Xây dựng chính sách tổng thể thực hiện Thỏa thuận Paris
Xuất phát điểm từ mục tiêu tăng cường năng lực quản lý nhà nước của Bộ TNMT trong phối hợp, tư vấn để xây dựng và thực hiện các hoạt động giảm nhẹ đơn lẻ ở Việt Nam, Dự án “Hỗ trợ các hành động giảm nhẹ biến đổi khí hậu phù hợp với điều kiện quốc gia (NAMA) đã từng bước hỗ trợ Việt Nam xây dựng các văn bản quan trọng liên quan tới ứng phó biến đổi khí hậu như báo cáo Đóng góp do quốc gia tự quyết định ( NDC); Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu cấp quốc gia cũng như thực hiện các nghĩa vụ báo cáo liên quan đệ trình lên Công ước khung của Liên hiệp quốc về Biến đổi khí hậu (UNFCCC).
Tại hội thảo tổng kết dự án vừa diễn ra, các chuyên gia đều nhận định đây là kết quả nổi bật nhất qua 4 năm triển khai dự án (2014 - 2018).
Ông Nguyễn Văn Thắng, Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT) cho biết, các đối tác quốc tế đã cung cấp tư vấn, chuyên gia về việc thực hiện các chính sách quốc gia và đối thoại về giảm nhẹ BĐKH, kỹ thuật đàm phán và hỗ trợ thành viên Đoàn đàm phán của Việt Nam tham gia các sự kiện của UNFCCC; Kết nối với các đối tác để trao đổi, chia sẻ thông tin về BĐKH. Dự án đóng vai trò quan trọng trong xây dựng báo cáo trong NDC về các lĩnh vực, xây dựng bộ chỉ số đánh giá việc triển khai Kế hoạch thực hiện thỏa thuận Paris, xác định khoảng trống và tìm nguồn tài trợ để các Bộ ngành thực hiện Kế hoạch.
Theo bà Anna Pia Schreyögg, Cố vấn trưởng của dự án NAMA, GIZ Việt Nam, bối cảnh chính sách khí hậu quốc tế dần dần thay đổi trong những năm qua, chuyển từ các hành động đơn lẻ (NAMA) sang một cách tiếp cận toàn diện hơn (NDC). Bởi vậy, dự án cũng nhanh chóng điều chỉnh các hoạt động phù hợp với những thay đổi này và đã thành công khi hỗ trợ Việt Nam đáp ứng các yêu cầu quốc tế, thể hiện sự chủ động, tích cực tham gia vào công cuộc ứng phó BĐKH toàn cầu.
Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành, khẳng định, Dự án đã đạt được các mục tiêu đề ra và góp phần không nhỏ vào các nỗ lực của Việt Nam trong công cuộc ứng phó BĐKH, cắt giảm phát thải khí nhà kính gây ra hiện tượng ấm lên toàn cầu, đồng thời, giúp các cộng đồng dân cư tránh được các tác động tiêu cực do BĐKH gây ra. Thứ trưởng nhấn mạnh, Việt Nam đã đặt ra các mục tiêu khí hậu nhiều kỳ vọng để đóng góp một cách phù hợp cho Thỏa thuận Paris về khí hậu toàn cầu mà chúng ta đã phê chuẩn trong năm 2016. Dự án NAMA đóng vai trò quan trọng giúp Việt Nam củng cố vị thế của mình trong chính sách khí hậu quốc tế.
Giám sát, đánh giá hiệu quả chính sách
Việc xây dựng thành công bộ chỉ số đánh giá việc triển khai Kế hoạch thực hiện thỏa thuận Paris cũng là một trong những kết quả quan trọng của dự án. Công cụ này cho phép Việt Nam theo dõi một cách có hệ thống kết quả thực thi chính sách khí hậu của tất cả các các Bộ, ngành và hỗ trợ phối hợp liên bộ hiệu quả. Giai đoạn báo cáo đầu tiên áp dụng quy trình này sẽ là tháng 10/2018 - 10/2019.
Theo ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT), các nỗ lực hoàn thiện khung báo cáo, giám sát của dự án NAMA sẽ được tiếp tục trong dự án mới của GIZ “Hỗ trợ Việt Nam thực hiện Thỏa thuận Paris”, cùng với tăng cường sự tham gia của Việt Nam trong khuôn khổ Đối tác NDC toàn cầu. Thời gian tới, tài liệu tổng hợp về các nhiệm vụ cần được duy trì và liên tục cập nhật hàng năm, thường xuyên phân tích các khoảng trống trong Kế hoạch triên khai Thỏa thuận Paris của các Bộ, ngành, địa phương. Kèm theo đó là nhu cầu xây dựng cơ chế thích hợp để theo dõi các nguồn tài trợ quốc tế và chi tiêu quốc gia cho biến đổi khí hậu.
Một hoạt động quan trọng khác là đề xuất xây dựng NAMA cụ thể cho từng ngành nhằm giảm phát thải khí nhà kính. Đại diện Bộ Công Thương và Bộ Giao thông vận tải nhận định, Dự án đã cũng cấp dữ liệu ban đầu đề thiết kế NAMA về phát triển cơ sở hạ tầng xe buýt thân thiện với khí hậu cho các thành phố lớn và sử dụng hiệu quả năng lượng và pin điện mặt trời trên mái nhà trong ngành công nghiệp dệt may. Các nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp và cộng đồng đều được nâng cao năng lực và hưởng lợi về tiềm năng tạo việc làm, hiệu quả sử dụng năng lượng cũng như giảm ô nhiễm môi trường. Mặc dù vậy, các giải pháp giảm nhẹ còn khá chung chung, cần có nghiên cứu chi tiết hơn cho từng ngành, về nguồn lực thực hiện cho từng ngành và phần nào cần có hỗ trợ quốc tế.