10 năm kiếm tìm giá trị của Biển

28/12/2017 18:10

(TN&MT) - Ngày 1/3/2006, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 47/2006/QĐ-TTg phê duyệt “Đề án tổng thể về điều tra cơ bản và quản lý TN&MT biển đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020” (gọi tắt là Đề án 47). Mười năm qua, dưới sự điều phối của Bộ TN&MT và sự tham gia tích cực của các Bộ, ngành liên quan, Đề án đã thực hiện được trên 40 đề tài, dự án, làm sáng rõ hơn những giá trị kinh tế, chính trị và địa lý của vùng biển Việt Nam.Bảo vệ chủ quyền và lãnh thổ

Sau 10 năm triển khai thực hiện và nhất là sau Hội nghị sơ kết kết quả giai đoạn 2006 - 2011 của Đề án 47 (tháng 6/2012) tại TP. Hải Phòng, dưới sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Nhà nước thực hiện Đề án 47, trong đó có vai trò hết sức quan trọng của cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo - Bộ TN&MT, công tác điều tra cơ bản về TN&MT biển tiếp tục được quan tâm chỉ đạo qua đó bước đầu đã thu được những kết quả đáng ghi nhận. Nhiều kết quả của các dự án đã được chuyển giao vào thực tiễn và đang góp phần thiết thực vào sự nghiệp phát triển kinh tế biển, bảo vệ an ninh chủ quyền quốc gia...

Có thể kể đến kết quả đạt được của Dự án “Xác định ranh giới ngoài thềm lục địa Việt Nam” do Ủy ban Biên giới Quốc gia (Bộ Ngoại giao) chủ trì, đặc biệt là các kết quả về địa chất, địa mạo là những cơ sở khoa học quan trọng xác định ranh giới ngoài thềm lục địa, góp phần bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam trên biển.

 Nhờ những dữ liệu thu thập được từ dự án này, ngày 7/5/2009, Ủy ban Biên giới Quốc gia đã hoàn thành Báo cáo Quốc gia và nộp Ủy ban Ranh giới ngoài Thềm lục địa của Liên Hợp Quốc về ranh giới ngoài thềm lục địa của Việt Nam. Báo cáo được nộp đã đánh dấu và thể hiện rõ quan điểm đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta trên biển, góp phần tăng cường quan hệ hợp tác hữu nghị với các nước ASEAN, tạo cơ sở giải quyết hòa bình tranh chấp trên biển Đông thông qua luật pháp quốc tế. Nếu được Ủy ban Ranh giới ngoài Thềm lục địa của Liên Hợp Quốc công nhận, ranh giới ngoài thềm lục địa của chúng ta sẽ được mở rộng.

Đồng thời, các hoạt động điều tra, khảo sát trong quá trình triển khai thực hiện dự án trên các vùng biển, đặc biệt là các vùng biển sâu, biển xa đã góp phần khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên các vùng biển này.

GIÁ TRỊ CỦA BIỂN
Đề án làm sáng rõ hơn những giá trị kinh tế, chính trị và địa lý của vùng biển Việt Nam. Ảnh: MH

Mặt khác, cũng chính từ những dự án thành phần, chúng ta đã tiến hành thành lập hải đồ tỷ lệ 1/200.000 trên phần lớn diện tích biển với diện tích khoảng 819,5 km2 chiếm 82% diện tích cần điều tra (sơ đồ số 1 và sơ đồ số 2). Thành lập được một số hải đồ và bản đồ địa hình đáy biển ở khu vực 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa và các khu vực cửa sông, cảng biển, một số đảo các tỷ lệ khác nhau từ 1/100.000 đến 1/10.000 và xây dựng bộ cơ sở dữ liệu chi tiết về độ sâu trên vùng biển Việt Nam. Đây là hoạt động điều tra cơ bản nhằm bảo đảm hạ tầng thông tin địa lý cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quản lý tài nguyên và môi trường biển, đặc biệt là nhằm phục vụ neo đậu tàu ven bờ đáp ứng nhiệm vụ phòng thủ của Hải quân và phục vụ nhiệm vụ quản lý biển của các Bộ, ngành, địa phương liên quan (khu vực thềm lục địa từ Ninh Thuận đến Kiên Giang).

Kiếm tìm nguồn tài nguyên mới

Cũng từ những dự án thành phần, trong 10 năm qua, chúng ta đã điều tra được khoảng 24,5% diện tích vùng biển Việt Nam ở các tỷ lệ khác nhau từ 1/500.000 đến 1/50.000, độ sâu chủ yếu tập trung ở khu vực biển nông ven bờ từ 0 - 100m nước (bảng 2, bảng 3 và sơ đồ số 3). Thông qua công tác điều tra này đã làm rõ đặc điểm địa chất, cấu trúc, trầm tích đáy, đặc điểm địa động lực vùng biển Việt Nam độ sâu đến 100m nước; đã phát hiện nhiều khu vực có triển vọng khoáng sản, chủ yếu là sa khoáng titan, zircon có vàng, thiếc đi kèm và vật liệu xây dựng. Trong đó, sa khoáng tập trung chủ yếu ở dải biển miền Trung (Thanh Hóa - Bình Thuận) với tài nguyên dự báo hàng trăm triệu tấn; vật liệu xây dựng chủ yếu là cát san lấp, cát xây dựng với tài nguyên dự báo khoảng 200 tỷ m3. Lần đầu tiên chúng ta đã điều tra, phát hiện và thu thập được một số mẫu khoáng vật vỏ sắt mangan giàu cobal và nickel và các kết hạch sắt mangan ở vùng biển có độ sâu từ 600 - 1.000m nước.

Bên cạnh những khoáng sản thông thường, Đề án đã đánh giá cụ thể tiềm năng dầu khí trên vùng biển và thềm lục địa Việt Nam, làm rõ cấu trúc địa chất, ranh giới giữa các bể, hệ thống dầu khí, tiềm năng dầu khí và xây dựng được cột địa tầng cho từng bể: Sông Hồng; Phú Khánh; Cửu Long; Nam Côn Sơn; Mã Lai - Thổ Chu; Tư Chính - Vũng Mây. Thành lập được bộ bản đồ tỷ lệ 1/1.000.000 cho toàn bộ thềm lục địa và vùng biển Việt Nam. Đây là bộ bản đồ lần đầu tiên được xây dựng khá đồng bộ, đầy đủ và tương đối hoàn chỉnh trên cơ sở tổng hợp, liên kết hàng loạt bản đồ tương ứng ở tỷ lệ lớn hơn (1/200.000 - 1/500.000) của các bể trầm tích, đáp ứng được yêu cầu quy hoạch và quản lý tài nguyên, môi trường biển trong những năm trước mắt và lâu dài.

Đặc biệt, cũng trong khuôn khổ Đề án này, các nhà khoa học Việt Nam phối hợp quốc tế đã phát hiện và đánh giá tiềm năng khí hydrate trên vùng biển ngoài khơi của Việt Nam - một dạng tài nguyên mới được đánh giá là một loại tài nguyên có tiềm năng và giá trị cao ở vùng biển Đông. Đây cũng là lần đầu tiên Việt Nam tiến hành điều tra cơ bản để xác định những tiền đề, dấu hiệu và từng bước đánh giá tiềm năng của loại hình tài nguyên này trên vùng biển Việt Nam. Hàng loạt những dấu hiệu đánh dấu sự có mặt của loại khoáng sản mới này trên vùng biển Việt nam như: Xác định được các dấu hiệu chỉ thị có liên quan đến GH trong khu vực khảo sát là: Các bề mặt phản xạ mô phỏng đáy (BSR), cột khí (trên băng địa chấn đa kênh), các "điểm rỗ" (pockmark - trên tài liệu thủy âm); xác định được các điểm có biểu hiện dị thường khí mê tan trong trầm tích và nước sát đáy. Đồng thời, lập được mặt cắt tổng hợp cho các tuyến khảo sát và xác định được các dấu hiệu địa vật lý chỉ thị GH, từ đó, khoanh định được 6 khu vực có dấu hiệu chỉ thị có bề mặt phản xạ mô phỏng đáy (BSR), trong đó 3 khu vực có triển vọng GH, 4 khu vực có dấu hiệu cột khí. Kết hợp tài liệu địa chất - địa hóa, đã xác định được 4 khu vực có khả năng tồn tại GH với những dấu hiệu tiềm năng khác nhau. Đây là một phát hiện có giá trị to lớn và có ý nghĩa quan trọng khi khả năng nguồn tài nguyên dầu mỏ dần cạn kiệt và việc khai thác các nguồn tài nguyên khác dễ gây ô nhiễm môi trường.

Khẳng định tài nguyên vị thế, kỳ quan sinh thái và địa chất biển

Cũng sau 10 năm triển khai Đề án 47, chúng ta đã bước đầu xây dựng được cơ sở lý luận về tài nguyên vị thế, kỳ quan sinh thái và kỳ quan địa chất biển Việt Nam. Lần đầu tiên, xây dựng được phương pháp luận đánh giá tài nguyên vị thế, kỳ quan sinh thái và kỳ quan địa chất vùng biển, ven bờ và các đảo Việt Nam với các tiêu chí phân loại, tiến hành phân loại, xác định các kiểu loại giá trị tài nguyên.

Kết quả điều tra và đánh giá của dự án góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế biển. Tài nguyên vị thế, kỳ quan sinh thái và kỳ quan địa chất theo kết quả điều tra và đánh giá của dự án là các dạng tài nguyên đặc biệt và có tiềm năng lớn cho phát triển kinh tế, đặc biệt là kinh tế dịch vụ ở vùng biển, ven bờ và các đảo Việt Nam. Về khoa học, đây là vấn đề rất mới không chỉ đối với Việt Nam mà còn đối với nhiều nước thế giới. Trong những năm tới, việc khai thác và sử dụng các nguồn tài nguyên này theo kết quả điều tra và đánh giá của dự án sẽ đem lại những lợi ích to lớn, có thể lớn hơn nhiều so với các tài nguyên truyền thống. Kết quả của dự án đã góp phần làm chuyển biến nhận thức về tài nguyên biển, đảo Việt Nam, tạo ra một cách nhìn mới trong sử dụng hợp lý và hiệu quả tài nguyên biển.

Dựa trên kết quả của dự án, định hướng phát triển kinh tế dịch vụ biển và du lịch biển được đẩy mạnh, phù hợp và thúc đẩy phát triển bảo tồn tự nhiên dưới các hình thức các khu di sản, các công viên địa chất, khu dự trữ sinh quyển, khu bảo tồn biển, vườn quốc gia biển và các vùng đất ngập nước có tầm quan trọng cấp địa phương, quốc gia và quốc tế. Các kết quả của dự án đã và sẽ tiếp tục góp phần trực tiếp và gián tiếp khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền và lợi ích quốc gia trên biển của Việt Nam.

Kết quả thực hiện dự án là một đóng góp thiết thực của Việt Nam trong việc cam kết thực thi các Công ước quốc tế liên quan đến biển như: Công ước quốc tế về Luật Biển, Đa dạng sinh học, Bảo vệ các di sản văn hóa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
10 năm kiếm tìm giá trị của Biển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO