Nhiều điểm “nóng” môi trường
Theo báo cáo của Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, hiện nay, việc kiểm soát các nguồn nước thải, khí thải tại địa phương còn nhiều hạn chế, bị động, dẫn đến việc các doanh nghiệp, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ xả thải không đúng quy định, gây ô nhiễm môi trường.
Điển hình là Khu xử lý chất thải tập trung 100 hecta Tóc Tiên ở huyện Tân Thành nhiều năm nay luôn là điểm nóng về ô nhiễm môi trường. Cụ thể, khu xử lý chất thải tập trung 100 hecta Tóc Tiên, hiện có 13 dự án đã được UBND tỉnh cấp phép đầu tư, trong đó 7 dự án đã đi vào hoạt động. Tuy nhiên, sau khi đi vào hoạt động, nhiều doanh nghiệp không chấp hành tốt các quy định về bảo vệ môi trường. Không chỉ không che đậy hoặc chôn lấp chất thải không đúng quy đinh, mà nhiều doanh nghiệp đã có hoạt động xả thải trộm chưa qua xử lý ra môi trường khiến người dân vô cùng bức xúc.
1. Rác thu gom xếp đống bên vệ đường nhiều ngày chưa được xử lý tại khu chôn lấp tạm 15 hecta Tóc Tiên, Tân Thành |
Mặc dù đi vào hoạt động được một thời gian, nhưng ngành chức năng phát hiện và xử lý nhiều vụ xả thải trộm như vào đầu tháng 10/2015, Cảnh sát môi trường, công an tỉnh phát hiện nhà máy xử lý chất thải hầm cầu của công ty TNHH Đại Nam xả thải chưa qua xử lý ra môi trường. Ngày 11/8/2016, Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh lại phát hiện công ty CP môi trường Sao Việt xả thải ra môi trường không qua xử lý và lưu giữ chất thải không đúng quy định. Tiếp đó, vào ngày 22/10/2016, lực lượng chức năng phát hiện sự cố vỡ bờ bao hố chứa bùn nạo vét của công ty TNHH Thoát nước và phát triển đô thị tỉnh do mưa lớn… Bên cạnh đó, toàn bộ khu xử lý lại không có hệ thống xử lý nước thải tập trung nên vấn đề ô nhiễm môi trường ở khu vực này càng trở nên trầm trọng. Kết quả quan trắc của Trung tâm quan trắc môi trường của tỉnh thì nguồn nước mặt và nước ngầm tại khu xử lý chất thải tập trung Tóc Tiên huyện Tân Thành hiện đã và đang có dấu hiệu bị ô nhiễm.
Ngoài ra, việc xử lý chất thải không đúng quy trình khiến môi trường nhiều khu vực chăn nuôi bị ô nhiễm nghiêm trọng, đặc biệt là ở các địa phương có mật độ chăn nuôi cao như Xuyên Mộc, Châu Đức, Tân Thành... Toàn tỉnh hiện có khoảng 665 cơ sở chăn nuôi heo (quy mô từ 50 con heo trở lên), lượng nước thải phát sinh trung bình khoảng 2.650 m³/ ngày đêm, trong đó qua hệ thống xử lý, chủ yếu bằng hệ thống biogas khoảng 1.610 m³/ ngày (61%), chưa xử lý (chủ yếu sử dụng ao chứ, lắng lọc sơ bộ) khoảng 1.041 m³/ ngày (39%). Mặc dù tỉnh đã có quy hoạch phát triển ngành chăn nuôi đến 2020, song hiện nay một số sơ sở chăn nuôi không đúng quy hoạch; nhiều cơ sở chăn nuôi quy mô nhỏ hoạt động từ lâu trong khu dân cư, chưa đầu tư công trình xử lý nước thải đúng quy định, đang gây ô nhiễm môi trường…
Chậm xử lý
Thời gian qua, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã chỉ đạo các sở ngành liên quan phải khẩn trương triển khai đồng bộ các giải pháp để cải thiện, ngăn ngừa ô nhiễm tại các khu vực này nhằm tạo môi trường thân thiện cho người dân. Theo đó, đối với khu xử lý chất thải tập trung 100 hecta Tóc Tiên ở huyện Tân Thành, các ngành, địa phương liên quan phải tập trung thực hiện các giải pháp như: Cung cấp nước sạch cho các hộ dân đang sử dụng nước giếng tại ấp Suối Tre, xã Châu Pha; Đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung cho khu 100 hecta; Cải tạo, phục hồi môi trường bãi chôn lấp tạm 15 hecta; Giám sát hoạt động xả thải của các nhà máy trong khu vực; Giám sát chất lượng môi trường không khí xung quanh; Yêu cầu Công ty thực hiện các giải pháp để hạn chế mùi hôi phát sinh từ Bãi chôn lấp rác thải sinh hoạt như: tăng cường phun chế phẩm khử mùi, lấp đất, che phủ bạt lên bãi rác hằng ngày…
2. Rác không được chôn lấp hợp vệ sinh khu chôn lấp tạm 15 hecta Tóc Tiên, Tân Thành |
Còn đối với xử lý chất thải của cơ sở chăn nuôi, UBND tỉnh đã giao ngành chức năng khảo sát đánh giá lại thực trạng chăn nuôi, để điều chỉnh quy hoạch cho hợp lý, di dời các trang trại, hộ chăn nuôi ra khỏi nội thành, nội thị đúng theo quy hoạch, đảm bảo việc chăn nuôi không gây ô nhiễm môi trường, không làm ảnh hưởng đến các hồ cấp nước của tỉnh.
Tuy nhiên, theo Sở TNMT, đến nay việc xử lý các điểm “nóng” môi trường trên còn chậm và chưa đạt hiệu quả. Nguyên nhân là do một số các cơ sở chăn nuôi nằm vùng sâu, xa, hoặc gần khu vực hồ khai thác nước cấp sinh hoạt hoặc có vị trí thượng nguồn các khu vực nguồn nước nhưng không thực hiện các quy định pháp luật về môi trường, tài nguyên nước. Việc ngưng hoạt động do chưa hoàn thành các công trình đảm bảo bảo vệ môi trường đối với các cơ sở này vẫn còn khó khăn. Ngoài ra còn một số trang trại chăn nuôi có lịch sử lâu dài, khi phát triển xã hội thì vị trí của trang trại nằm trong khu đô thị (DNTN Hưng Việt ...), tuy nhiên vẫn chưa có biện pháp, quỹ đất hỗ trợ di dời.
Bên cạnh đó, năng lực thực thi nhiệm vụ quản lý nhà nước về môi trường các cấp chưa đáp ứng nhiệm vụ thực tiễn đặt ra, công tác hậu kiểm, xử lý các vi phạm về bảo vệ môi trường hiện còn hạn chế; chưa kiên quyết xử lý triệt để nhưng vi phạm phát sinh trong việc sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường...
Linh Nga