Chọn danh mục

Bắc Ninh: Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao giúp nông dân thoát nghèo

Việt Anh 24/05/2023 - 14:41

(TN&MT) - Việc ứng dụng rộng rãi khoa học công nghệ cao vào sản xuất, giúp những sản phẩm nông nghiệp tại Bắc Ninh ngày càng nâng cao chất lượng, sản lượng..., qua đó tăng hiệu quả kinh tế, góp phần tích cực vào công tác giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương

Hiệu ứng tích cực từ mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh có nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao được hình thành và khẳng định thương hiệu như: Công ty TNHH xuất nhập khẩu nông sản Hải Phong (Lương Tài); Công ty TNHH rau sạch Ánh Dương (TP Bắc Ninh); HTX rau công nghệ cao Liêm Anh (Việt Đoàn, Tiên Du); HTX dịch vụ nông nghiệp Ngăm Mạc (Lãng Ngâm, Gia Bình); HTX dịch vụ nông nghiệp Đức Lân (Yên Phụ, Yên Phong); HTX chăn nuôi gia cầm Cường Thịnh (Đông Thọ, Yên Phong), trang trại Delco (Nguyệt Đức, Thuận Thành)... Những mô hình này cho thấy, xu hướng sản xuất sạch có sức lan tỏa mạnh mẽ trên khắp các cánh đồng trong tỉnh, khẳng định sự nhạy bén của người nông dân trước xu thế hội nhập.

Toàn tỉnh hiện có 56 cơ sở trồng trọt ứng dụng công nghệ cao, với tổng diện tích 213.450 ha, trong đó sản xuất rau, hoa cao cấp theo công nghệ nhà lưới, nhà màng, nhà kính là 82.860 ha (tăng 75 ha so với năm 2015). Hình thành 7 vùng sản xuất lúa an toàn đạt tiêu chuẩn VietGAP (tăng 6 vùng so năm 2015), với tổng diện tích 150.000 ha; 14 vùng sản xuất rau đã được cấp giấy chứng nhận VietGAP/Giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP (tăng 13 vùng) với tổng diện tích 91.200 ha...

Công nghệ 4.0 được một số cơ sở đầu tư áp dụng vào sản xuất như: Sử dụng thiết bị bay không người lái trong phun thuốc bảo vệ thực vật cho lúa, khoai tây; lắp đặt hệ thống cảm biến điều khiển chế độ dinh dưỡng, tưới nước tự động từ xa cho rau, hoa qua điện thoại thông minh.

Đặc biệt, việc sản xuất rau an toàn được các địa phương của tỉnh Bắc Ninh chú trọng phát triển trong khoảng 5 năm qua. Đến nay, toàn tỉnh có trên 3.000 ha sản xuất rau theo hướng an toàn, chiếm khoảng 1/3 tổng diện tích rau. Nhờ sản xuất khoa học, năng suất bình quân của diện tích rau an toàn đạt hơn 20 tấn/ha, tổng sản lượng đạt khoảng 60.000 tấn, chiếm 25% tổng sản lượng rau toàn tỉnh.

Hợp tác xã sản xuất rau, củ, quả nông sản an toàn Liên Ấp (xã Việt Đoàn, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh) là một trong những "điểm sáng" trong sản xuất, tiêu thụ nông sản của tỉnh. Đáng nói, mô hình này đã giúp cho nhiều hộ nông dân nơi đây phất lên, thoát nghèo bền vững. Hiện, HTX đang canh tác trên tổng diện tích hơn 20 ha, gắn kết được hơn 100 hộ cùng sản xuất các loại rau cải, dưa chuột Nhật, cà chua, hành, tỏi… theo quy trình an toàn.

Đặc biệt, quy trình trồng rau sạch mà HTX Liên Ấp đang áp dụng khá khắt khe, chỉ được dùng phân xanh, phân chuồng đã được ủ hoai mục, nguồn nước sạch, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. So với cách trồng rau truyền thống, trồng rau sạch theo hướng tập trung tuy có nhiều quy định ràng buộc nhưng an toàn với cả người sản xuất và người tiêu dùng, đồng thời mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

Ông Nguyễn Văn Hiệp - Giám đốc HTX Liên Ấp khẳng định: Việc trồng rau màu theo hướng an toàn không chỉ bảo đảm an toàn thực phẩm mà còn tăng năng suất, góp phần nâng cao chất lượng và giá trị nông sản cho nông dân.

Đặc biệt, phương thức sản xuất an toàn từng bước giúp nông dân thay đổi hình thức canh tác cũ, hướng tới nền sản xuất nông nghiệp hiện đại, vì mục tiêu bảo vệ an toàn lao động và sức khỏe cộng đồng.

Điển hình, trước đây khi chưa vào HTX, các hộ nông dân sử dụng máy móc, thiết bị, nông cụ một cách tự phát, không nắm chắc quy trình kỹ thuật, ý thức về an toàn lao động chưa cao nên thường xuyên để xảy ra các tai nạn đáng tiếc như máy cắt cỏ cắt vào tay, máy cày nghiến vào chân,... gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người sản xuất.

Vào HTX, các thành viên HTX Liên Ấp được tập huấn kỹ thuật, trang bị kiến thức và nâng cao ý thức về an toàn lao động, đồng thời nâng cao khả năng xử lý các tình huống bất thường, các sự cố trong quá trình sử dụng máy móc, từ đó các tai nạn được giảm thiểu.

Đặc biệt, để giảm thiểu các rủi ro tai nạn, đảm bảo an toàn lao động trong quá trình canh tác, HTX chủ động trang bị đầy đủ đồ bảo hộ cho thành viên như ủng, găng tay, mũ bảo hiểm chuyên dụng, khẩu trang...

Trong quá trình sản xuất, thành viên viên HTX cũng được tổ chức khám sức khỏe định kỳ, đảm bảo sự tỉnh táo khi làm việc, đặc biệt là trong các khâu đòi hỏi kỹ thuật cao như vận hành máy móc, phun thuốc bảo vệ thực vật sinh học...

Theo Giám đốc Nguyễn Văn Hiệp, phương thức sản xuất an toàn cũng loại bỏ tình trạng lạm dụng phân bón, thuốc trừ sâu hóa học, từ đó giảm thiểu ô nhiểm, bảo vệ sức khỏe cho người sản xuất và cung cấp nguồn thực phẩm sạch cho người tiêu dùng.

"Ngay cả khi sử dụng các loại thuốc trừ sâu sinh học, thành viên HTX vẫn được trang bị đồ bảo hộ như khẩu trang, găng tay, kính mắt... để giảm thiểu tối đa những tác nhân gây ảnh hưởng sức khỏe, tránh các bệnh nghề nghiệp như dị ứng da, đau mắt đỏ", ông Nguyễn Văn Hiệp khẳng định.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ 4.0 vào phát triển nông nghiệp

Có thể thấy, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, đang thực sự là một trong những giải pháp quan trọng đóng góp có hiệu quả, tạo ra chuyển biến mang tính đột phá trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh Bắc Ninh. Tuy nhiên, để phát triển nông nghiệp công nghệ cao cũng có không ít khó khăn, thách thức đang đặt ra như nguồn vốn đầu tư, nguồn nhân lực, đất đai, thị trường tiêu thụ, đặc biệt là cơ chế, chính sách cho nông nghiệp công nghệ cao phát triển…

Theo bà Nguyễn Hương Giang, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh, mấu chốt của phát triển nông nghiệp công nghệ cao, là liên kết để sản xuất và tiêu thụ theo chuỗi. Vì vậy, UBND tỉnh cần đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp số; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, gắn với xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.

Để làm được điều đó, bà Nguyễn Hương Giang cho rằng Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bắc Ninh cần tiếp tục nghiên cứu, gấp rút hoàn thiện, triển khai kế hoạch. Từ đó, góp phần thúc đẩy nông nghiệp công nghệ cao phát triển, tạo động lực đưa kinh tế nông nghiệp Bắc Ninh vươn một lên tầm cao mới.

Đặc biệt, trước mắt, UBND tỉnh Bắc Ninh đang tập trung chú trọng đẩy mạnh việc đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực năng động, nhạy bén, tiếp cận, thích ứng nhanh với công nghệ 4.0. Đồng thời rà soát, quy hoạch và xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn tỉnh đến năm 2035, định hướng đến năm 2050 để hòa cùng nhịp tăng trưởng chung của tỉnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bắc Ninh: Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao giúp nông dân thoát nghèo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO