An toàn cho dân trước thiên tai là ưu tiên hàng đầu của Quảng Trị
(TN&MT) - Trước tình hình thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp, nhất là mùa mưa bão gần đến, tỉnh Quảng Trị đã và đang triển khai nhiều biện pháp và xây dựng các kịch bản ứng phó kịp thời, hiệu quả. Để rõ hơn về vấn đề này, PV Báo TN&MT có cuộc trao đổi với ông Hồ Xuân Hòe - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Trị.
PV: Xin ông cho biết tình hình thiên tai những năm gần đây trên địa bàn tỉnh?
Ông Hồ Xuân Hòe: Những năm gần đây, tình hình thiên tai, thời tiết cả nước cũng như trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có nhiều diễn biến bất thường và trái quy luật; loại hình thiên tai xảy ra phổ biến ở tỉnh là bão, mưa lớn, ngập lụt, sạt lở đất, dông, lốc sét, hạn hán. Điển hình như năm 2020 xảy ra liên tiếp đợt mưa lũ lịch sử và dồn dập, trong đó có vụ sạt lở đất nghiêm trọng tại Đoàn Kinh tế Quốc phòng 337 (xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa). Năm này, thiên tai trên địa bàn đã làm 53 người bị chết, 46 người bị thương.
Riêng năm 2022, tỉnh chịu ảnh hưởng của hơn 50 đợt thiên tai các loại, đáng chú ý là đợt mưa lũ cực đoan, dị thường từ ngày 31/3 đến 2/4 và các đợt mưa lũ do bão số 4, số 5 gây thiệt hại nặng nề cho sản xuất nông nghiệp, nhiều vùng sản xuất trọng điểm của tỉnh hầu như mất trắng, thiệt hại về người và một số cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi thiết yếu làm ảnh hưởng lớn đến đời sống, sinh hoạt của người dân và phát triển kinh tế xã hội tại địa phương. Thiên tai năm 2022 đã làm 22 người vong, tổng thiệt hại kinh tế trên 1.170 tỷ đồng.
PV: Để ứng phó thiên tai, nhất là mưa bão, thời gian tới, tỉnh đã và đang triển khai những biện pháp nào, thưa ông?
Ông Hồ Xuân Hòe: Xác định thiên tai xảy ra quanh năm, thường xuyên và bất cứ thời điểm nào, vì vậy, ngay từ đầu năm, UBND tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đã ưu tiên, tập trung, quyết liệt trong công tác chỉ đạo phòng, chống thiên tai, mà đặc biệt là các hoạt động nhằm nâng cao tính chủ động trong phòng ngừa thiên tai.
Tỉnh quán triệt thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” trong phòng, chống thiên tai, trong đó yêu cầu các cơ quan, địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh chủ động rà soát, cập nhật kế hoạch phòng, chống thiên tai; phương án ứng phó thiên tai theo các cấp độ rủi ro thiên tai, theo từng loại hình thiên tai cụ thể, phù hợp với từng địa bàn, từng ngành, lĩnh vực từ cấp cơ sở đến cấp tỉnh nhằm chủ động ứng phó khi thiên tai xảy ra. Đồng thời chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật tư, phương tiện dự phòng theo phương án, kế hoạch đã xây dựng.
Tăng cường công tác thông tin truyền thông, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức về phòng chống thiên tai với nhiều hình thức phù hợp, thiết thực, mở rộng sự lan tỏa và phát huy hiệu quả. Đặc biệt, trong tháng 5/2023, chúng tôi sẽ triển khai chuỗi hoạt động hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia phòng, chống thiên tai (15 - 22/5) và kỷ niệm ngày truyền thống phòng, chống thiên tai Việt Nam (22/5).
Tăng cường cung cấp thông tin; chia sẻ, trao đổi kiến thức, kinh nghiệm về phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cho các cấp, các ngành, nhân dân để chủ động thực hiện có hiệu quả các phương án ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra. Chỉ đạo tăng cường quản lý, kiểm tra, rà soát công tác đăng ký, đăng kiểm tàu thuyền; kiểm tra điều kiện kỹ thuật đảm bảo an toàn trên các tàu, thuyền trước khi ra khơi (nhất là thiết bị thông tin liên lạc, phương tiện cứu sinh); nắm chắc số lượng tàu, thuyền và ngư dân hoạt động trên biển để hướng dẫn các phương tiện di chuyển tránh, trú an toàn khi có thiên tai. Chỉ đạo và tiến hành công tác kiểm tra, rà soát nhà ở không an toàn, các khu dân cư ven sông, suối, ngoài bãi sông, khu vực có nguy cơ ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét; sẵn sàng phương án sơ tán dân tại các khu vực có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt sâu, lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn...
PV: Được biết, tỉnh Quảng Trị đã xây dựng nhà phòng tránh thiên tai để giúp người dân yên tâm hơn khi mùa mưa lũ và bão đến, xin ông cho biết cụ thể hơn về vấn đề này?
Ông Hồ Xuân Hòe: Thời gian qua, việc xây dựng các công trình phòng, chống thiên tai nói chung cũng như nhà cộng đồng phòng chống thiên tai hay nhà ở kiên cố phòng, chống thiên tai cho người dân nói riêng được tỉnh Quảng Trị quan tâm, huy động, kêu gọi và ưu tiên các nguồn lực để triển khai thực hiện. Đặc biệt, giai đoạn 2021 - 2022, trên địa bàn tỉnh có trên 10 nhà cộng đồng phòng, chống thiên tai (kinh phí hơn 10 tỷ đồng) và hơn 150 nhà ở kiên cố cho người dân thường xuyên bị ảnh hưởng thiên tai (khoảng 20 tỷ đồng) được hỗ trợ xây dựng. Các công trình sau khi bàn giao đưa vào sử đụng đã phát huy hiệu quả tối đa.
Trong đó, nhà cộng đồng phòng, chống thiên tai bên cạnh là điểm sơ tán, tránh trú tập trung an toàn khi có thiên tai xảy ra thì còn là kho cất giữ, bảo quản an toàn cho các công cụ hỗ trợ, phục vụ sản xuất nông nghiệp (như phân bón, giống cây trồng, thuốc bảo vệ thực vật hay vật tư dự phòng phục vụ phòng, chống thiên tai...); đồng thời trở thành địa điểm để tổ chức các sinh hoạt tập trung cho người dân địa phương hoặc tận dụng tối đa phục vụ cho các mục tiêu phù hợp khác. Nhà ở kiên cố cho người dân khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số trở thành nơi trú ẩn an toàn trước thiên tai, đồng thời góp phần ổn định đời sống người dân, nhất là vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa; ổn định an ninh trật tự an toàn xã hội vùng biên giới gắn liền thực hiện chương trình nông thôn mới.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh nhu cầu về xây dựng nhà cộng đồng phòng, chống thiên tai và nhà ở kiên cố cho người dân còn rất lớn. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục ưu tiên, kêu gọi, huy động các nguồn lực để tập trung hỗ trợ đầu tư thêm, đặc biệt từ các tổ chức nước ngoài và các nhà hảo tâm.