Xã hội

Bình Lục (Hà Nam): Tái cơ cấu nông nghiệp, nâng cao thu nhập người dân

Việt Linh 30/09/2024 - 22:10

Với tiềm năng đất nông nghiệp khá lớn (trên 9.000ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó, 7.752ha đất trồng lúa), những năm qua, huyện Bình Lục (Hà Nam) đã có nhiều giải pháp, cách làm hiệu quả, hướng tới xây dựng nền nông nghiệp hữu cơ, thân thiện môi trường, phát triển bền vững,

Xung quanh vấn đề này, Phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc trao đổi với ông Trương Công Khải – Bí thư huyện ủy Bình Lục.

z5875163222348_16bef97e8b3e70da7af8ae1becd944a9.jpg
Ông Trương Công Khải - Bí thư huyện ủy Bình Lục

PV: Xin ông cho biết, thời gian qua, công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã được địa phương triển khai như thế nào?

Ông Trương Công Khải:

Phát huy lợi thế về diện tích đất sản xuất nông nghiệp, thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, UBND huyện đã ban hành các Kế hoạch, Đề án để đẩy mạnh cơ cấu lại ngành, phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững, nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu nông nghiệp. Xây dựng cơ chế hỗ trợ thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) để xây dựng nhãn hiệu nông sản trên địa bàn huyện.

Chúng tôi đã triển khai rà soát, quy hoạch các vùng chuyển đổi, đăng ký và xây dựng kế hoạch thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa giai đoạn 2019-2020, định hướng đến năm 2025 theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Thực hiện chủ trương tập trung tích tụ ruộng đất để liên kết sản xuất, phát triển sản xuất theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp xanh, sạch, hữu cơ. Chú trọng đầu tư, tăng tỷ lệ cơ giới hóa vào các khâu trong sản xuất để giảm chi phí.

20231016105943-97nhung3.jpg
UBND huyện đã ban hành các Kế hoạch, Đề án để đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng NTM.

Đồng thời, xây dựng cơ chế, chính sách thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đẩy mạnh tuyên truyền, tăng cường các hoạt động kết nối cung cầu để quảng bá, giới thiệu các sản phẩm OCOP của địa phương. Từng bước thay đổi nhận thức của người dân, doanh nghiệp từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất theo hướng tập trung, theo chuỗi giá trị, tạo việc làm, giảm tỷ lệ lao động nông nghiệp, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, góp phần giảm nghèo bền vững và xây dựng NTM.

PV: Có thể thấy, nhiệm vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã được Bình Lục triển khai đồng bộ, toàn diện trên các mặt. Kết quả cụ thể đến thời điểm này là gì, thưa ông?

Ông Trương Công Khải:

Đến nay, Bình Lục đã chuyển đổi hơn 88ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả; hơn 126 ha đất lúa sang trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản. Duy trì khu nuôi trồng thủy sản tập trung trên địa bàn thị trấn Bình Mỹ với diện tích 85ha.

Tại 17/17 xã, thị trấn đã xây dựng 66 mô hình tập trung ruộng đất liên kết sản xuất với diện tích 675 ha, liên kết với 7 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để trồng cây ăn quả, sản xuất lúa hàng hóa, rau củ quả, trồng rau trồng hoa. Trong đó, 16 mô hình được chứng nhận VietGap với diện tích 89 ha; hình thành 1 dự án sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo chuỗi kết hợp du lịch trải nghiệm tại khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao xã Đồng Du; đang tiếp tục thu hút 2 doanh nghiệp khảo sát, lập dự án, trình UBND tỉnh xin chủ trương đầu tư.

Bên cạnh đó, từ năm 2021 tới nay, Bình Lục đã xây dựng 2 mô hình nhà kính, 9 mô hình nhà màn tại 5 xã, thị trấn; nâng tổng số mô hình nhà kính lên 8 mô hình, 13 mô hình nhà màn để trồng dưa vân lưới, nho, hoa, rau các loại…

nho.jpg
Mô hình trồng nho ứng dụng công nghệ cao ở xã Đồng Du.

Trong chăn nuôi, đã quy hoạch 7 khu chăn nuôi bò thịt, bò sinh sản chất lượng cao tại 7 xã với diện tích hơn 66ha. Hiện, đã quy hoạch chi tiết 4 khu, diện tích gần 40ha, đã thực hiện 13/19 trại bò tại 4 xã.

Đồng thời, nhằm giảm chi phí trong sản xuất, toàn huyện có 1.600 máy cơ giới các loại. Tỷ lệ cơ giới hóa vào các khâu được mở rộng diện tích như làm đất đạt 100%, khâu thu hoạch đạt 98%, khâu gieo trồng đạt 40%.

PV: Được biết, giai đoạn 2021-2025, Hà Nam đang triển khai Đề án Xây dựng mô hình sản xuất cây ăn quả an toàn vùng chuyển đổi đất lúa tỉnh giai đoạn 2021-2025. Đề án này đã và đang được thực hiện tại Bình Lục như thế nào, thưa ông?

Ông Trương Công Khải:

Từ năm 2021, huyện Bình Lục đã tham gia triển khai 1 mô hình trồng Bưởi diễn tại xã An Ninh với diện tích 7,29 ha. Đề án đã hỗ trợ một phần kinh phí vật tư gồm: Phân bón, thuốc BVTV, túi bao quả và cây giống, hỗ trợ kinh phí chứng nhận Vietgap. UBND huyện đã vận động được 94 hộ gia đình tham gia mô hình, giải phóng vườn tạp, thành lập HTX cây ăn quả trồng và chăm sóc để khai thác sản phẩm từ cây bưởi.

Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh, Phòng NN&PTNT huyện đã thường xuyên phân công cán bộ chỉ đạo, hướng dẫn các hộ tham gia quy trình thực hiện từ kỹ thuật trồng, cắt tỉa tạo tán, bón phân, bao quả, phòng trừ sâu bệnh; theo dõi, đánh giá kết quả mô hình.

Nhờ đó, đến nay, cây Bưởi sinh trưởng phát triển tốt, sâu bệnh hại giảm, mẫu quả đẹp, chất lượng cao. Một số diện tích đã và đang cho thu hoạch cho hiệu quả kinh tế cao hơn những năm trước và các vùng trồng bưởi khác, và cao gấp 4-5 lần so với trồng lúa. Góp phần tạo công ăn việc làm ổn định cho lao động địa phương, giảm tỷ lệ hộ nghèo và phục vụ tốt nhu cầu về nông sản sạch cung ứng ra thị trường.

PV: Nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả sản xuất nông nghiệp, tăng giá trị sản xuất trên đơn vị canh tác, nâng cao thu nhập cho người dân, xin ông cho biết những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm mà Bình Lục sẽ tiếp tục triển khai?

Ông Trương Công Khải:

Hiện nay, Bình Lục đang tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây có hiệu quả kinh tế cao và các loại cây trồng, sản phẩm chủ lực; chuyển đổi đất lúa sang nuôi trồng thủy sản kết hợp trồng lúa tại các vùng đã được quy hoạch chuyển đổi theo Kế hoạch của tỉnh, huyện.

20230303140910-57bl.jpg
Thu hút nhiều nhà đầu tư hoạt động, sản xuất trong KCN trên địa bàn huyện.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến trong nuôi trồng thủy sản. Duy trì, nhân rộng, khai thác có hiệu quả các mô hình nuôi cá ứng dụng công nghệ “Sông trong ao”, tập trung phát triển các sản phẩm thủy sản có lợi thế, giá trị kinh tế cao như cá trắm đen, cá chuối hoa….

Trong chăn nuôi, rà soát quy hoạch chăn nuôi để phát triển chăn nuôi tập trung, cơ cấu lại các loại vật nuôi chủ lực như lợn, trâu, bò, gia cầm, thủy cầm... để phát triển phù hợp với từng vùng, địa phương, đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Cùng với đó, phổ biến, nhân rộng các mô hình cơ giới hóa trong các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp một cách hiệu quả, đồng bộ từ khâu gieo trồng, nuôi trồng, chăm sóc, thu hoạch và bảo quản chế biến sản phẩm nông sản. Mở rộng các mô hình: mạ khay máy cấy, phun thuốc bảo vệ thực vật và bón phân qua lá bằng máy bay, sử dụng máy lên luống trước khi gieo trồng.

Nhân rộng các mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao, quan tâm làm tốt công tác xúc tiến đầu tư, thu hút các doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp đầu tư vào khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại xã Đồng Du, thị trấn Bình Mỹ. Nâng cao hiệu quả tuyên truyền, quảng bá, xây dựng thương hiệu sản phẩm, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Tích cực tham gia các cuộc hội thảo, triển lãm, hội chợ do các Bộ ngành trung ương, các tỉnh, thành phố và địa phương tổ chức nhằm quảng bá, giới thiệu các sản phẩm chủ lực, đặc trưng trên địa bàn huyện…

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bình Lục (Hà Nam): Tái cơ cấu nông nghiệp, nâng cao thu nhập người dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO