Nắng nóng dự báo khốc liệt
Nắng nóng khắc nghiệt đang ảnh hưởng đến hàng trăm triệu người tại một trong những khu vực đông dân cư nhất trên thế giới là Ấn Độ, đe dọa hủy hoại toàn bộ hệ sinh thái. Điều này không chỉ gây nhiều tác động ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người mà còn ảnh hưởng đến hệ sinh thái, nông nghiệp, nguồn cung cấp nước, năng lượng và các lĩnh vực then chốt của nền kinh tế.
Cục Khí tượng Ấn Độ cho biết, ngày 28/4, nhiệt độ tối đa lên tới 43 - 46 độ C tại các khu vực trên diện rộng và kéo dài đến ngày 2/5. Tại Pakistan, Cục Khí tượng nước này ghi nhận mức nhiệt tương tự, với nhiệt độ ban ngày có thể cao hơn bình thường từ 5 đến 8 độ C ở những vùng đất rộng lớn trong nước.
Cục Khí tương Pakistan cũng cảnh báo, tại các khu vực miền núi Gilgit-Baltistan và Khyber Pakhtunkwa, mức nhiệt bất thường sẽ đẩy nhanh băng tuyết tan chảy, có khả năng gây ra lũ hồ băng hoặc lũ quét ở các khu vực dễ bị tổn thương. Chất lượng không khí cũng trở nên xấu đi và những vùng đất rộng lớn có nguy cơ bùng phát cháy rừng.
Theo WMO, còn quá sớm để cho rằng tình trạng nắng nóng khắc nghiệt ở Ấn Độ và Pakistan chỉ là do biến đổi khí hậu, nhưng điều đó phù hợp với những gì cơ quan này dự báo trong điều kiện biến đổi khí hậu.
Hơn nữa, các đợt nắng nóng thường xuyên hơn, gay gắt hơn và bắt đầu sớm hơn trước đây. Trong Báo cáo Đánh giá lần thứ 6 gần đây, Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) cũng cho biết, các đợt nắng nóng và sốc nhiệt sẽ diễn ra gay gắt và thường xuyên hơn ở Nam Á trong thế kỷ này.
Đợt nắng nóng hiện tại được gây ra bởi một hệ thống áp suất cao và kéo dài theo thời gian nhiệt độ trên trung bình. Ấn Độ đã ghi nhận tháng 3 nóng nhất, với nhiệt độ tối đa trung bình là 33,1 độ C, cao hơn 1,86 độ C so với mức trung bình dài hạn. Pakistan cũng ghi nhận tháng 3 nóng nhất trong ít nhất 60 năm qua, với một số trạm phá kỷ lục tháng 3.
Trong thời kỳ trước gió mùa, cả Ấn Độ và Pakistan thường xuyên trải qua nhiệt độ cao quá mức, đặc biệt vào tháng 5.
Kế hoạch hành động
WMO nhấn mạnh, các cam kết sẽ đảm bảo những người dễ bị tổn thương nhất có thể tiếp cận với các dịch vụ cảnh báo sớm đa nguy cơ. Cả Ấn Độ và Pakistan đều có các hệ thống cảnh báo sớm về tình trạng nắng nóng thành công và các kế hoạch hành động đã được thực hiện, bao gồm cả những hệ thống được điều chỉnh đặc biệt cho các khu vực đô thị. Chúng làm giảm tỷ lệ tử vong do nhiệt và giảm bớt các tác động của nắng nóng khắc nghiệt đến xã hội.
Ấn Độ đã thiết lập khuôn khổ quốc gia cho các kế hoạch hành động về nắng nóng thông qua Cơ quan Quản lý Thảm họa Quốc gia, cơ quan điều phối mạng lưới các cơ quan ứng phó thảm họa nhà nước và lãnh đạo thành phố để chuẩn bị ứng phó với nhiệt độ tăng cao và đảm bảo rằng mọi người đều nhận thức được hiện tượng sóng nhiệt.
Thành phố Ahmedabad ở Ấn Độ là thành phố Nam Á đầu tiên phát triển và thực hiện phương pháp thích ứng với mức nhiệt cao trên toàn thành phố vào năm 2013, sau khi trải qua đợt nắng nóng tàn khốc vào năm 2010. Sau đó, 23 bang trong nước đã áp dụng cách tiếp cận thành công này và hơn hơn 130 thành phố và huyện được bảo vệ nhờ phương pháp này.
Pakistan cũng đã đạt được những bước tiến trong việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng khỏi nắng nóng. Vào mùa hè năm 2015, một đợt nắng nóng đã nhấn chìm phần lớn miền Trung và Tây Bắc Ấn Độ và miền Đông Pakistan và là nguyên nhân trực tiếp hoặc gián tiếp khiến hàng nghìn người thiệt mạng.
Sự kiện này đóng vai trò như một lời cảnh tỉnh và dẫn đến việc phát triển và thực hiện Kế hoạch Hành động Chống nắng nóng ở Karachi và các khu vực khác của Pakistan thời gian tới.