(TN&MT) - Trung tâm quyền tác giả văn học Việt Nam cho biết, trong năm 2013, tiền bản quyền tác giả văn học thu được là 15 triệu đồng.
Ngày18/12, tại Hà Nội, Cục bản quyền tác giả - Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch phối hợp với Trung tâm quyền tác giả văn học Việt Nam tổ chức Hội thảo “Bảo hộ quyền tác giả văn học” với sự tham dự của nhiều nhà văn, dịch giả.
Tại hội nghị, các nhà văn, nhà quản lý văn hoá khẳng định, bản quyền tác giả văn học đang bị bỏ lửng. Trong khi các đơn vị quản lý như Cục bản quyền tác giả, Trung tâm quyền tác giả văn học Việt Nam chưa phát huy hết vai trò của mình nên tình trạng xâm phạm bản quyền như: in sách lậu, sử dụng văn bản tác phẩm với nhiều mục đích khác nhau vẫn đang diễn ra.
Đại diện Trung tâm quyền tác giả văn học Việt Nam cho biết, trong năm 2013, tiền bản quyền thu được là 15 triệu đồng và đã được chuyển toàn bộ đến các tác giả. Bên cạnh đó, việc phối hợp giữa Trung tâm và các nhà văn, dịch giả chưa thực sự mạnh mẽ. Do vậy, cơ chế phối hợp giữa tác giả và Trung tâm quyền tác giả văn học Việt Nam chưa thực sự hiệu quả.
Giải thích nguyên nhân, Nhà văn Nguyễn Trí Huân - Tổng biên tập Tạp chí Nhà văn và Tác phẩm cho biết, thứ nhất, chủ yếu là do nhận thức và sự chia sẻ của các nhà văn trong lĩnh vực này còn hạn chế. Thứ hai là do hoạt động của chính Trung tâm không có cơ sở tài chính, chưa đảm bảo trình độ hiểu biết về pháp lý.
Nhà văn Nguyễn Trí Huân chia sẻ: “Các nhà văn uỷ thác cho Trung tâm bảo hộ quyền tác giả của mình nhưng khi Nhà xuất bản đến lại trực tiếp kí luôn với Nhà xuất bản mà không qua Trung tâm. Vì vậy, nhận thức về chức năng của Trung tâm bản quyền và trách nhiệm của nhà văn còn đơn giản, phiến diện.”
Một trong những vi phạm bản quyền văn học phổ biến nhất được đề cập tại hội nghị là mảng sách giáo khoa và việc sử dụng tác phẩm văn học một cách “thoải mái” tại một số cơ quan truyền thông. Đây là hai lĩnh vực chưa được kiểm tra và bắt buộc phải trả bản quyền tác giả văn học.
Phạm Thu Hà