Xã hội

Bắc Quang (Hà Giang): Hiệu quả từ đề án cải tạo vườn tạp

Lê Tí 10/04/2024 - 16:21

Thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU, ngày 1/11/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang về Đề án cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ, tạo sinh kế cho người dân, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025, huyện Bắc Quang đã chủ động xây dựng kế hoạch, thành lập các ban, tổ giúp việc để triển khai sâu rộng trong dân, bước đầu đã đem lại hiểu quả nhất định.

Để chủ động thực hiện tốt Đề án, huyện Bắc Quang đã nhanh chóng thành lập Ban chỉ đạo và tổ giúp việc từ huyện đến xã, ban hành quy chế hoạt động và xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai. Đặc biệt chú trọng nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp, vai trò người đứng đầu trong việc chỉ đạo thực hiện phong trào cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế hộ gia đình. Từ đó huy động cả hệ thống chính trị từ huyện đến cấp cơ sở vào cuộc, hướng dẫn, chỉ đạo và cùng người dân, nhất là hộ nghèo, cận nghèo tích cực cải tạo vườn tạp, biến vườn tạp, bỏ hoang hóa trước đây thành vườn cây ăn quả, cây đặc sản… để nâng cao chất lượng cuộc sống.

Đến nay, tổng số hộ thực hiện Đề án cải tạo vườn tạp đạt hơn 400 hộ, trong đó 160 hộ nghèo và cận nghèo được hưởng thụ chính sách (95 hộ cận nghèo, 65 hộ nghèo), đạt 100% so với số hộ đăng ký thực hiện. Số tiền giải ngân đến nay đạt hơn 5 tỷ đồng. Riêng năm 2023 giải ngân 26 hộ, số tiền 780 triệu đồng. Đồng thời, Đề án đã huy động được nguồn vốn xã hội hóa đạt 348 triệu đồng, cộng với 4.344 công lao động của các đoàn thể, tổ chức tham gia hỗ trợ cải tạo vườn tạp.

anh-1-bq.jpg
Nhiều hộ dân thoát nghèo nhờ được vay vốn theo Chương trình mục tiêu giảm nghèo Quốc gia

Theo ông Trần Minh Hữu, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết: Trong năm 2023, Bắc Quang đã có 30 vườn/23 xã, thị trấn đăng ký vườn mẫu, trong đó có 19 vườn (hộ) thuộc đối tượng hộ nghèo và cận nghèo. Tổng diện tích thực hiện 106.661 m2, trong đó diện tích cải tạo trồng cây ăn quả 47.444 m2; trồng cây lương thực 2.580 m2; vườn trồng rau xanh 13.935 m2; diện tích chăn nuôi thủy sản 16.560m2; diện tích quy hoạch làm chuồng trại chăn nuôi 5.596m2; Diện tích cải tại khác (trồng cỏ chăn nuôi, trồng hoa, cây cảnh, cây dược liệu …) 17.156m2.

Ông Hữu cho biết thêm: Ngoài ra, trong quá trình triển khai thực hiện, huyện Bắc Quang chỉ đạo các xã, thị trấn tuyên truyền vận động người dân tự chỉnh trang, quy hoạch không gian sống, quy hoạch khu vực sản xuất, chăn nuôi, khu vệ sinh, trồng hàng rào xanh, xây tường rào… gắn với chương trình phát động “nhà sạch vườn đẹp” được 243 hộ (lũy kế được 1.656 hộ).

Trong quá trình thực hiện Đề án đã xuất hiện nhiều mô hình tập trung như mô hình trồng cây thanh long ở xã Đồng Yên, với diện tích 6,26 ha/25 hộ; Lần đầu tiên mô hình liên kết, lồng ghép nguồn vốn hỗ trợ sản xuất của 3 Chương trình mục tiêu quốc gia để thực hiện gắn với cải tạo vườn tạp: tổng số 125 hộ nghèo, cận nghèo/11 xã; trong đó cải tạo theo hướng liên kết chăn nuôi lợn 48 hộ; liên kết chăn nuôi gà 48 hộ; liên kết chăn nuôi dê 29 hộ. Hay mô hình liên kết trồng cây dược liệu, cây sả Srilanka lấy tinh dầu…

anh-2-bq.jpg
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn thăm mô hình trồng Thanh Long ruột đỏ tại xã Đồng Yên, huyện Bắc Quang

Ngoài ra, từ Đề án đã xuất hiện nhiều hộ điển hình tiên tiến trong làm kinh tế, tự vươn lên thoát nghèo và làm giàu. Điển hình là hộ ông Nguyễn Thành Luân, thôn Kè Nhạn, xã Đồng Yên cải tạo chăn nuôi gà thương phẩm (2.000 con/lứa) gắn với trồng, chăm sóc cây cam. Hộ ông Hoàng Văn Bường, thôn Đồng Kem, xã Đồng Yên đã cải tạo trồng cây Thanh Long ruột đỏ gắn với chăn nuôi thủy sản. Hộ ông Hoàng Văn Ninh, thôn Vĩnh Sơn, xã Vĩnh Hảo tham gia dự án liên kết chăn nuôi lợn hàng hóa theo hướng ATSH (nuôi 10 lợn, 150 con gà và trồng chanh tứ mùa) và hộ ông Trương Văn Trạch, thôn Nậm An, xã Tân Thành phát triển chăn nuôi cá nước lạnh (600 con cá tầm thương phẩm), trồng lá khôi và chăn nuôi lợn bản địa... nhiều hộ gia đình đã có nguồn thu nhập ổn định, có hộ doanh thu đạt trăm triệu đồng/năm.

Theo ông Hà Việt Hưng, Bí thư Huyện ủy, Trưởng ban Chỉ đạo Đề án cải tạo vườn tạp huyện Bắc Quang, cho biết: Ban chỉ đạo và cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn cơ bản đã chủ động, tích cực chỉ đạo và triển khai thực hiện chương trình tại cơ sở; các hộ triển khai thực hiện được khảo sát, lựa chọn kỹ lưỡng, đúng đối tượng, đảm bảo quy mô, đề xuất các hạng mục thực hiện cải tạo phù hợp với điều kiện thực tiễn của hộ; các xã, thị trấn đã huy động được lực lượng cán bộ và nhân dân đông đảo, tích cực tham gia giúp đỡ các hộ thực hiện. Đặc biệt, một số xã chỉ đạo duy trì tốt chất lượng vườn hộ (vườn đạt 3-4 tiêu chí) như Tân Quang, Việt Vinh, Vĩnh Hảo, Đồng Yên, Kim Ngọc, Tân Thành…

Ông Hưng cho biết thêm: Thông qua Đề án, người nông dân từng bước xác định được vai trò chủ thể của mình trong cải tạo vườn tạp, tham gia hưởng ứng mạnh mẽ, nhờ vậy năng suất, chất lượng nhiều loại cây trồng, vật nuôi được nâng lên. Các mô hình hay, cách làm khoa học, sáng tạo được nhân rộng, việc liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm giữa nông dân với các doanh nghiệp có chuyển biến tích cực, tạo điều kiện bao tiêu nông sản và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, cảnh quan môi trường nông thôn có nhiều chuyển biến rõ nét, đời sống tinh thần và vật chất của người dân được cải thiện.

anh-3-bq.jpg
Đoàn thanh niên huyện Bắc Quang tham gia giúp người dân cải tạo vườn tạp

Hiệu quả là vậy, tuy nhiên quá trình triển khai trong dân còn gặp nhiều hạn chế, khó khăn như: Thời tiết khí hậu (mưa nhiều) gây ảnh hưởng đến tiến độ, kết quả thực hiện các hạng mục cải tạo. Nhiều vườn hộ chưa đảm bảo quy hoạch, thiết kế, bố trí một cách khoa học các công trình vệ sinh, hệ thống chuồng trại, hệ thống thoát nước thải; nhiều hộ chưa chú ý trong áp dụng khoa học kỹ thuật thâm canh tăng năng suất.

Ngoài ra, các đối tượng thực hiện Đề án là hộ nghèo, cận nghèo có gia đình ở vị trí địa hình đồi núi, đường đi lại còn khó khăn, vườn diện tích nhỏ, việc lựa chọn các loại cây trồng phù hợp gặp nhiều khó khăn… đã ảnh hưởng đến công tác quy hoạch và chất lượng cải tạo các hạng mục, tiêu chí đánh giá vườn hộ.

Năm 2024, đồng thời là năm thứ 4 thực hiện Đề án cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ, tạo sinh kế cho người dân, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025. Để tiếp tục thực hiện hiệu quả Đề án, Bắc Quang xác định rõ phải duy trì 130 vườn đã đạt 4 tiêu chí và nâng tiêu chí 20 vườn hiện đang đạt 3 tiêu chí, 10 vườn đạt 1-2 tiêu chí đã đánh giá cuối năm 2023 và 34 vườn mới thực hiện cuối năm 2023 đang đợi được đánh giá. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân, chuyển giao công nghệ kỹ thuật trong việc cải tạo vườn, trồng trọt và chăn nuôi gia súc, gia cầm, quan tâm giải quyết việc làm tại chỗ và liên kết vùng sản xuất, liên kết tiêu thụ sản phẩm cho người dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bắc Quang (Hà Giang): Hiệu quả từ đề án cải tạo vườn tạp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO