Kiểm soát chặt nguồn thải
Theo Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, hiện tại, lượng CTNH phát sinh trên địa bàn tỉnh khoảng 204 tấn/ngày. Trong đó, gồm có chất thải dầu thô từ việc làm sạch tàu chở dầu; chất thải có lẫn dầu từ hoạt động dầu khí; chất thải có lẫn dầu từ hoạt động cảng biển và vận tải đường thủy; chất thải độc hại từ các nhà máy và xí nghiệp trong các khu công nghiệp. Trong đó, CTNH của ngành dầu khí chiếm tỷ trọng lớn 86,27% đang được thu gom, chuyển giao cho 7 đơn vị xử lý.
Các nhà máy xử lý CTNH xây dựng ở Khu xử lý chất thải tập trung Tóc Tiên, thị xã Phú Mỹ đều có cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, công nghệ, phương tiện và trang thiết bị chuyên dụng trong hoạt động thu gom, xử lý và tái chế CTNH khép kín, trong đó có nhà máy đã xử dụng lò đốt FSI-500, công suất 500kg/giờ với công nghệ đốt hiện đại. Bên cạnh đó, một phần khối lượng CTNH được các đơn vị chuyển về tỉnh Bình Dương, TP.HCM để xử lý.
Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tăng cường kiểm tra hoạt động bảo vệ môi trường của các cơ sở có phát sinh nguồn phát thải lớn |
Song song đó, trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu mỗi năm phát sinh khoảng hơn 100 nghìn tấn bụi lò thép. Hiện nay, số lượng bụi lò thép được thu gom, chuyển cho Công ty Cổ phần Kim loại màu Việt Bắc tại tỉnh Thái Nguyên, Công ty TNHH Khai thác chế biến xuất nhập khẩu khoáng sản Việt Nam tại tỉnh Hải Dương, Công ty TNHH Sia City Cement Việt Nam tại tỉnh Kiên Giang xử lý. Đồng thời, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu còn cấp phép cho nhà đầu tư ZinCox Resources PLC để thực hiện dự án xử lý bụi lò thép tại Khu công nghiệp Phú Mỹ 3 tại thị xã Phú Mỹ.
Dự án xử lý, tái chế bụi lò thép của Công ty Zincox có tổng công suất thiết kế 100.000 tấn/năm. Sản phẩm đầu ra chính là ô-xit kẽm và gang; chì, bạc tinh chế và xỉ dùng cho xi măng. Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 115 triệu USD (tương đương 2.300 tỷ đồng). Công nghệ xử lý của dự án là công nghệ lò đáy quay (RHF). Đây là công nghệ mới, tiên tiến nhất trên thế giới hiện nay trong xử lý bụi lò thép.
Ông Đặng Sơn Hải, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho rằng: Tốc độ công nghiệp hóa ngày càng phát triển hiện đang là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến phát sinh các nguồn gây ô nhiễm môi trường. Trước thực trạng nêu trên, ngoài việc chủ động rà soát, tham mưu UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường; tham mưu UBND tỉnh chú trọng kêu gọi các nhà đầu tư có công nghệ xử lý CTNH hiện đại; Sở TN&MT còn phối hợp chặt chẽ các Sở, ban, ngành và các địa phương đẩy mạnh việc kiểm soát nguồn thải có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường ở các khu vực tập trung nguồn thải; tăng cường quản lý chất thải rắn thông thường, CTNH... trên địa bàn tỉnh.
Triển khai nhiều giải pháp
Ông Đặng Sơn Hải, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho hay: Năm 2021, để triển khai có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 cũng như kiểm soát tốt công tác quản lý và xử lý chất thải phát sinh trong phòng, chống dịch; UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã giao cho Sở TN&MT tăng cường theo dõi, cập nhật danh sách các cơ sở xử lý CTNH có chức năng xử lý chất thải y tế đã được Bộ TN&MT cấp phép để hướng dẫn các cơ sở y tế, khu điều trị và chăm sóc bệnh nhân, khu vực cách ly trên địa bàn tỉnh thực hiện thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải trong phòng, chống dịch bảo đảm đúng quy định.
Đồng thời, Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu còn yêu cầu các cơ sở xử lý CTNH có chức năng xử lý chất thải y tế trên địa bàn tỉnh cần tích cực phối hợp, hỗ trợ việc xử lý chất thải y tế phát sinh từ các cơ sở y tế, khu điều trị và chăm sóc bệnh nhân, khu vực cách ly theo quy định, bảo đảm không làm phát tán mầm bệnh ra ngoài môi trường. Trong đó, việc thu gom, vận chuyển, xử lý phải được thực hiện theo quy định về quản lý chất thải y tế và quản lý CTNH.
Việc phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải phát sinh do dịch Covid-19 đã được thực hiện nghiêm theo quy định |
Cũng theo ông Đặng Sơn Hải, để tiếp tục nâng cao hiệu công tác quản lý và xử lý CTNH, góp phần cải thiện chất lượng môi trường, đảm bảo sức khỏe cộng đồng, góp phần vào sự phát triển bền vững của tỉnh, Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có Văn bản đề nghị Ban Quản lý Khu công nghiệp và UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện rà soát, tổng hợp danh sách các cơ sở sản xuất có phát sinh CTNH nằm ngoài danh sách các cơ sở đã được cấp sổ chủ nguồn thải CTNH; hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực hiện thu gom, lưu giữ và chuyển giao cho các cơ sở đã được cấp phép xử lý CTNH theo đúng quy định.
Bên cạnh đó, Sở TN&MT tiếp tục tăng cường hướng dẫn các cơ sở, dự án thực hiện các thủ tục về môi trường; tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các công trình bảo vệ môi trường để kịp thời phát hiện và tham mưu xử lý những vi phạm thuộc lĩnh vực quản lý. Đồng thời, phối hợp với các Sở, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ môi trường tới toàn thể cộng đồng nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mỗi cá nhân, doanh nghiệp trong việc thực hiện thu gom, lưu giữ và chuyển giao CTNH theo đúng quy định, góp phần giảm thiểu phát sinh, thúc đẩy việc tái chế, thu hồi năng lượng và giảm thiểu tối đa nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
Cùng với đó, Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ phối hợp với các Sở, ngành chức năng nghiên cứu đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ sạch, thân thiện với môi trường; đồng thời, tiếp tục thực hiện mục tiêu thu hút đầu tư có chọn lọc; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện Luật Bảo vệ môi trường đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh, các khu công nghiệp và các khu du lịch; xử phạt nghiêm những cơ sở, doanh nghiệp vi phạm về xả thải ảnh hưởng đến môi trường theo quy định...
Ông Đặng Sơn Hải, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết: Đến nay, tỷ lệ chất thải rắn phát sinh trên địa bàn tỉnh đã được thu gom, xử lý đạt tiêu chuẩn quốc gia. Trong đó, chất thải công nghiệp thông thường đạt 100%; chất thải rắn sinh hoạt đô thị đạt 95%; chất thải y tế nguy hại đạt 100%; CTNH cũng được xử lý đạt tiêu chuẩn quốc gia đạt 100%.