93% dân số Sơn La được phủ sóng 4G để tiếp nhận kịp thời thông tin cảnh báo thiên tai

Nguyễn Nga| 30/03/2023 19:49

(TN&MT) - Đây là thông tin được Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đưa ra tại Hội nghị Tổng kết công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) năm 2022, triển khai nhiệm vụ 2023, diễn ra ngày 30/3.

Năm 2022, 4 cơn bão ảnh hưởng đến thời tiết Sơn La đã gây nhiều đợt mưa vừa, mưa to, 13 đợt mưa lớn diện rộng, 21 đợt không khí lạnh gây rét đậm, rét hại. Thiên tai đã làm 8 người chết, 15 người bị thương…

Gần 1.500 nhà bị thiệt hại, trong đó, 27 nhà thiệt hại hoàn toàn trên 70%, 50 nhà thiệt hại rất nặng từ 50-70%, 132 nhà thiệt hại nặng từ 30-50%, 365 nhà bị ngập nước, 65 nhà phải di dời khẩn cấp, trên 800 nhà thiệt hại một phần dưới 30%... Cùng nhiều thiệt hại về điện, đường, trường, trạm, nước sinh hoạt, nông nghiệp, chăn nuôi… Ước tổng giá trị thiệt hại trên 500 tỷ đồng.

a6.jpg

Bộ đội Biên phòng Sơn La hỗ trợ người dân xã Mường Lạn, huyện Sốp Cộp di dời nhà và tài sản đến nơi an toàn.

“Phủ” sóng di động đến đồng bào vùng sâu, vùng xa

Để chủ động phòng ngừa, ứng phó thiên tai, Sơn La đã kiện toàn, nâng cao năng lực Ban chỉ huy, Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các cấp. Kiện toàn 204/204 đội xung kích PCTT cấp xã với trên 14.500 người.

Tuyên truyền, nâng cao nhận thức, kỹ năng ứng phó của các cấp chính quyền, người dân, cộng đồng về PCTT; gắn xây dựng cộng đồng an toàn với thực hiện tiêu chí an toàn về PCTT trong xây dựng NTM. Đẩy mạnh công tác dự báo, cảnh báo thiên tai…

Một nét nổi bật trong năm qua là việc đầu tư cơ sở hạ tầng viễn thông với 100% xã, phường, thị trấn đã triển khai mạng di động 4G, tỷ lệ dân số được phủ sóng 4G đạt 93,62%. Tăng cường hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin làm cơ sở cho việc nâng cao khả năng tiếp nhận đầy đủ thông tin dự báo, cảnh báo thiên tai và hiểu biết kỹ năng phòng tránh thiên tai đến nhân dân.

a3.jpg

Đẩy mạnh triển khai diễn tập ứng phó bão lũ, tìm kiếm cứu nạn tại cấp xã.

Tỉnh cũng chủ động rà soát phương án, huy động lực lượng tổ chức sơ tán khẩn cấp các hộ dân khu vực nguy cơ lũ quét, sạt lở đất; hướng dẫn người dân dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm thiết yếu đề phòng mưa lũ gây ngập úng, chia cắt kéo dài.

Qua đó, đã kịp thời sơ tán, di dời 457 hộ gia đình đến nơi an toàn. Triển khai 10 Dự án bố trí, sắp xếp dân cư vùng thiên tai với 417 hộ. Lắp đặt Camera tại vị trí cung trượt trên tuyến Quốc lộ 37 (đoạn Km402+670 - Km402+750 thuộc bản Pắc Bẹ, xã Suối Tọ, huyện Phù Yên) quan sát 24/24h, để đánh giá, kịp thời xử lý khi có tình huống xảy ra.

Đầu tư xây mới gần 5.000m kè chống sạt lở bờ suối; 1.434m kênh thoát lũ chống ngập úng khu dân cư. Rà soát, báo cáo hiện trạng an toàn đập, hồ chứa trước mùa mưa lũ của 108 hồ chứa thủy lợi, 48 hồ chứa thủy điện nhỏ.

Diễn tập ứng phó bão lũ và tìm kiếm cứu nạn tại huyện Phù Yên với 655 người; diễn tập ứng phó cháy rừng và tìm kiếm cứu nạn tại Thành phố với 835 người; diễn tập ứng phó bão lũ, cháy rừng và tìm kiếm cứu nạn cho 22 đơn vị cấp xã…

Năm 2022, Sơn La đã dành 189 tỷ đồng để khắc phục cơ sở hạ tầng bị ảnh hưởng do thiên tai; triển khai các dự án bố trí sắp xếp ổn định dân cư thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển KT-XH vùng DTTS&MN.

