(TN&MT) – Câu chuyện thật mà như đùa này xảy ra tại tỉnh Bắc Giang khi một Doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường trong quá trình hoạt động đã bị Phó Chủ tịch tỉnh ra Quyết định xử phạt 900 triệu đồng. Tuy nhiên điều kỳ lạ là chỉ sau 3 tháng nhận Quyết định xử phạt thì Doanh nghiệp đã xin giải thể thành công.
Cách đây hai năm, ông Nguyễn Văn Linh - Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang hiện tại đã ra Qyết định xử phạt vi phạm hành chính 900 triệu đồng về bảo vệ môi trường đối với Công ty Đường Tuyết |
Nợ tiền phạt vẫn được phép giải thể
Vừa qua, Báo Tài nguyên & Môi trường đã có nhiều bài viết phản ánh về tình trạng nhiều công ty hoạt động, sản xuất đóng trên địa bàn tỉnh Bắc Giang gây ô nhiễm môi trường bị các cơ quan chức năng kiểm tra và xử phạt hàng tỷ đồng kèm theo các biện pháp khắc phục hậu quả. Tuy nhiên, bên cạnh các doanh nghiệp nghiêm túc thực hiện thì vẫn có một số doanh nghiệp tìm cách lách luật, lẩn trốn trách nhiệm. Một trong số đó là Công ty TNHH Đường Tuyết (có trụ sở tại thôn Mai Phong, xã Mai Trung, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang).
Công ty TNHH Đường Tuyết (Cty Đường Tuyết) hoạt động trong lĩnh vực thu gom, xử lý, tái chế dầu Diezel – loại chất thải nguy hại do ông Ngô Xuân Đường làm Giám đốc. Kể từ khi đi vào hoạt động, nhiều năm liền Công ty này không hề có bất cứ tài liệu nào về bảo vệ môi trường như cam kết đánh giá tác động môi trường. Mỗi năm, Cty Đường Tuyết xử lý, tái chế khoảng 800.000 tấn dầu nhớt thải.
Chính vì vậy, cách đây hai năm, ngày 03/4/2014, Cục Cảnh sát PCTP về môi trường (C49) - Bộ Công an đã bắt quả tang Cty Đường Tuyết có hành vi tự ý xử lý chất thải nguy hại, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng nhưng trong suốt một thời gian dài hoạt động không hề bị xử lý.
Ngay sau đó, ngày 08/5/2014, ông Nguyễn Văn Linh – Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bắc Giang (nay là Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang) thừa ủy quyền điều hành hoạt động của UBND tỉnh đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 550/QĐ-XPVPHC với số tiền xử phạt là 900 triệu đồng.
Ngày 08/5/2014, Công ty TNHH MTV Đường Tuyết bị xử phạt vi phạm hành chính 900 triệu đồng |
Cùng với việc phải nộp phạt 900 triệu đồng vào ngân sách Nhà nước, Cty Đường Tuyết còn bị buộc phải thu gom, thuê đơn vị chức năng xử lý toàn bộ chất thải nguy hại đã phát sinh; cải tạo, hoàn trả lại mặt bằng những khu vực bị ô nhiễm do vi phạm gây ra. Hoạt động tái chế dầu thải của công ty bị đình chỉ từ ngày 08/5/2014 cho đến khi hoàn thiện đầy đủ điều kiện, yêu cầu theo quy định của pháp luật.
Theo ông Ngô Tiến Dũng - PCT UBND huyện Hiệp Hòa, ngay sau khi Chủ tịch UBND tỉnh có quyết định xử phạt Cty Đường Tuyết, UBND huyện đã đôn đốc khắc phục hậu quả và nộp phạt theo quy định. Tuy nhiên, Cty Đường Tuyết chỉ thực hiện một phần nhỏ theo yêu cầu trong Quyết định xử phạt của PCT UBND tỉnh Bắc Giang.
Cụ thể, trong khi chưa nộp hết tiền phạt vào Kho bạc Nhà nước (mới nộp được 50 triệu/ 900 triệu đồng – làm tròn số) thì Giám đốc Cty Đường Tuyết là ông Ngô Xuân Đường đã nhanh chóng làm các thủ tục giải thể Công ty (được Sở KH&ĐT Bắc Giang ra thông báo số 3163/14 đồng ý cho phép giải thể vào ngày 07/8/2014) và xin thành lập một Công ty khác có tên là Công ty TNHH An Lạc Bắc Giang (có trụ sở cùng với địa chỉ của Cty Đường Tuyết). Công ty này chính thức đi vào hoạt động từ ngày 27/6/2014 với ngành nghề thu gom, xử lý rác thải và phế liệu. Theo ông Dũng, hành vi này của Giám đốc Cty Đường Tuyết là nhằm trốn tránh nghĩa vụ nộp phạt cho Nhà nước.
Chính vì vậy, ngày 30/6/2016, ông Nguyễn Văn Linh – Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang (người đã ban hành Quyết định xử phạt Cty Đường Tuyết vào năm 2014) đã phải ban hành Quyết định số 1000/QĐ-THMPQĐXP về việc “Đình chỉ thi hành hình thức phạt tiền” tại Điều 1 của Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 550/QĐ-XPVPHC ngày 08/5/2014 với lý do … Doanh nghiệp đã được Sở KH&ĐT Bắc Giang cho phép giải thể cho dù vẫn còn nợ tiền phạt là 850 triệu đồng (làm tròn số - PV).
Ai có trách nhiệm đi đòi số tiền chậm nộp phạt?
Để làm rõ về việc này, phóng viên đã trao đổi với bà Bùi Thị Bích Thủy – Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Bắc Giang. Bà Thủy cho biết: Doanh nghiệp có quyền làm thủ tục xin giải thể và họ phải cam kết đã hoàn thành tất cả các khoản nợ đọng về thuế cũng như nộp phạt cho các cơ quan Nhà nước. Chính vì vậy, việc Cty Đường Tuyết giải thể nhưng nếu vẫn còn nợ tiền nộp phạt cho nhà nước thì người phải chịu trách nhiệm là ông Giám đốc Công ty chứ không phải chúng tôi. Việc này, Sở KH&ĐT đã có báo cáo lên UBND tỉnh.
Sau gần 2 năm kể từ khi Doanh nghiệp giải thể thành công thì Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang mới ra Quyết định đình chỉ thi hành hình thức phạt tiền |
Còn ông Nguyễn Duy Nam – Trưởng phòng Đăng ký Kinh doanh Sở KH&ĐT Bắc Giang giải thích rằng: Cty Đường Tuyết gây ô nhiễm môi trường và đã bị xử phạt. Sau đó họ có đóng một ít và không còn khả năng chi trả nữa nên xin được xóa nợ. Chính vì vậy, sau khi UBND tỉnh gửi công văn xin ý kiến các ngành và các ngành nhận thấy Cty Đường Tuyết đã nhận thấy khuyết điểm nhưng do gặp khó khăn về tài chính nên cũng có hướng đồng ý cho họ được xóa nợ. Chúng tôi cũng đã có công văn đề nghị không xử phạt Cty Đường Tuyết nữa bởi họ làm gì còn có cái gì (tài sản – PV) mà nộp phạt.
Về việc tại sao UBND tỉnh Bắc Giang đã ban hành Quyết định xử phạt Cty Đường Tuyết nhưng Sở KH&ĐT Bắc Giang vẫn cho phép giải thể trong khi Doanh nghiệp còn nợ 850 triệu đồng thì ông Nam giải thích rằng do Doanh nghiệp làm thủ tục từ trước và lúc đó không biết nên vẫn cho phép họ làm thủ tục giải thể. Còn họ giải thể rồi và xin lập Công ty khác trong khi vẫn còn nợ tiền nộp phạt thì tôi không nắm được.
Nêu quan điểm về việc này, ông Vũ Văn Tưởng, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Bắc Giang cho biết: “Sở cũng đã thành lập nhiều đoàn công tác tích cực kiểm tra, đôn đốc nhắc nhở các doanh nghiệp, cơ sở vi phạm trong lĩnh vực môi trường khắc phục ngay hậu quả và nộp phạt vi phạm hành chính đúng thời gian quy định. Tuy nhiên, không phải cơ sở nào cũng chấp hành”.
Sở KH&ĐT tỉnh Bắc Giang, nơi để xảy ra việc Doanh nghiệp đang nợ tiền nộp phạt nhưng vẫn giải thể thành công và điềm nhiên lập Doanh nghiệp mới |
Phân tích về mặt thời hiệu ra Quyết định thi hành một phần quyết định xử phạt vi phạm hành chính của Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang. Luật sư Vi Văn Diện (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng: Việc Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang ban hành văn bản Đình chỉ thi hành hình thức phạt tiền đối với doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường sau hơn 2 năm kể từ khi ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Cty Đường Tuyết là quá chậm, trái với quy định của pháp luật, có dấu hiệu buông lỏng quản lý, bao che cho cấp dưới không làm tròn trách nhiệm.
Cụ thể, tại Điều 9, Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ban hành ngày 19/7/2013 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính nêu rõ: Trường hợp tổ chức bị xử phạt giải thể, phá sản theo quy định tại Điều 75 Luật Xử lý vi phạm hành chính, mà quyết định xử phạt vẫn còn thời hiệu thi hành, thì người đã ra quyết định xử phạt phải ra quyết định thi hành một phần quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày tổ chức bị xử phạt giải thể, phá sản được ghi trong quyết định giải thể, phá sản.
Nếu Doanh nghiệp nào cũng giải thể thành công sau khi nhận Quyết định xử phạt vi phạm hành chính với lí do khó khăn về tài chính và được cơ quan quản lý nhà nước “tạo điều kiện” miễn nộp phạt trong khi điềm nhiên mở Công ty mới như trường hợp Cty Đường Tuyết thì sẽ tạo ra một môi trường cạnh tranh không lành mạnh. Các Doanh nghiệp làm ăn chân chính sẽ mất niềm tin vào sự nghiêm minh của pháp luật cũng như chính quyền nơi đây. Nhìn nhận rộng hơn thì điều này sẽ tạo tiền lệ xấu và ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn thu của ngân sách. Theo tôi, việc này phải có người chịu trách nhiệm cụ thể chứ không thể "hòa cả làng" như vậy được.
Ngoài ra, để ngăn chặn việc này, Sở Kế hoạch và Đầu tư nên có sự phối hợp đồng bộ với các cơ quan khác và chỉ cho phép chủ doanh nghiệp phải hoàn thành đầy đủ nghĩa vụ nộp phạt vi phạm pháp luật về môi trường (nếu có) thì mới cho phép họ thành lập Doanh nghiệp mới. Nếu các Doanh nghiệp vi phạm thời gian nộp tiền phạt, cơ quan ra quyết định xử phạt cần tổ chức cưỡng chế thi hành quyết định theo Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 để bảo đảm sự nghiêm minh của pháp luật.
Như vậy có thể thấy, việc để cho một Doanh nghiệp hoạt động gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng suốt nhiều năm liền nhưng đến khi có Quyết định xử phạt thì lại để cho Giám đốc Doanh nghiệp xin giải thể thành công trong khi vẫn nợ tiền nộp phạt và điềm nhiên thành lập Doanh nghiệp mới ngay chính tại địa chỉ của Doanh nghiệp đã giải thể là những dấu hỏi lớn không dễ gì giải đáp.
Không những vậy, sau đó Doanh nghiệp còn được ưu ái đình chỉ thi hành hình thức phạt tiền với lí do "đã giải thể". Vậy phải chăng có điều gì uẩn khúc ở đây và "ai sẽ là người chịu trách nhiệm" trong việc này?.
Câu trả lời xin dành cho các cơ quan chức năng tỉnh Bắc Giang.
Điều 86, Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quy định các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính bao gồm: Khấu trừ tiền từ tài khoản của tổ chức, cá nhân vi phạm; kê biên tài sản có giá trị tương ứng với số tiền phạt để bán đấu giá; thu tiền, tài sản khác của đối tượng bị cưỡng chế đang giữ sau khi vi phạm cố tình tẩu tán... |
Lê Doãn Hưng