Đây là đề xuất của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) được đưa ra tại Diễn đàn nghiên cứu Việt Nam – Nhật Bản với chủ đề “Thúc đẩy hợp tác Nhật Bản – Việt Nam hướng tới tăng trưởng xanh sau dịch bệnh COVID-19”, diễn ra ngày 15/2, tại Hà Nội. Đây là một trong những sự kiện chính thức kỷ niệm 50 năm thiết lập ngoại giao giữa Nhật Bản và Việt Nam.
Các chuyên gia nhận định, Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả, thành tựu quan trọng trong hợp tác với Nhật Bản, đặc biệt trong các lĩnh vực đầu tư, xuất nhập khẩu, phát triển hạ tầng bền vững, phát triển nguồn nhân lực. Việc thúc đẩy hợp tác tăng trưởng xanh sẽ nâng quan hệ đối tác hữu nghị giữa hai bên lên một tầm cao mới trong tương lai.
Về 4 định hướng hợp tác, theo ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Ban nghiên cứu tổng hợp (CIEM), Nhật Bản có thể hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực trong việc xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang thiếu hệ thống tiêu chuẩn, tiêu chí phân loại xanh, làm cơ sở quan trọng cho tài chính xanh và các hành động khác trong chiến lược tăng trưởng xanh một cách hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, khu vực. Nhật Bản có thể nêu vấn đề này với tư cách là là đối tác chiến lược và nhà đầu tư. CIEM hiện đang xây dựng nghị định cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn và đề xuất phía Nhật Bản chia sẻ kinh nghiệm trong những nội dung liên quan.
Về phát triển cơ sở hạ tầng bền vững ở Việt Nam, các nhà đầu tư Nhật Bản có thể chia sẻ kinh nghiệm và đối thới với cơ quan chính phủ về Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, nêu gương tốt trong phát triển năng lượng bền vững và/hoặc các dự án hạ tầng năng lượng. Hai bên cũng cần thúc đẩy chuỗi giá trị ít phát thải, phát triển các dự án kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp, chuỗi giá trị trong lĩnh vực năng lượng tái tạo; chuỗi giá trị ngành điện tử; hiện thực hóa các dự án trong cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn…
Các bên liên quan của Việt Nam (đặc biệt doanh nghiệp nhỏ và vừa) mong đợi cơ hội hợp tác và chuyển giao công nghệ từ các đối tác Nhật Bản, nhưng cần tiếp tục cải thiện chất lượng kết nối dịch vụ từ trong nước (ví dụ: hậu cần; kỹ thuật số, v.v.) và kỹ năng lao động.
Về Hợp tác, thúc đẩy xây dựng các điều ước quốc tế, quy tắc, tiêu chuẩn quốc tế liên quan đến tăng trưởng xanh, ông Nguyễn Anh Dương cho rằng, hai bên có thể cùng đề xuất các sáng kiến về cải cách cơ cấu và phục hồi xanh trong các khuôn khổ khác nhau; đề xuất các tiêu chuẩn, quy chuẩn trong kinh tế tuần hoàn (đặc biệt là trong ASEAN); sáng kiến IPEF (đặc biệt trụ cột kinh tế sạch) và các nội dung liên quan đến tăng trưởng xanh…
Tại Diễn đàn, các chuyên gia phía Việt Nam và Nhật Bản cũng trao đổi những nội dung liên quan đến các khái niệm kinh tế xanh, phục hồi xanh, tăng trưởng xanh; thực trạng và yêu cầu thúc đẩy tăng trưởng xanh ở Việt Nam; những kết quả, đóng góp cụ thể, điển hình của hợp tác Nhật Bản và Việt Nam hướng tới tăng trưởng xanh; cơ hội và thách thức đối với tăng trưởng xanh ở Việt Nam trong giai đoạn đến năm 2030; và các khuyến nghị cụ thể để tăng cường quan hệ hợp tác Nhật Bản-Việt Nam nhằm góp phần đẩy nhanh phục hồi xanh, tăng trưởng xanh ở Việt Nam.
Theo TS Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, bối cảnh dịch bệnh COVID-19 càng khiến các nền kinh tế trên thế giới chung nhận thức về việc phải hành động nhanh và quyết liệt hơn nhằm bảo vệ môi trường, hướng tới phát triển bền vững. Việt Nam đã ý thức được tầm quan trọng của việc tích cực hợp tác với các nước, bởi thích ứng và giảm nhẹ hệ lụy của biến đổi khí hậu không phải là trách nhiệm của riêng quốc gia nào.
Những năm qua, Nhật Bản vẫn giữ vững vị trí là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam. Hợp tác kinh tế song phương ngày càng đi vào chiều sâu, có những bước phát triển thực chất và ngày càng được tăng cường, mở rộng trên nhiều lĩnh vực. Năm 2021, hai nước đã ký kết Hợp tác về Tăng trưởng các-bon thấp giai đoạn 2021-2030. Nhật Bản đã và đang tiến hành hỗ trợ toàn diện quá trình chuyển đổi năng lượng ở Việt Nam thông qua “Sáng kiến chuyển đổi năng lượng châu Á (AETI)”. Bên cạnh đó, hai nước đều là thành viên của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã đi vào thực hiện, hay Khung khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPEF) đang trong quá trình đàm phán. Cả CPTPP và IPEF cùng có những nội dung hợp tác liên quan đến tăng trưởng xanh.
Qua phân tích những động lực tăng trưởng xanh ở Việt Nam, GS Tomonori Sudo đến từ Đại học Ritsumeikan Châu Á Thái Bình Dương cho rằng, một số lĩnh vực chính có nhiều tiềm năng hợp tác giữa Nhật Bản và Việt Nam bao gồm thiết bị điện và điện tử, kiến trúc bằng gỗ, điện gió, điện sinh khối, chia sẻ điện mặt trời, nuôi trồng thủy sản hữu cơ, canh tác hữu cơ...