Dự kiến, năm 2023, sẽ triển khai 3 dự án cấp bách ứng phó thiên tai, gồm: Khắc phục, cải tạo công trình thoát lũ trung tâm xã Ngọc Chiến, huyện Mường La; Xử lý, khắc phục sạt lở do thiên tai khu vực trung tâm xã Quy Hướng, huyện Mộc Châu; Hệ thống tiêu thoát nước chống ngập úng bản Giáng, xã Chiềng Đen, thành phố.

Phòng chống, khắc phục, giảm nhẹ và thích ứng

Hội nghị đã ghi nhận nhiều ý kiến thảo luận của các địa phương về khó khăn, vướng mắc trong sắp xếp, ổn định dân cư vùng thiên tai; các kiến nghị, đề xuất để nâng cao hiệu quả PCTT từ cơ sở…

Chịu thiệt hại hơn 13 tỷ đồng do thiên tai năm 2022, theo lãnh đạo huyện Mộc Châu, để nâng cao hiệu quả PCTT, Mộc Châu đã chủ động xây dựng kế hoạch PCTT ngay từ đầu năm; phân công trách nhiệm rõ người, rõ việc, rõ thời gian hoàn thành cho các thành viên Ban Chỉ huy PCTT&TKCN, đảm bảo việc chỉ huy, điều hành ứng phó kịp thời, kiên quyết, khẩn trương ngay từ cơ sở.

Đặc biệt, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức tự bảo vệ chính mình của mỗi người dân, mỗi hộ gia đình, nghiêm chỉnh chấp hành các quy định trong phòng, tránh lũ quét, sạt lở tại nơi ở, trong các hoạt động sinh hoạt, sản xuất.

Năm 2023, các địa phương trên toàn tỉnh đã tiếp tục rà soát, khoanh vùng các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt. Xác định cấp độ rủi ro thiên tai với từng loại hình để có phương án ứng phó phù hợp.

a1.jpg

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thành Công phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết công tác PCTT&TKCN năm 2022.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thành Công nhấn mạnh: Năm nay là năm đầu tiên dưới ảnh hưởng BĐKH, khí hậu lạnh kéo khá dài, có những thời điểm dài từ 45-46 ngày. Ảnh hưởng của BĐKH, thời tiết cực đoan đến đời sống, sản xuất là rất rõ ràng, do đó, cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức nhân dân về các loại hình thiên tai, cách phòng tránh, ứng phó, khắc phục, giảm nhẹ và thích ứng.

Ông Nguyễn Thành Công yêu cầu, các huyện, thành phố tiếp tục triển khai hiệu quả các Chỉ thị, phương án, kế hoạch PCTT của UBND tỉnh; phát huy tinh thần “4 tại chỗ” trong PCTT, sử dụng hiệu quả nguồn vốn Quỹ PCTT. Tập trung lãnh đạo chỉ đạo khắc phục hậu quả thiên tai, ổn định đời sống sinh hoạt những điểm đã tái định cư và những điểm cần di chuyển dân vùng thiên tai.

Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng phòng ngừa, ứng phó mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất… bằng nhiều hình thức, bảo đảm thông tin về thiên tai đến được người dân khu vực chịu ảnh hưởng. Mục tiêu cuối cùng là thực hiện hiệu quả công tác PCTT, giảm thiểu tối đa thiệt hại về người, tài sản của Nhà nước, nhân dân.

a4.jpg

Nhận định xu thế thời tiết thủy văn năm 2023 ở Sơn La, theo Phó Giám đốc Đài KTTV Tây Bắc Phạm Thế Thế, tỉnh cần tiếp tục đề phòng các hiện tượng thời tiết thủy văn nguy hiểm có nhiều khả năng xảy ra trên toàn tỉnh, đặc biệt là dông, lốc, sét, mưa đá, mưa lớn cục bộ, lũ, lũ quét và sạt lở đất, nhất là tại các khu vực có địa hình dốc, vùng trũng thấp ven sông, suối và nơi có thảm phủ thực vật yếu.

Từ tháng 5-12/2023, dự báo có lũ trên các sông suối nội tỉnh, trong đó, từ tháng 7 - 9 xuất hiện lũ vừa, lũ lớn. Mực nước đỉnh lũ có khả năng ở mức cuối cấp báo động 2, đầu cấp báo động 3. Nắng nóng có khả năng xuất hiện từ khoảng tháng 3 đến tháng 6/2023.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
93% dân số Sơn La được phủ sóng 4G để tiếp nhận kịp thời thông tin cảnh báo thiên tai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO