Hạn hán vẫn gay gắt trong 2 tháng tới
Khu vực Bắc Trung Bộ có mạng lưới sông suối dày đặc gồm 25 sông lớn, nhỏ tập trung thành 6 lưu vực sông chính, với lượng mưa trung bình nhiều năm tương đối lớn, tới 2.200 mm, tổng lượng dòng chảy năm trung bình là 76,4 tỷ m3. Tuy nhiên, mưa và dòng chảy phân bố rất không đều trong năm, mùa lũ chiếm đến 70-75%, mùa kiệt chỉ 25-30.
Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, đặc điểm trên cho thấy, Bắc Trung Bộ là khu vực dễ bị tổn thương về hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, nhất là những năm xảy ra tình trạng nắng nóng như năm nay và năm 2019; đồng thời cũng chịu nhiều cơn bão, mưa lớn trong mùa mưa lũ.
Hạn hán, thiếu nước ở Bắc Trung Bộ vẫn tiếp tục gay gắt trong hai tháng tới |
Hiện nay, hệ thống thủy lợi đáp ứng cấp nước cho 388.000 ha đối với các năm có thời tiết thuận lợi. “Với các năm hạn hán nặng chỉ đáp ứng được 336.000 ha, tức là có đến trên 50.000 ha dễ bị thiệt hại nếu không có giải pháp ứng phó”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.
Dự kiến đến năm 2035, tổng nhu cầu dùng nước toàn vùng Bắc Trung Bộ sẽ tăng khoảng 20% so với hiện nay từ khoảng 10,8 tỷ m3 hiện nay lên khoảng 13,6 tỷ m3. Trong đó nhu cầu nước tập trung tăng thêm cho đối tượng cây công nghiệp vùng đồi, các khu vực đô thị, khu vực kinh tế ven biển.
Như vậy, về lâu dài các công trình thủy lợi với mức độ chỉ đáp ứng cơ bản nhu cầu trong điều kiện thời tiết bình thường vẫn cần phải tiếp tục được nâng cấp, mở rộng, tăng công suất để đáp ứng nhu cầu cho tương lai.
Trong khi đó, theo dự báo của Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia, trong khoảng gần 2 tháng tới, khu vực này vẫn tiếp tục chịu nắng nóng, ít mưa, tình trạng hạn hán, thiếu nước tiếp tục diễn ra gay gắt, nguy cơ uy hiếp đến sản xuất nông nghiệp và thiếu nước dân sinh còn rất lớn.
Sau thời gian khô hạn, xu thế thời tiết chuyển sang trạng thái La Nina vào các tháng cuối năm 2020 và đầu năm 2021; như vậy, bão, mưa lớn khả năng sẽ ảnh hưởng dồn dập đến khu vực. Đây cũng là trạng thái thời tiết thường xảy ra sau các kỳ El Nino ảnh hưởng.
Cần các giải pháp dài hạn
Theo Viện Quy hoạch Thủy lợi (Bộ NN&PTNT), năm 2020, khu vực Bắc Trung Bộ đã có 25.870ha bị thiếu nước, diện tích hạn hán, thiếu nước có thể sẽ tăng lên 27.800ha trong thời gian tới.
Hạn hán, thiếu nước còn ảnh hưởng đến vấn đề cấp nước sinh hoạt cho dân sinh, đặc biệt là vùng nông thôn, các vùng ven biển khó khăn về nguồn nước. Điển hình năm 2019 toàn vùng có khoảng 61.150 hộ bị thiếu nước sinh hoạt, trong đó: Nghệ An 10.000 hộ, Hà Tĩnh 2.650 hộ, Quảng Bình 30.000 hộ, Quảng Trị 9.500 hộ, Thừa Thiên Huế 9.000 hộ.
Để tiếp tục tăng cường công tác ứng phó với tình trạng hạn hán, thiếu nước trong vụ Hè Thu, Mùa năm 2020, cần các định hướng giải pháp lâu dài để thích ứng. Trước hết, tăng cường năng lực giám sát, dự báo nguồn nước, xâm nhập mặn, đầu tư lắp đặt thiết bị giám sát tự động để kịp thời thông tin, chủ động triển khai các biện pháp ứng phó phù hợp với từng giai đoạn, nhất là ứng phó với tác động của thời tiết cực đoan.
Viện Quy hoạch Thủy lợi cho rằng, cần cập nhật, điều chỉnh quy hoạch tổng thể, quy hoạch thủy lợi phục vụ chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, thích ứng với biến đổi khí hậu, tình hình hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn; điều chỉnh cơ cấu sản xuất, theo hướng chuyển dịch mùa vụ, cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thủy sản để phù hợp với điều kiện nguồn nước, bảo đảm hiệu quả kinh tế và an sinh xã hội;
Khuyến khích chuyển đổi mạnh cơ cấu cây trồng, đặc biệt vùng không chủ động nguồn nước, thường xuyên xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.
Ngoài ra, đầu tư hạ tầng thủy lợi phục vụ chống hạn gồm nâng cấp, sửa chữa các công trình hư hỏng, xuống cấp. Xây dựng mới các công trình cho vùng khó khăn về nguồn nước, các vùng có nhu cầu, tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội.
Theo kịch bản Biến đổi khí hậu do Bộ TN&MT công bố năm 2016, dự báo mức tăng nhiệt độ trong khu vực Bắc Trung Bộ giai đoạn 2016-2035 trung bình là 0,9 độ, giai đoạn 2045-2065 là 1,9 độ và giai đoạn 2080-2099 là 3,5 độ. Mực nước biển dâng tăng thêm 53-72 cm.
Nhiệt độ tăng sẽ kéo theo bốc hơi lớn, khiến cho lượng nước trong hồ đập, sông suối giảm nhanh và nhu cầu dùng nước trong các khu tưới tăng lên.