Thế giới

ASEAN phát triển vì tương lai bền vững: Việt Nam, Singapore và nỗ lực giảm phát thải

Mai Đan 26/06/2024 - 12:36

(TN&MT) - Theo báo cáo Nền kinh tế xanh của Đông Nam Á năm 2024, ASEAN đã ghi nhận mức tăng 20% về các khoản đầu tư xanh vào năm 2023, và 8 trong số 10 quốc gia thành viên đã đặt mục tiêu phát thải ròng bằng 0. Trong đó, Singapore và Việt Nam đạt được nhiều tiến bộ nhất trong việc giảm phát thải khí nhà kính trong năm qua.

Báo cáo Nền kinh tế xanh của Đông Nam Á năm 2024 do Ngân hàng Standard Chartered hợp tác với Bain & Company, GenZero và Temasek phát triển. Thông tin trên được công bố trong bài viết của ông Patrick Lee, Giám đốc điều hành khu vực Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Singapore của Ngân hàng Standard Chartered, vừa được đăng tải trên Tạp chí The Business Times.

ASEAN đẩy nhanh tiến trình hành động vì khí hậu

ASEAN là nơi tiêu thụ năng lượng lớn thứ tư trên thế giới, và là nơi sinh sống của 1/10 dân số toàn cầu; đồng thời có vai trò quan trọng trong các nỗ lực toàn cầu nhằm giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.

Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cho biết, trong 20 năm qua, nhu cầu năng lượng ở ASEAN đã tăng 3% mỗi năm và sẽ tiếp tục tăng cho đến năm 2030. Để đẩy nhanh chương trình nghị sự về mức phát thải ròng bằng 0, việc sản xuất năng lượng tái tạo cần phải bắt kịp và cần nhiều vốn hơn để tài trợ cho quá trình chuyển đổi năng lượng.

a65bcde5c2aba1125a29c096210de4d62838c46cd9273f829d1b448ef4c0ea60.jpg
Trong số các quốc gia ASEAN đặt mục tiêu không phát thải khí nhà kính, Singapore và Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ nhất trong việc giảm phát thải khí nhà kính trong năm 2023

Tuy vậy, trong bối cảnh khu vực này phải đối mặt với những tác động thực tế và hiện tại của tình trạng biến đổi khí hậu, rủi ro ở mức cao. Các thị trường đa dạng của ASEAN có những ưu tiên và thế mạnh khác nhau. Nhưng điểm chung là mục tiêu và quyết tâm, cũng như sự cần thiết phải cân bằng tăng trưởng và chi phí của quá trình chuyển đổi xanh và bền vững.

Điển hình, Singapore là một quốc gia tiên phong trong lĩnh vực tài chính xanh đổi mới sáng tạo; chính phủ Việt Nam đang có động thái rõ ràng hướng tới năng lượng tái tạo; Indonesia dự kiến ngừng hoạt động sớm các nhà máy nhiệt điện than; và Malaysia đang hướng dẫn các tổ chức trong lĩnh vực tài chính phát triển các nguyên tắc phân loại và tiến bộ trong các sáng kiến về rủi ro khí hậu…

Bên cạnh đó, một số quốc gia đang thảo luận về một mạng lưới năng lượng xanh xuyên biên giới đầy tiềm năng. Với những mục tiêu như vậy, lợi ích từ hợp tác khu vực có thể rất lớn. Vào năm 2030, 6 triệu việc làm mới có thể được tạo ra, với các khoản đầu tư xanh lên tới 2 nghìn tỷ USD trong khu vực.

Theo báo cáo Nền kinh tế xanh của Đông Nam Á năm 2024, có 5 yếu tố có thể giúp ASEAN đẩy nhanh tiến trình hành động vì khí hậu. Trong số đó, ông Patrick Lee nhấn mạnh 2 yếu tố là các cơ chế tài chính đổi mới sáng tạo và hợp tác khu vực.

Kết hợp đổi mới và tài chính vì tương lai xanh

Theo báo cáo, ASEAN cần thêm 1,5 nghìn tỷ USD để hỗ trợ quá trình chuyển đổi xanh. Mở rộng quy mô các cơ chế tài chính đổi mới sáng tạo, chẳng hạn như tài chính hỗn hợp, tín dụng carbon và tài trợ dự án sẽ đóng vai trò rất quan trọng.

Trong đó, tài chính hỗn hợp thúc đẩy nguồn vốn xúc tác để giảm thiểu rủi ro cho các dự án và giảm chi phí vốn, thu hút thêm nguồn vốn từ khu vực tư nhân. Ví dụ, Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) để loại bỏ nhiên liệu hóa thạch và đầu tư vào năng lượng tái tạo.

Ông Patrick Lee cho biết: “Cùng với các đối tác JETP của chúng tôi, bao gồm các chính phủ và các cơ quan tiền tệ, cũng như các nhà tài trợ khu vực tư nhân, chúng tôi đã cam kết tổng cộng 15,5 tỷ USD để hỗ trợ quá trình chuyển đổi năng lượng của Việt Nam, và 20 tỷ USD để giúp Indonesia loại bỏ dần năng lượng than và đầu tư vào cơ sở hạ tầng năng lượng tái tạo”.

Bằng cách mở rộng quy mô vốn ưu đãi và các nguồn hỗ trợ khác, nguồn tài chính hỗn hợp có thể lên tới 20 tỷ USD mỗi năm cho các cơ hội khử carbon ở ASEAN, nếu một cách tiếp cận chung được phát triển cho khu vực.

Ưu tiên hiện nay là mở rộng quy mô tài chính hỗn hợp ra ngoài các dự án đơn lẻ. Để nhân rộng các cấu trúc tài chính hỗn hợp, cần phát triển một khuôn khổ để bao gồm các hình thức vốn xúc tác khác nhau, kết hợp đầu tư với các dự án phù hợp và thu hút vốn thương mại một cách đúng đắn.

Hệ sinh thái này sẽ bao gồm khu vực công và tư nhân, được hỗ trợ bởi các chính sách và quy định dài hạn hiệu quả, nhằm đơn giản hóa chương trình nghị sự khử carbon cho các nhà đầu tư.

Nỗ lực chung hành động vì khí hậu

Ngoài đóng góp tài chính, Singapore còn rất phù hợp với vai trò là “siêu kết nối” giữa ASEAN và thế giới nhờ thế mạnh trong việc lập kế hoạch dài hạn và xây dựng sự đồng thuận.

Ví dụ của Singapore cho thấy sự hợp tác là rất quan trọng: việc xây dựng khả năng phục hồi trước biến đổi khí hậu không chỉ dừng lại ở hành động đơn lẻ. Còn nhiều điều có thể đạt được nhờ những nỗ lực tập thể, trên khắp ASEAN và những khu vực còn lại trên thế giới, cũng như giữa khu vực công và tư nhân. Điều đó cũng cho thấy vai trò của các tổ chức tài chính là then chốt.

Để các dự án hợp tác phát huy được tiềm năng, một cách tiếp cận thống nhất đóng vai trò rất quan trọng. Điều này sẽ bao gồm các tiêu chuẩn, chính sách khuyến khích và công bố thông tin mà tất cả các thị trường trong ASEAN và trên toàn cầu có thể áp dụng và tuân theo.

“Các bên liên quan trên khắp ASEAN hiểu tầm quan trọng của chương trình nghị sự về khí hậu và đang lên kế hoạch cho các cam kết và đầu tư để đạt được một tương lai bền vững. Nhưng đồng thời, chúng ta phải nhận ra những thách thức phía trước. Hành động ngay bây giờ và hợp tác để tạo động lực sẽ mang lại cơ hội tốt nhất để đạt được các mục tiêu về khí hậu”, ông Patrick Lee nhấn mạnh.

Theo Tổng hợp từ The Business Times
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
ASEAN phát triển vì tương lai bền vững: Việt Nam, Singapore và nỗ lực giảm phát thải
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO