Một buổi bình yên trên đoạn sông chảy qua các huyện trước đây là điểm nóng về nạn “cát tặc” của tỉnh Phú Thọ như An Đạo, Tử Đà… không có nghĩa là cả ngày bình yên, bởi những chiếc tàu cuốc cát vẫn thường lẩn khuất đâu đó bên bờ kia hoặc các đoạn sông phía trên dòng chờ thời cơ là nhảy vào hút- đó là tâm sự rất thật của người công an xã dẫn đoàn chúng tôi hôm ấy. Và biết đâu, trong đó, có cả những cái “bắt tay” đầy toan tính của một bộ phận cán bộ lãnh đạo, thậm chí cả người dân nên cát tặc vẫn “chờ thời” vào hút trộm…
Thỏa thuận ngầm – bán cả đất bãi cho cát tặc
Rời xã An Đạo, đoàn chúng tôi tiếp tục di chuyển lên Bình Bộ, Tử Đà vào lúc trời đã giữa trưa. Nắng lên gay gắt như hắt lửa vào mặt, bỏng rát, song ai nấy đều háo hức xuống xe để tìm hiểu cụ thể sự việc, bắt đầu từ những người dân trên các quán vệ đường. Ngay lập tức, ông Toàn, Phó phòng Khoáng sản ngăn lại “Vì chưa liên lạc được với công an xã Bình Bộ, Tử Đà, các anh không nên xuống xe bởi thời điểm này tình hình ở khu vực này vẫn còn rất phức tạp”. “Mình chỉ hỏi dân thôi, chứ có xuống gặp mấy đối tượng buôn cát đâu mà lo?” Một đồng chí trong đoàn thắc mắc. Ông Toàn giải thích: “Ở đây, dân cũng phức tạp, đã có không ít vụ việc dân bắt tay với cát tặc ngầm bán đất bãi, lại những người quyết giữ đất nên không tin tưởng ở cách giải quyết của chính quyền nên rất bức xúc…”. Quả thật, chỉ có vài phút đỗ giữa đường đã có một bác đi làm đồng qua, nhìn thấy xe biển xanh nói đổng một câu “Giờ này thì làm gì có “bọn nó” ( ý chỉ bọn hút cát trộm- PV) mà kiểm tra, mà kiểm tra rồi đâu lại vào đấy thôi”!?
Thương vụ “ngầm” và những cái “bắt tay” bật đèn xanh cho cát tặc vào khai thác giữa dân và các đối tượng hút cát lậu đã được ông Vũ Minh Lý- Chủ tịch UBND xã Tử Đà công nhận sau khi thống kê vào cuối năm 2012. Đã có khoảng 4.000 m2 đất 5% do xã giao cho dân canh tác được các chủ đất “thoả thuận ” để bán cho “cát tặc”. Chả trách bên mép sông, một khai trường rộng đã được hình thành với những bờ vở cao 3-4m, nham nhở vết gầu múc. Đứng trước thực trạng này “Xã đã triển khai họp dân về việc này và sẽ tiến hành thu hồi số diện tích đất họ bán cho cát tặc mở khai trường trái phép” – ông Chủ tịch nói. Cũng theo Chủ tịch UBND xã Tử Đà, tại khu 3 có kè chỉnh trị số 01, tuy nhiên do hoạt động khai thác cát sỏi quá mức cộng với tình trạng khai thác trái phép diễn ra, nên kè số 01 nay đã gần như bị đánh sập. Nguy cơ mất kè là hoàn toàn có thể diễn ra trong nay mai, khi toàn bộ chân kè ngay sát khai trường của cát tặc.
Còn trong đợt kiểm tra liên ngành vào cuối tháng 3/2013 vừa qua, Đoàn kiểm tra liên ngành đã phát hiện ông Vũ Việt Thắng, thôn 5, xã Vụ Quang (huyện Đoan Hùng) có bán đất ở, đất vườn của mình cho chủ tàu tự ý khai thác làm bị sạt lở khoảng 9m sâu, kéo dài tới 20 m. Trước tình trạng này, xã đã tổ chức tuần tra thường xuyên với quan điểm là kiên quyết giữ đất, đuổi “cát tặc”, nhưng với chức năng của cơ sở, xã thực sự gặp nhiều khó khăn khi thiếu phương tiện đường thủy. Nhưng xã không có phương tiện và lực lượng, thế còn huyện và tỉnh thì sao? Để “cát tặc” ngang nhiên xẻ thịt đất bãi trong một thời gian dài, có hay không chuyện một bộ phận lãnh đạo xã, huyện cũng “câu kết” để kiếm chác từ nguồn tài nguyên giá trị này? Trả lời câu hỏi của phóng viên một cách khá thận trọng, đồng chí Phó Phòng Khoáng sản, Sở TN&MT Phú Thọ cho biết, công an tỉnh cũng đang “vào cuộc điều tra”…
Trên điếm canh đêm…
Không làm việc được với xã chúng tôi quay lại “điểm nóng” An Đạo, Bình Bộ, Tử Đà vào đêm hôm ấy để “mục sở thị” công tác canh chốt 24/24 của các xã đã đươc các ban, ngành chức năng giới thiệu vào buổi sáng. Trăng cuối tháng khi mờ, khi tỏ, ráng vàng quạnh hắt xuống triền sông. Con đường đê tối thui chỉ dựa vào ánh đèn của chiếc xe ôm chở khách. Qua điếm canh ban sáng ghé vào thấy tối om, không bóng người, chả trách anh công an xã An Đạo lúc sáng trả lời thật ý nhị: “Chỉ mới chít trát, quét vôi lại cho đội bảo vệ canh thôi, chứ cơ sở vật chất chưa có gì”. Mà đúng thật, đến ngọn đèn còn chả có, canh làm sao được???
Ngược lên đoạn đê phía trên, thấy lúp xúp một túp lều bằng lá có ánh đèn, đoán chừng lều canh ngô của nhân viên hợp tác, tôi hỏi người lái xe ôm, anh này xác nhận: “Chỉ có lều trông ngô của xã làm người ta trực cả đêm thôi chứ có ông công an xã nào ở đây đâu. Nhưng dạo này “cát tặc” cũng không dám lộng hành như trước bởi người nào có đất bãi bán thì bán hết rồi, còn lại họ biết sạt lở nên giữ kinh lắm, đấy các anh chị xem, họ còn tập hợp đất đá bao tải sát bờ đê, thấy có tàu đậu là ném đuổi ngay nên chúng không dám đỗ”.
…Đêm ấy, cả khúc sông dài qua 3 xã mà chúng tôi đi qua đều không thấy có chiếc tàu nào neo đỗ giữa dòng hoặc sát bờ phía bên Phú Thọ, nhưng phía bên kia sông vẫn có khoảng 3 – 4 chiếc neo đậu, nghe tiếng máy quay ì ầm phát ra chúng tôi biết rằng đó là tàu hút cát. Qua ánh đèn yếu ớt hắt ra từ phía ruộng ngô cùng đèn của mấy tàu phía bờ bên kia có thể nhìn rõ cả đoàn xuồng chở cát như núi, lại có cả một doanh nghiệp chuyên sản xuất bê tông thương phẩm đóng ở sát mép nước để tiêu thụ nguồn nguyên liệu múc được dưới lòng sông. Vậy bao nhiêu phần trăm cát trong những ụ nổi cao như núi kia là khai thác có phép và trái phép, cấp phép sản xuất như vậy, liệu có quản được chăng?
Đem thắc mắc về việc tại sao một bên bờ đã bị sạt lở nghiêm trọng, bên kia tàu vẫn ngang nhiên hút cát? Ông Toàn, Phó phòng Khoáng sản cho biết, có thể các tàu ấy là của một công ty đã đươc cấp phép??? Sông Lô chảy qua nhiều tỉnh lắm, mà chỉ mình Phú Thọ làm “căng” thì cũng chỉ hạn chế tạm thời. Bên Phú Thọ cũng đã nhiều lần mời các tỉnh Vĩnh Phúc, Tuyên Quang ký cam kết ngăn chặn nạn khai thác cát lậu, song họ vẫn chưa thật sự vào cuộc nên việc quản lý, ngăn chặn nạn này cũng chỉ như “bắt cóc, bỏ đĩa thôi”. Trên dòng sông Lô thuộc địa bàn tỉnh Phú Thọ có 8 doanh nghiệp được cấp Giấy phép khai thác khoáng sản. Đến nay, sau khi kiểm tra tình hình thực tế, tỉnh chỉ gia hạn cho 6 doanh nghiệp khai thác đến 31/12/2013. 2 doanh nghiệp còn lại, chúng tôi đang kiến nghị rút giấy phép, tạm thời không cho khai thác để lập lại trật tự. Tuy nhiên, do đặc điểm địa bàn sông nước giáp ranh địa giới hành chính nhiều tỉnh, các đối tượng vi phạm lợi dụng đặc điểm này để hoạt động, rất khó khăn cho công tác quản lý. Mặt khác khu vực thu hồi mỏ được giao cho các địa phương thường nằm dưới lòng sông Lô, các địa phương không có phương tiện kiểm tra nên cũng khó kiểm tra.
Lại là những rào cản về quản lý theo địa giới hành chính, song ai cũng hiểu, đó chỉ là bề nổi, còn ẩn sâu trong đó là những lý do mà không dễ gì những nhà quản lý muốn đề cập đến…Đêm về khuya, sương giăng khắp nẻo, bất giác chúng tôi rùng mình khi ngoảnh lại nhìn những hố, hủm sâu hoắm đang ăn sát chân đê…nếu việc quyết tâm ngăn chặn nạn khai thác cát lậu không duy trì thường xuyên, quyết liệt, hiểm họa sẽ thật khôn lường…
Nhóm PV Báo TN&MT