An toàn lao động tại các làng nghề: Sớm có giải pháp thiết thực

23/01/2018 11:28

Kết quả khảo sát về an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) tại 5 làng nghề của 2 tỉnh Hưng Yên và Phú Thọ do Cục An toàn lao động, Bộ LĐ, TB - XH phối hợp với Tổ chức Lao động Quốc tế tại Việt Nam (ILO) công bố cuối năm 2017 cho thấy, các làng nghề đã có cải thiện điều kiện làm việc từ thủ công sang sử dụng máy, thiết bị. Tuy nhiên, môi trường lao động chật hẹp, tình trạng ô nhiễm còn nhiều; người lao động hầu như không được trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân; chưa được huấn luyện, thiếu kiến thức về ATVSLĐ.

Quy trình bỏ ngỏ

Để bảo đảm an toàn cho người lao động khu vực phi chính thức, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách như tại Điều 140, 141, 142, 143, 144, 145 Bộ luật Lao động 2012 và các Điều 19, 24, 26, 27, 38, 39 Luật An toàn vệ sinh lao động 2015… quy định, người sử dụng lao động phải có trách nhiệm từ việc sơ cứu, điều trị, trợ cấp cho người lao động bị tai nạn lao động, bị bệnh nghề nghiệp, đến việc bố trí công việc phù hợp với sức khỏe của người lao động sau khi đã được điều trị... Những quy định này là rất cần thiết, không chỉ nhằm giảm bớt khó khăn cho người lao động khi rơi vào hoàn cảnh bị bệnh nghề nghiệp, bị tai nạn lao động mà còn nhằm tăng trách nhiệm của người sử dụng lao động trong việc bảo đảm ATVSLĐ ở đơn vị mình. Tuy nhiên, thực tế ở các làng nghề cho thấy, để tiết kiệm chi phí, thu nhiều lợi nhuận, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh không quan tâm đến việc thực hiện các quy định về bảo đảm sức khỏe cho người lao động.

lang nghe
Bảo đảm an toàn lao động tại các làng nghề vẫn còn bị bỏ ngỏ

Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, máy móc sử dụng trong sản xuất tại các làng nghề phần lớn không bảo đảm an toàn, không có tài liệu kỹ thuật để hướng dẫn vận hành thiết bị...; gần 80% các khâu trong dây chuyền người lao động phải làm việc trong điều kiện nặng nhọc, vất vả; không được trang bị hoặc trang bị không đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân và bản thân họ cũng không quan tâm đến việc tự bảo vệ mình... Trong khi đó, chế độ đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thuộc trách nhiệm của người sử dụng lao động rất khó thực hiện.

Báo cáo điều tra, khảo sát thực trạng ATVSLĐ tại các làng nghề, Phó Chủ tịch Hội ATVSLĐ Việt Nam Vũ Như Văn cho biết: Qua khảo sát tại các làng nghề của 2 tỉnh Hưng Yên và Phú Thọ cho thấy, hầu hết lao động trẻ từ 18 - 24 tuổi chưa tham gia lớp tập huấn về bảo đảm an toàn lao động; hầu hết kỹ năng nghề là “cha truyền con nối” nên rất bất cập trong quy trình sản xuất, môi trường nơi làm việc. Chính vì vậy, người lao động hầu như không được trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân; chưa được huấn luyện về ATVSLĐ, thiếu kiến thức về lĩnh vực này.

Tăng cường giám sát, thanh tra

Hiện nay, dù chưa có thống kê số vụ TNLĐ tại các làng nghề truyền thống nhưng theo Bộ LĐ, TB - XH, hiện cả nước có trên 5.000 làng nghề, giúp tạo việc làm, thúc đẩy phát triển kinh tế, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn lao động và sức khỏe như: Ý thức kỷ luật, tuân thủ pháp luật thấp thấp trong khi đó công nghệ sản xuất lạc hậu, điều kiện lao động nhiều rủi ro, công tác ATVSLĐ chưa được quan tâm… nên đây là khu vực tiềm ần nhiều rủi ro dẫn đến tai nạn lao động.

Để bảo đảm ATVSLĐ tại các làng nghề, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng LĐ, TB - XH huyện Đan Phượng Nguyễn Văn Bình cho rằng, các cơ quan chức năng cần thường xuyên tổ chức tập huấn về an toàn, vệ sinh lao động; đồng thời có chế tài xử lý đủ mạnh đối với các trường hợp vi phạm. Bên cạnh đó, công tác kiểm tra ATVSLĐ; phòng, chống cháy nổ phải được tiến hành trước khi các cơ sở sản xuất hoạt động. Hơn nữa, cần tuyên truyền để người lao động nâng cao ý thức chủ động phòng, tránh tai nạn bằng những biện pháp hỗ trợ cần thiết.

Về vấn đề này, Phó Cục trưởng Cục An toàn lao động, Bộ LĐ, TB - XH Nguyễn Anh Thơ cũng cho rằng, Luật An toàn vệ sinh lao động có hiệu lực từ 1.7.2016 quy định mở rộng đối tượng bảo đảm an toàn lao động khu vực phi chính thức. Do đó, việc xây dựng tài liệu tập huấn và mở rộng các lớp tập huấn tại các làng nghề sẽ là trọng tâm trong thời gian tới do đây là những nơi tiềm ẩn nguy cơ cao về mất an toàn lao động.

 Đánh giá về hoạt động của các làng nghề, Cục Kiểm soát ô nhiễm, Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường nêu rõ, 72% làng nghề có quy mô sản xuất nhỏ, khó kiểm soát, chủ yếu là quy mô hộ gia đình, mặt bằng sản xuất chật hẹp, xen kẽ với khu vực sinh hoạt. Quy trình sản xuất thô sơ, tiêu hao năng lượng lớn, tận dụng nhiều sức lao động trình độ thấp. Đáng lo ngại, hầu hết các địa phương chưa chú trọng việc quản lý và bảo vệ môi trường làng nghề.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
An toàn lao động tại các làng nghề: Sớm có giải pháp thiết thực
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO