Môi trường

Bài 2 - Ngành Tài nguyên và Môi trường Hà Nam: Đẩy mạnh chuyển đổi xanh

Doãn Xuân - Việt Linh 26/10/2023 - 15:12

Đây là lộ trình được tỉnh Hà Nam đưa ra để quyết tâm thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế xanh bền vững trong tương lai. Để làm được điều đó, trước mắt phải có lộ trình chuyển đổi xanh thông qua các chương trình, kế hoạch và hành động cụ thể.

Cả hệ thống chính trị vào cuộc

Thực hiện Chương trình số 28 của Tỉnh ủy và Quyết định số 2382/QĐ-UBND ngày 31/12/2021 của UBND tỉnh Hà Nam, Sở Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Kế hoạch số 758 và Văn bản số 1112 đề nghị các sở, ngành, địa phương thực hiện, chủ trì, phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Hà Nam, cùng các hội, đoàn thể chính trị - xã hội… phổ biến Chương trình số 28 đến người dân, doanh nghiệp trên địa bàn hiểu và thực hiện, qua đó từng bước nâng cao trách nhiệm bảo vệ môi trường sâu rộng trong nhân dân.

Ngoài ra, Sở TN&MT tỉnh Hà Nam còn tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 10/2021 về phân cấp nguồn thu phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản cho ngân sách cấp huyện là 30%. Nâng cao chất lượng thẩm định đánh giá tác động môi trường đối với các dự án đầu tư mới, không chấp thuận các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao và không có giải pháp xử lý triệt để ô nhiễm môi trường, đồng thời, xử lý nghiêm các doanh nghiệp vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường…

Đôn đốc các doanh nghiệp khai thác khoáng sản trên địa bàn các xã Liên Sơn, Tân Sơn, Tượng Lĩnh, huyện Kim Bảng khẩn trương nâng công suất khai thác và chấm dứt hoạt động khai thác đá vôi tại đây vào cuối năm 2025 để tạo môi trường xanh - sạch - đẹp cho phát triển du lịch, nhất là phục vụ quần thể du lịch Tam Chúc và các dịch vụ khác trên địa bàn huyện Kim Bảng.

anh-2.png
Một góc Công viên Nam Cao ở Trung tâm TP. Phủ Lý

Theo ông Phạm Chí Thống - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Nam, để nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường, Hà Nam đã hỗ trợ kinh phí cho các xã có hoạt động khai thác khoáng sản từ 200 triệu đồng năm 2021 lên 260 triệu đồng/năm/xã năm 2022 - 2023. Hỗ trợ công tác quản lý bảo vệ môi trường từ 500 triệu đồng năm 2021 lên 650 triệu đồng/huyện, thị xã, thành phố/năm 2022 - 2023. Đối với công tác xử lý ô nhiễm làng nghề tỉnh hỗ trợ từ 200 triệu đồng năm 2021 lên 260 triệu đồng năm 2022 - 2023.

Đặc biệt, đến nay, 6/6 huyện, thị xã và thành phố đã thực hiện đấu thầu dịch vụ vận chuyển rác thải sinh hoạt, từng bước tiến tới phân loại rác thải tại nguồn trong khu dân cư. Các doanh nghiệp đã lắp đặt hệ thống giám sát hành trình cho xe vận chuyển rác thải sinh hoạt, lắp đặt hệ thống giám sát dữ liệu trạm cân ra vào. Hà Nam hiện có 2 nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt, tổng công suất khoảng 330 tấn/ngày đêm, được biết các nhà máy này đang đầu tư thêm lò đốt, sẽ đưa tổng công suất lên gần 500 tấn/ngày đêm.

Riêng với việc xử lý ô nhiễm môi trường khu vực Tây sông Đáy, UBND tỉnh Hà Nam đã ban hành Quyết định số 1714 về phê duyệt Đề án chiến lược phát triển vật liệu xây dựng tỉnh Hà Nam thời kì 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050. Tham mưu UBND tỉnh thành lập Tổ giám sát hoạt động bảo vệ môi trường khu vực phía Tây sông Đáy, thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp trong công tác bảo vệ môi trường. Qua đó đã phát hiện nhiều doanh nghiệp sai phạm trong công tác bảo vệ môi trường, kiến nghị xử phạt số tiền hơn 1 tỷ đồng. Ngoài ra, Phòng Cảnh sát Phòng chống Tội phạm về Môi trường - Công an tỉnh đã theo dõi, phát hiện xử lý 10 vụ việc, tổng số tiền xử phạt gần 1,2 tỷ đồng.

Đối với lưu vực sông Nhuệ và các sông trên địa bàn tỉnh, Sở thường xuyên phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, TP. Hà Nội theo dõi diễn biến chất lượng nước sông Nhuệ, nhờ đó, tần suất các đợt ô nhiễm trong nhiều năm gần đây giảm đáng kể, năm 2022 xuống còn 12 đợt nước ô nhiễm, riêng 9 tháng đầu năm 2023 chỉ có 4 đợt nước ô nhiễm.

Kết quả bước đầu rất đáng ghi nhận

Sau gần 2 năm thực hiện Chương trình 28 của Tỉnh ủy và Quyết định số 2382 của UBND tỉnh Hà Nam về thực hiện Chương trình xử lý ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh Hà Nam giai đoạn 2021 - 2025, trọng tâm là khu vực phía Tây sông Đáy và sông Nhuệ, với sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự vào cuộc tích cực của các sở, ngành, địa phương, công tác bảo vệ môi trường đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Tỷ lệ rác thải sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý hiện đạt 100%; tỷ lệ rác thải nông thôn được thu gom đạt 98% và được xử lý đạt 92%; quy hoạch 35 trạm xử lý nước thải tập trung nằm phân bổ đồng đều trong các khu đô thị, khu dân cư; 100% các khu công nghiệp đang hoạt động đều có trạm xử lý nước thải đạt chất lượng; đưa ra khỏi danh sách 6/9 (đạt 66,67%) cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg ngày 22/4/2003 và Quyết định số 1788/QĐ-TTg ngày 1/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ.

Đến nay, tại Hà Nam, 100% các khu công nghiệp đang hoạt động đã lắp đặt hệ thống quan trắc tự động đối với nước thải, truyền dữ liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường. Đồng thời xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung, thu gom, xử lý nước thải đạt cột A - QCVN 40:2011/BTNMT - Quy chuẩn về nước thải công nghiệp. Tất cả các cụm công nghiệp đầu tư mới phải có trạm xử lý nước thải tập trung đạt chuẩn mới được đưa vào hoạt động.

anh-7-tu-lieu-them.jpg

Ông Lê Văn Hưng - Chi Cục trưởng, Chi cục Bảo vệ Môi trường tỉnh Hà Nam cho biết: Đến nay, tỉnh đã quy hoạch 35 trạm xử lý nước thải tập trung nằm phân bổ đồng đều trong các khu đô thị, khu dân cư. Tỷ lệ hộ dân đô thị được dùng nước sạch đạt 97,1% và người dân nông thôn được dùng nước sạch, nước hợp vệ sinh theo tiêu chí mới đạt 98,3%. Đã xử lý được 4/7 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, còn 3 cơ sở chưa hoàn thành xử lý triệt để là làng nghề dệt nhuộm Nha Xá, Bệnh viện đa khoa Nam Lý và lượng rác tồn đọng khoảng 60.000 tấn tại thung Đám Gai, huyện Thanh Liêm, tỉnh phấn đấu hoàn thành xử lý 3 điểm nóng trên trong giai đoạn 2023 - 2025.

Hà Nam được cho là “thủ phủ” của ngành Công nghiệp xi măng, khai thác đá vôi… đây cũng là "điểm nóng" về môi trường. Tuy nhiên, nhờ sự vào cuộc đồng bộ từ Trung ương, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Hà Nam và sự đồng thuận của các doanh nghiệp nên tới nay đã có 3/5 nhà máy xi măng lắp đặt hệ thống thu hồi nhiệt phát điện, tổng công suất đạt khoảng 54MW (riêng Nhà máy xi măng Bút Sơn đang triển khai xây dựng, dự kiến cuối năm 2023 sẽ hoàn thành), nhờ đó đã góp phần to lớn vào việc hạn chế phát tán khí thải, nhiệt thải… ra môi trường. Hà Nam phấn đấu đến năm 2025, 100% nhà máy sản xuất xi măng áp dụng công nghệ thu hồi nhiệt phát điện để nâng cao tỷ lệ năng lượng tái tạo, phát triển xanh bền vững.

Được biết, đến nay, 100% các cơ sở phát sinh khí thải tại Hà Nam đều có công trình thu gom, xử lý. Đặc biệt, hoạt động khai thác, sản xuất vật liệu xây dựng trong quá trình vận chuyển đều phải che phủ, chở đúng trọng tải, chạy đúng tốc độ, không làm rơi vãi vật liệu ra đường khi vận chuyển. Đã xử lý triệt để các xe vận chuyển cơi nới thành thùng xe, tăng cường kiểm soát tải trọng, tốc độ các xe vận chuyển khi tham gia giao thông.

Đối với chất thải rắn, Hà Nam phấn đấu 100% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt thành thị được thu gom xử lý và nông thôn là 98% vào năm 2025. Chất thải nguy hại, chất thải rắn y tế được thu gom, vận chuyển, xử lý đảm bảo tiêu chuẩn môi trường đạt 98%, trong đó xử lý đạt 95%. Phấn đấu giảm 80% khối lượng túi ni lông khó phân hủy sử dụng tại các siêu thị, trung tâm thương mại và giảm 50% khối lượng túi ni lông khó phân hủy sử dụng tại các chợ dân sinh vào năm 2025. Hiện tại, nhiều siêu thị, trung tâm thương mại đã chủ động đưa túi ni lông tự phân hủy vào sử dụng và dần thay thế bằng các vật liệu có nguồn gốc tự nhiên, thân thiện môi trường.

Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 2 - Ngành Tài nguyên và Môi trường Hà Nam: Đẩy mạnh chuyển đổi xanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO