3 khía cạnh giúp năng lượng tái tạo khẳng định vị thế tại Việt Nam

24/01/2019 13:02

(TN&MT) - Ngày 23/1, tại Hà Nội, Hãng tư vấn quản lý toàn cầu McKinsey & Company đã công bố Sách trắng với tiêu đề “Tìm kiếm một con đường khác cho tương lai năng lượng Việt Nam”. Theo nghiên cứu này, việc phát triển năng lượng tái tạo thay thế dần năng lượng từ nguồn hóa thạch có thể giúp ngành điện Việt Nam giải quyết các khó khăn hiện nay về giá thành sản xuất điện, bảo vệ môi trường và an ninh năng lượng.

anh 1
Ông Antonio Castellano - Trưởng Ban Điện năng và Khí tự nhiên khu vực Đông Nam Á của McKinsey & Company chia sẻ về nghiên cứu của hãng

Theo ông Antonio Castellano - Trưởng Ban Điện năng và Khí tự nhiên khu vực Đông Nam Á của McKinsey & Company, nghiên cứu của hãng đã chỉ ra, Việt Nam có nguồn năng lượng mặt trời và năng lượng gió dồi dào, cùng với xu hướng giảm đáng kể chi phí đầu tư ban đầu của của điện mặt trời và điện gió trong vòng 5 năm qua (giá thành sản xuất điện mặt trời giảm 75% và điện gió giảm 30%), đã đưa năng lượng tái tạo trở thành một nguồn cung cấp điện năng có chi phí dễ chấp nhận hơn so với các nguồn nhiệt điện truyền thống về dài hạn.

Con đường dựa trên năng lượng tái tạo sẽ có thể giúp ngành điện Việt Nam đạt kết quả tốt hơn so với xu thế hiện nay, xét trên 3 khía cạnh chính. McKinsey & Company dự báo, trong giai đoạn từ năm 2017 – 2030, tổng giá thành sản xuất điện sẽ giảm 10%, chủ yếu nhờ tiết kiệm được chi phí nhiên liệu do giảm sản xuất nhiệt điện tiêu tốn nhiều nhiên liệu ở mức độ cao. Phát thải khí nhà kính và các vi hạt rắn (bụi) sẽ giảm lần lượt 32% và 33%, nhờ đó sẽ có lợi cho sức khỏe và bảo vệ môi trường, góp phần vào nỗ lực quốc gia giảm phát thải khí nhà kính của Việt Nam.

Về an ninh năng lượng, nhu cầu nhiên liệu của Việt Nam có thể giảm 28%, trong khi nhập khẩu than giảm  đến  440 triệu tấn (khoảng 70% nhu cầu dự báo đến năm 2030). Nhờ đó sẽ có thể giảm đáng kể sự lệ thuộc của Việt Nam vào nguồn nhiên liệu nhập khẩu và nhiên liệu hóa thạch. Đầu tư vào năng lượng tái tạo cũng có thể tạo ra tới 465.000 việc làm mới, ông Marco Breu nhấn mạnh.

Theo Sách trắng của McKinsey & Company, năng lượng tái tạo có tiềm năng trở thành một phương án hữu hiệu giúp Việt Nam đáp ứng được nhu cầu năng lượng trong nước. Dự báo đến năm 2030, năng lượng tái tạo sẽ chiếm 1/3 nguồn cung năng lượng ở Việt Nam. Con đường dựa vào năng lượng tái tạo sẽ mang đến một tầm nhìn hấp dẫn hơn cho tương lai ngành năng lượng của Việt Nam.

anh 2
Quang cảnh buổi họp báo


Sách trắng cũng phân tích các yếu tố then chốt để có thể tạo thuận lợi cho con đường dựa trên năng lượng tái tạo. Đó là tạo ra các điều kiện thị trường thuận lợi để phát triển năng lượng tái tạo, nâng cao năng lực quốc gia trong việc triển khai các dự án năng lượng tái tạo quy mô lớn có sự hợp tác với các nhà đầu tư quốc tế có năng lực, nâng cao vai trò của lĩnh vực sản xuất điện từ khí đốt thiên nhiên trong tổng quy hoạch điện quốc gia.

Ông Macro Breu, Tổng Giám đốc McKinsey & Company Việt Nam nhận định: “Chúng tôi đánh giá Việt Nam thuộc nhóm 18 nền kinh tế mới nổi có sự phát triển vượt bậc trên toàn cầu. Và để duy trì đà tăng trưởng, Việt Nam cần đáp ứng nhu cầu năng lượng đang tăng nhanh. Con đường mà Việt Nam chọn để nâng cao năng lực đó sẽ có những tác động sâu rộng đến tiềm năng tăng trưởng GDP, thương mại, vấn đề môi trường và an ninh năng lượng”. Các chuyên gia của McKinsey & Company cho rằng, năng lượng tái tạo có khả năng đáp ứng nhu cầu đang tăng nhanh trong khi vẫn duy trì mức giá thành thấp, với điều kiện Việt Nam có thể tạo lập được cơ sở hạ tầng tài chính và thể chế hấp dẫn các nhà đầu tư có năng lực, đặc biệt là cần các chính sách có tính minh bạch và dài hạn hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
3 khía cạnh giúp năng lượng tái tạo khẳng định vị thế tại Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO