3 kịch bản năng lượng cho Đồng bằng sông Cửu Long

Khánh Ly| 14/08/2020 18:06

(TN&MT) - Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) vừa công bố báo cáo nghiên cứu “Phân tích chi phí và lợi ích của các kịch bản nguồn điện từ góc nhìn của Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)” nhằm đóng góp vào việc xây dựng Quy hoạch điện 8. Quy hoạch hiện đang được Bộ Công Thương chủ trì xây dựng, dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào quý IV năm 2020.

 

Theo Quy hoạch điện 7 điều chỉnh (QHĐ7ĐC), ĐBSCL của Việt Nam sẽ trở thành một trung tâm năng lượng lớn của quốc gia với tổng công suất điện than và khí đạt 22.650MW vào năm 2030. Quy hoạch hiện hành chưa thể hiện tiềm năng phát triển mạnh mẽ năng lượng tái tạo của vùng, đặc biệt là điện gió, điện mặt trời và điện sinh khối nhưng chưa được đưa vào quy hoạch hiện hành.

Nghiên cứu của GreenID tập trung phân tích 3 kịch bản nguồn điện. Trong đó, kịch bản 1 không có chính sách phát triển năng lượng tái tạo (NLTT), các nguồn điện được cạnh tranh tự do trên cơ sở chi phí và các ràng buộc khung. Kịch bản 2 đáp ứng mục tiêu phát triển NLTT, năng lượng tái tạo sẽ phát triển đảm bảo mục tiêu theo Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam giai đoạn đến 2050 đã được phê duyệt. Kịch bản 3 đáp ứng mục tiêu phát triển NLTT theo chiến lược và không phát triển thêm nhiệt điện than mới.

Báo cáo đã cung cấp các số liệu cụ thể và phân tích cho thấy, kịch bản 3 thể hiện tính ưu việt hơn cả do không xây dựng mới các nhà máy nhiệt than sau năm 2025 mà thay vào đó là nguồn điện từ các giải pháp năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời. Mặc dù kịch bản này có chi phí cho hệ thống điện cao nhất, nhưng tổng chi phí xã hội thấp nhất, mang lại nhiều lợi ích về giảm phát thải, giảm ô nhiễm không khí, bảo vệ nguồn nước và tạo ra nhiều việc làm xanh. Đặc biệt, các tác động môi trường có tính chất tích tụ sẽ dần dần phát tác và gây chi phí lâu dài chứ không ngưng ngay, kể cả khi quyết định chấm dứt sử dụng nhiệt điện than.

Theo các chuyên gia của GreeID, tới đây, cần thiết phải tiến hành đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC) về năng lượng ở cấp vùng cho ĐBSCL, đặc biệt là trước khi phê duyệt chủ trương đầu tư dự án ở các địa phương. Tác động tích lũy của tất cả các dự án cần phải được đánh giá cùng lúc để đưa ra những quyết định chiến lược nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực trên diện rộng và mức độ nghiêm trọng.

Báo cáo cũng lưu ý vấn đề ô nhiễm nhiệt đối với hệ thống sông. Trong quy hoạch không gian vị trí các nhà máy phát điện, để bảo đảm an toàn cho môi trường, hệ sinh thái và sức khỏe cộng đồng, việc áp dụng các công nghệ tiên tiến (SC, USC) là rất cần thiết. Tuy nhiên, cần đưa ra quy định về giới hạn phát thải đối với một vùng địa lý và giới hạn làm tăng nhiệt độ của một hay các thủy vực, đặc biệt là các thủy vực quan trọng như cửa sông.

Phát triển năng lượng tái tạo là một ưu tiên của vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Trong bối cảnh mới, nhất là sau khủng hoảng toàn cầu liên quan tới dịch bệnh virus corona hiện nay, việc xem xét chi phí và lợi ích của các phương án phát điện không nên chỉ đơn thuần dựa vào chi phí đầu tư và lợi nhuận về tài chính, mà phải tính đến các tổn thất về sức khỏe cộng động, chi phí bảo vệ môi trường và xã hội. Các chi phí này cần được tính đúng, tính đủ với phạm vi không gian và thời gian phù hợp trong phân tích chi phí và lợi ích để làm cơ sở hỗ trợ cho việc ra quyết định sáng suốt về phát triển bền vững.

Nhóm chuyên gia cũng khuyến nghị cần thúc đẩy ứng dụng các giải pháp năng lượng tái tạo phi tập trung để giảm thiểu các xung đột về đất đai, tạo ra các lợi ích kép cả về kinh tế và bảo vệ môi trường.

Hiện tại, các nhà đầu tư đã đăng ký xây dựng tại vùng ĐBSCL 4.245 MW công suất nguồn điện mặt trời. Trong số 962,5 MW đã được phê duyệt bổ sung vào QHĐ7ĐC, có 764,6 MW thực hiện trong giai đoạn trước 2020 và 197,9 MW cho giai đoạn sau 2020.

Quy mô công suất điện gió được đăng ký lớn hơn nhiều so với dự báo tiềm năng và vẫn tiếp tục tăng. Tính đến tháng 9/2019, tổng công suất điện gió được đăng ký lên tới 12.888 MW. Trong đó, phần lớn là các dự án điện gió gần bờ. Khoảng 1.850 MW trong tổng công suất đăng ký đã được bổ sung vào QHĐ7ĐC.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
3 kịch bản năng lượng cho Đồng bằng sông Cửu Long
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO