảng giá đất do các địa phương công bố giữ ổn định 5 năm một lần, trong trường hợp đặc biệt thị trường thay đổi lớn mới phải điều chỉnh.

Hiện nay, các địa phương đang sử dụng Bảng giá đất từ năm 2020 đến hết năm 2024, tức là các địa phương đã thực hiện ổn định Bảng giá đất từ đầu năm 2020. Theo thông tin chúng tôi nắm được, chỉ có duy nhất tỉnh Lào Cai điều chỉnh Bảng giá đất.

PV: Vậy theo ông, tại sao lại có thông tin như trên và nguyên nhân nào dẫn tới giá bất động sản ở nhiều địa phương tăng trong thời gian gần đây?

Ông Đào Trung Chính:

Theo tôi, nguyên nhân của việc này chính là do những chính sách của chúng ta đã thực hiện trong năm 2020. Năm 2020 do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Chính phủ đã hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, cụ thể là Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19, trong đó quy định tiền thuê đất được giảm 15% cho người dân và doanh nghiệp; Nghị định số 41/NĐ-CP ngày 8/4/2020 về việc gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất; trong đó đã giãn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất trong nửa đầu năm xuống cuối năm 2020.

Tuy nhiên, từ đầu năm 2021 dịch Covid-19 vẫn đang ảnh hưởng tới các doanh nghiệp; vậy vấn đề đặt ra có tiếp tục giữ ưu đãi này trong năm 2021 không? Vấn đề này các Bộ, ngành cũng phải tham mưu Chính phủ để ra quyết định thực hiện.

Một nguyên nhân khác dẫn tới việc tăng giá đất ở địa phương, theo tôi là do thị trường bất động sản bắt đầu có nhiều thông tin về nguồn hàng mới. Ví dụ, bất động sản nhà ở của đô thị, năm 2021 có nhiều quy hoạch mới được phê duyệt và triển khai như: Hệ thống sân bay, hệ thống giao thông, hay là một số địa phương có quy hoạch chuyển từ huyện lên thành quận, thành phố…

Đồng thời, vấn đề chuyển dịch nguồn vốn đầu tư, người dân đổ vốn vào bất động sản nhà ở, nghỉ dưỡng làm tăng giá.

Khu đô thị Thủ Thiêm (TP. Hồ Chí Minh)

Trong lĩnh vực bất động sản công nghiệp và dịch vụ thì nước ta với thành tựu chống Covid-19 tạo điểm đến an toàn, tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do dẫn tới có luồng dịch chuyển các nhà đầu tư Quốc tế về Việt Nam. Trong khi đó, nguồn khu công nghiệp, khu chế xuất của chúng ta chưa mở rộng được nhiều, rõ ràng làm tăng giá đất.

Như vậy, tôi cho rằng, về thị trường có sự tăng giá, có sự điều chỉnh tăng, còn về phía giá các loại đất theo Bảng giá không tăng trong đầu năm 2021.

PV: Như ông nói, rõ ràng dịch bệnh Covid-19 vẫn đang tác động tới doanh nghiệp, Bộ TN&MT có kiến nghị gì với Chính phủ để tiếp tục duy trì chính sách ưu đãi liên quan đến giá đất, thưa ông?

Ông Đào Trung Chính:

Theo tôi, vấn đề này có hai mặt. Nếu chúng ta cứ kìm giá đất không phản ánh đúng thị trường để giải quyết được vấn đề cho doanh nghiệp thì ở chiều ngược lại không giải quyết được các quyền lợi người có đất bị thu hồi. Chúng tôi cho rằng, giá đất vẫn phải phản ánh đúng, phù hợp với giá đất thị trường. Về chính sách thu, chúng tôi cho rằng có thể điều chỉnh để có thể hỗ trợ cho doanh nghiệp.

Ví dụ như có quy định miễn, giảm tiền thuê đất như trong năm 2020; trong Nghị định về thu tiền thuê đất cũng phải sửa theo hướng trong những trường hợp bất khả kháng như dịch bệnh thì UBND các địa phương có thể thay đổi hệ số thu tiền thuê đất cho các doanh nghiệp để góp phần giải quyết được vấn đề khó khăn cho doanh nghiệp.

Một vấn đề khác, hiện nay các địa phương đang triển khai lập quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có quy hoạch sử dụng đất, thì chúng ta phải tính toán trước tình hình các nhà đầu tư chuyển về nước ta phải tăng diện tích về công nghiệp, dịch vụ, chế xuất, kinh tế để đáp ứng được nhu cầu.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảng giá đất mới không gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO