Môi trường

Bảo tồn rùa biển tại xã đảo Nhơn Hải: Những tín hiệu tích cực

Ái Trinh 24/05/2024 08:12

(TN&MT) - Những năm gần đây, công tác bảo vệ các loài quí hiếm, trong đó có rùa biển đã được tuyên truyền sâu rộng trong cộng đồng ngư dân ven biển tỉnh Bình Định. Việc rùa tìm lên đẻ trứng ở các bãi đẻ thuộc xã đảo Nhơn Hải (Bình Định) là một tín hiệu tích cực trong công tác bảo tồn rùa biển của địa phương.

Theo khảo sát của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) vào năm 2010, Bình Định đã có các bãi rùa đẻ phân bố tại một số xã ven biển và đảo, trong đó xã đảo Nhơn Hải (thành phố Quy Nhơn, Bình Định) có 2 địa điểm là bãi Hải Giang và bãi Hòn Khô. Từ năm 2021, tại Nhơn Hải đã hình thành thêm một bãi đẻ thứ 3 của rùa biển - đó là bãi biển trước khu dân cư của xã. Mới đây, vào khoảng 22 giờ ngày 21/5, một số người dân phát hiện một rùa mẹ lên bãi biển thôn Hải Nam (xã Nhơn Hải) đẻ trứng.

img_20240523_213249.jpg
Rùa biển đẻ trứng tại bãi biển làng chài Nhơn Hải tối ngày 21/5. Ảnh: Tổ chức cộng đồng bảo vệ nguồn lợi thủy sản xã Nhơn Hải

Ngay khi nhận được tin báo của người dân, anh Nguyễn Tôn Xuân Sáng và anh Trần Văn Phát - thành viên Tổ bảo vệ san hô, rùa biển ở địa phương (thuộc Tổ chức cộng đồng bảo vệ nguồn lợi thủy sản xã Nhơn Hải) ngay lập tức có mặt để bảo vệ rùa đẻ trứng và tiến hành di dời ổ trứng đến khu vực khoanh vùng tại bãi Mũi Cồn (thôn Hải Đông, xã Nhơn Hải) để ấp nở, bảo vệ.

Cá thể rùa biển này dài 0,94m, chiều rộng mai rùa 0,86m, ước nặng hơn 90kg, là loài Rùa Xanh, Vích (Chelonia mydas) - thuộc Nhóm “đang bị đe dọa” theo phân loại của IUCN, Phụ lục I của công ước CITES về cấm buôn bán vận chuyển quốc tế. Rùa đẻ được 103 trứng.

Anh Nguyễn Tôn Xuân Sáng cho biết: "Vị trí rùa đẻ ở gần mép nước, ngay sau đó, chúng tôi đã nhanh chóng di dời ổ trứng rùa đến nơi an toàn. Dự kiến sau 60 ngày, ổ trứng rùa kể trên sẽ nở".

Xã đảo Nhơn Hải được thiên nhiên ưu đãi với hệ sinh thái đa dạng. Nhiều rạn san hô và thảm rong tảo - cỏ biển, các loại cá rạn, tôm hùm, nhím biển, sao biển,… Đây cũng là nơi xuất hiện loài rùa biển đến kiếm ăn, lên bãi đẻ trứng. Khu vực từ đảo Hòn Khô Lớn đến Hang Yến là nơi có rạn san hô sống bao phủ (diện tích rạn khoảng 36ha) với nhiều loại san hô cứng, san hô mềm, đa dạng về hình thái tạo nên cảnh quan kỳ thú dưới nước. Đây là nguồn tài nguyên đa dạng sinh học quý giá, đồng thời còn có giá trị cảnh quan để phát triển du lịch.

Được biết năm 2021, liên tiếp từ tháng 6 đến tháng 9, bãi biển xã Nhơn Hải có 5 lượt rùa biển lên bờ đẻ trứng. Tổ chức cộng đồng bảo vệ nguồn lợi thủy sản xã Nhơn Hải đã tham gia bảo vệ. Kết quả có 3/5 ổ trứng đã nở thành công với tỉ lệ nở đạt 54% với 150 cá thể rùa con về biển an toàn. Mặc dù đây chưa phải là tỷ lệ lý tưởng, tuy nhiên, bước đầu đã khẳng định những thành công nhất định trong công tác bảo tồn rùa của xã Nhơn Hải.

img_20240523_213254.jpg
Rùa con được ấp nở thành công tại làng chài Nhơn Hải vào năm 2021. Ảnh: Tổ chức cộng đồng bảo vệ nguồn lợi thủy sản xã Nhơn Hải

Ông Nguyễn Ngọc Nam, Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn Hải cho biết: “Sau gần 3 năm (kể từ năm 2021), rùa biển quay lại đẻ trứng tại bãi biển trước khu dân cư xã Nhơn Hải, bà con nhân dân ở địa phương rất phấn khởi. Để bảo tồn bãi đẻ rùa biển, hiện nay UBND xã đang duy trì công tác bảo vệ rùa khi rùa lên sinh sản ở bãi biển của xã, tiếp tục khoanh vùng bảo vệ nghiệm ngặt khu vực biển Hòn Khô Nhỏ với diện tích 12,043ha. Đồng thời trong thời gian tới, xã tiếp tục tuyên truyền vận động nhân dân phát hiện rùa lên bãi thì báo cáo kịp thời cho chính quyền và Tổ chức cộng đồng để bảo vệ rùa đẻ. Bên cạnh đó, chúng tôi chỉ đạo giữ gìn nghiêm ngặt khu vực ấp trứng để bảo vệ cho ổ trứng đến lúc nở thành công”.

img_20240523_213607.jpg
Khu vực ấp trứng rùa được xã Nhơn Hải khoanh vùng, bảo vệ nghiêm ngặt. Ảnh: Ái Trinh

Hiện nay, đề án phát triển du lịch cộng đồng xã Nhơn Hải đã được UBND tỉnh phê duyệt vào tháng 3/2024. Xem rùa biển để trứng là một trong những loại hình du lịch sinh thái biển được tỉnh quan tâm định hướng phát triển và đã đưa vào nhiệm vụ quy hoạch khu vực bảo tồn bãi đẻ rùa biển gắn với phát triển du lịch trên địa bàn xã.

Bà Bùi Thị Thu Hiền, chuyên gia bảo tồn rùa biển của IUCN cho biết, một đặc điểm thú vị của loài rùa biển là rùa cái trưởng thành và thành thục sinh sản (khoảng 20 - 30 năm tuổi) sẽ trở lại đúng nơi chúng được sinh ra và thả về biển, để đẻ trứng. Sau khi đẻ thành công, rùa mẹ sẽ ra biển, kiếm ăn ở khu vực gần bờ (chủ yếu ở khu vực rạn san hô) và tiếp tục quay lại đúng bãi đẻ mùa trước để thực hiện đẻ trứng trong mùa tiếp theo theo chu kỳ sinh sản 3 - 5 năm. Mỗi mùa sinh sản, mỗi cá thể rùa mẹ sẽ đẻ từ 2 đến 5 lần. “Các thành viên Tổ chức cộng đồng xã Nhơn Hải nên gắn thẻ cho rùa mẹ khi lên bãi đẻ trứng để thuận tiện theo dõi và bảo vệ rùa mẹ trong mùa sinh sản” - bà Hiền nhấn mạnh.

Cũng theo bà Hiền, mùa sinh sản của rùa biển sẽ kéo dài từ khoảng tháng 4 đến tháng 10 trong năm. Hiện tượng rùa biển quay trở lại và đẻ trứng tại bãi biển xã Nhơn Hải cho thấy những dấu hiệu tích cực trong việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản của cộng đồng và chính quyền địa phương, thể hiện ý thức bảo tồn thiên nhiên nói chung và rùa biển nói riêng đã được lan tỏa tích cực trong cộng đồng tại Bình Định.

“Tổ chức cộng đồng bảo vệ nguồn lợi thủy sản xã Nhơn Hải thành lập theo Luật Thủy sản 2017 và được UBND TP Quy Nhơn công nhận và giao quyền quản lý, bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại khu vực Hòn Khô Nhỏ, xã Nhơn Hải, TP. Quy Nhơn với diện tích 12,043ha theo Quyết định số 8118/QĐ-UBND ngày 12/11/2020. Tổ chức cộng đồng bảo vệ nguồn lợi thủy sản xã Nhơn Hải có 50 thành viên tham gia, được chia làm 4 đội: Đội khai thác thủy, Đội dịch vụ du lịch, Đội tuần tra giám sát - tuyên truyền và Đội bảo vệ rạn san hô. Hqơn 3 năm qua, Tổ chức cộng đồng bảo vệ nguồn lợi thủy sản đã làm tốt công tác bảo vệ môi trường, rùa biển và hệ sinh thái rạn san hô tại khu vực biển được giao.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo tồn rùa biển tại xã đảo Nhơn Hải: Những tín hiệu tích cực
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO