Xung đột sử dụng tài nguyên nước lưu vực sông: Mạnh ai nấy được

15/08/2019 14:14

(TN&MT) - Tài nguyên nước của Việt Nam đang chịu nhiều sức ép, tiềm ẩn nguy cơ không đảm bảo an ninh nguồn nước quốc gia. Trong khi đó, chúng ta lại chưa có cơ chế chính sách rõ ràng về chia sẻ nguồn nước hài hòa, hiệu quả giữa các ngành… nên dẫn đến nhiều xung đột sử dụng tài nguyên nước.

T8
Nước mặt sử dụng cho tưới tiêu nông nghiệp chiếm trên 82% tổng lượng nước sử dụng ước tính ở Việt Nam Ảnh: MH

Nước khan hiếm, nhu cầu sử dụng cao

Mặc dù, có hệ thống sông ngòi dày đặc (8 lưu vực sông lớn, 25 lưu vực sông liên tỉnh, 75 lưu vực sông nội tỉnh với hơn 3.000 sông, suối), nhưng chỉ có khoảng 37% tổng lượng nước sinh ra trên phần lãnh thổ Việt Nam. Nguồn nước lại phân bố không đều trong năm và không cân đối giữa các vùng, các lưu vực sông khiến cho việc sử dụng nước của các địa phương cho hoạt động kinh tế xã hội càng trở nên căng thẳng. Hiện, toàn bộ phần lãnh thổ từ các tỉnh biên giới phía Bắc đến TP. Hồ Chí Minh, nơi có 80% dân số và trên 90% hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ nhưng chỉ có gần 40% lượng nước của cả nước; 60% lượng nước còn lại là ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) - nơi chỉ có 20% dân số và khoảng 10% hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ. Lượng nước trong 3 - 5 tháng mùa lũ chiếm tới 70 - 80%, trong khi đó 7 - 9 tháng mùa kiệt chỉ có 20 - 30% lượng nước cả năm.

Lượng nước có hạn, nhưng nhu cầu sử dụng nước của các ngành tương đối cao. Hiện nay, tổng lượng nước cần cung cấp cho các ngành kinh tế khoảng 137 - 145 tỷ m3 mỗi năm; dự báo đến năm 2030, con số này là khoảng 150 tỷ m3. Đáng nói, các ngành sử dụng nước tập trung chủ yếu vào 7 - 9 tháng mùa cạn, khi dòng chảy trên hệ thống sông đã suy giảm chỉ bằng khoảng 20% - 30% so với lượng nước của cả năm. Nguồn nước tự nhiên trong mùa khô của tất cả các lưu vực sông khoảng 30%, tương đương với 96 tỷ m3, trong khi đó, lượng nước sử dụng trong mùa khô chiếm tới khoảng 60% (140 tỷ m3). Điều này, dẫn đến xung đột trong sử dụng nước giữa các ngành trên một lưu vực sông và ngày càng gay gắt, nhất là tại các lưu vực sông vừa và nhỏ.

Xung đột sử dụng nguồn nước

Gần đây, xung đột do sử dụng nguồn nước cho các công trình thủy điện xảy ra thường xuyên hơn. Do các hồ chứa đã xây dựng trên các lưu vực sông ở Việt Nam, nhất là các hồ chứa xây dựng trước năm 1990, chỉ cân đối nguồn nước theo nhiệm vụ thiết kế đã đề ra, không xét đến dòng chảy môi trường hạ du sau công trình, cũng không xét đến các nhu cầu cấp nước cho dân sinh, nuôi trồng thủy sản, du lịch...

Điển hình là hạ lưu hệ thống sông Hồng, từ năm 2008, khi thủy điện Tuyên Quang đi vào hoạt động vào mùa kiệt từ tháng 1 - 4, việc lấy nước của các hệ thống thủy lợi luôn luôn căng thẳng, nhất là hệ thống sông Nhuệ (cống Liên Mạc), hệ thống Bắc Hưng Hải (cống Xuân Quan), hệ thống Bắc Đuống (cống Long Tửu) và hàng loạt các trạm bơm lấy nước dọc sông Lô, sông Hồng (vùng không ảnh hưởng triều) lấy nước khó khăn, hoặc bơm treo trõ không thể hoạt động cấp nước.

Hàng loạt các hồ chứa thủy lợi đều không đảm đương hết nhiệm vụ khi bị giao thêm nhiệm vụ cấp nước sinh hoạt, công nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Việc xây dựng các công trình thủy điện trên sông Vu Gia - Thu Bồn dẫn đến tình trạng nhiễm mặn ở vùng hạ lưu sông Vu Gia - Thu Bồn trở nên gay gắt. Việc tranh chấp nguồn nước giữa Quảng Nam, Đà Nẵng và các chủ hồ thủy điện trên bậc thang hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn diễn ra suốt những năm qua mỗi khi mùa khô. Mặn ở 9 cửa sông hạ lưu xâm nhập sâu vào nội địa một cách bất thường gây thiệt hại về nông nghiệp, thủy sản của các tỉnh ven biển ĐBSCL trong tháng 5/2015 là một minh chứng cho việc điều tiết không hợp lý của các hồ chứa ở thượng nguồn…

Theo Bộ TN&MT, ngành nông nghiệp tuy chỉ đóng góp 14,68% vào giá trị GDP nhưng là ngành sử dụng nước lớn nhất, ước tính nước dành cho nông nghiệp chiếm khoảng 80 - 85%. Nước mặt sử dụng cho tưới tiêu nông nghiệp lên đến hơn 66.000 triệu m3/năm, chiếm trên 82% tổng lượng nước sử dụng ước tính ở Việt Nam. Lưu vực sông Mê Công và lưu vực sông Hồng - Thái Bình chiếm khoảng 75% tổng sử dụng nước tưới tiêu ở Việt Nam với mức tương ứng lần lượt là trên 27% và 45%. Lưu vực sông Mê Công có chỉ số sử dụng nước tưới trên đầu người ở nông thôn lớn nhất (trên 2.000 m3/người/năm) trong khi hầu hết các lưu vực còn lại đều có con số dưới 1.000 m3/người/năm. Trong khi đó, tổng lượng nước sử dụng hàng năm cho hoạt động công nghiệp năm 2016 là 6 tỷ m3 dự kiến sẽ tăng lên 15,6 tỷ m3 vào năm 2030, trong đó, lưu vực sông Hồng - Thái Bình, cung cấp gần 50% tổng lượng nước sử dụng cho ngành công nghiệp cả nước; lưu vực sông Đồng Nai cung cấp 25% lượng nước cho sản xuất công nghiệp; các sông Đông Nam Bộ là 7% và lưu vực sông Mê Công là 10%.

Theo lãnh đạo Tổng cục Môi trường, việc phân chia hợp lý nguồn nước giữa các ngành dùng nước trên lưu vực sông rất cần thiết phải được điều chỉnh hợp lý, công bằng. Xung đột chỉ chấm dứt khi lợi ích và mục đích của hai phía được dung hòa, cuộc sống của người dân được đảm bảo, kết hợp các hoạt động bảo tồn thiên nhiên gắn với bảo vệ môi trường.

* Ông Châu Trần Vĩnh -  Phó Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên nước: Đảm bảo hài hòa lợi ích sử dụng nguồn nước

mrchautranvinh


Thời gian qua, Cục Quản lý Tài nguyên nước đã phối hợp với các đơn vị trong Bộ TN&MT triển khai lập quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông và thành lập các tổ chức lưu vực sông nhằm triển khai có hiệu quả cơ chế điều phối, giám sát các hoạt động về tài nguyên nước có tính liên ngành, liên lĩnh vực, liên địa phương trên các lưu vực sông lớn, quan trọng. Đây là các cơ sở pháp lý quan trọng trong việc điều hòa, phân bổ nguồn nước, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các ngành trong khai thác, sử dụng tài nguyên nước.

Bên cạnh đó, Bộ TN&MT đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 11 quy trình vận hành liên hồ chứa trên các lưu vực sông, đây cũng là cơ sở pháp lý quan trọng trong việc điều hòa, phân bổ nguồn nước các hồ chứa lớn, quan trọng trên các lưu vực sông, bảo đảm hài hòa giữa lợi ích phát điện, cấp nước nông nghiệp với việc đảm bảo lợi ích của các hộ sử dụng nước phía hạ lưu các lưu vực sông, hạ lưu các hồ chứa, quan trọng nhất là đảm bảo nguồn nước cấp cho sinh hoạt và sản xuất của người dân phía hạ du.

Các giải pháp về quản lý tài nguyên nước mặc dù đóng vai trò hết sức quan trọng nhưng giải pháp quan trọng nhất để hài hòa lợi ích các ngành trong sử dụng nước đó là xuất phát từ chính ý thức từ người dân. Các nhà hoạch định chính sách, các nhà xây dựng quy hoạch ngành có khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phải ý thực việc khai thác, sử dụng nước mang tính bền vững, gắn liền với bảo vệ nguồn nước, không được gây suy thoái, cạn kiệt nguồn nước.

Đồng thời, cần nâng cao ý thức của người dân trong việc sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, nâng cao giá trị kinh tế trên mỗi mét khối nước. Các ngành có khai thác, sử dụng nước lớn như thủy điện, thủy lợi, công nghiệp, cấp nước đô thị, thủy sản… cần phải đồng lòng và thống nhất mục tiêu sử dụng chung nguồn nước trên cơ sở phải tuân thủ các quy định của pháp luật về tài nguyên nước, đặc biệt, các giải pháp, các cơ chế về điều hòa, phân phối nguồn nước, bảo đảm công bằng, hợp lý giữa các tổ chức, cá nhân sử dụng nước trên cùng một lưu vực sông, giữa thượng lưu với hạ lưu, trong đó, với ưu tiên cao nhất là đảm bảo nước sinh hoạt cho người dân.

* Ông Tô Văn Hùng - Giám đốc Sở TN&MT Đà Nẵng: Công khai số liệu quan trắc tự động để cộng đồng cùng giám sát

ong to van hung


Một số giải pháp hài hòa lợi ích giữa các ngành trong sử dụng nước là cần điều tra, đánh giá số lượng, chất lượng của nguồn nước, hiện trạng khai thác, sử dụng tài nguyên nước; dự báo xu thế biến động dòng chảy, nhu cầu sử dụng nước trên toàn lưu vực.

Từ đó, xác định tỷ lệ phân bổ tài nguyên nước cho các đối tượng khai thác, sử dụng nước, thứ tự ưu tiên và tỷ lệ phân bổ trong trường hợp hạn hán, thiếu nước; xác định nguồn nước dự phòng để cấp nước sinh hoạt trong trường hợp xảy ra sự cố ô nhiễm nguồn nước. Đi kèm là xác định dòng chảy tối thiếu, sức chịu tải và khả năng tiếp nhận nước thải trên các sông, đoạn sông và xây dựng hệ thống giám sát tài nguyên nước, giám sát khai thác, sử dụng nước để có giải pháp sử dụng tổng hợp, đa mục tiêu và bảo vệ chất lượng nguồn nước.

Sớm điều chỉnh những bất cập đã được nhận diện rõ tại Quy trình vận hành liên hồ chứa trên các lưu vực sông; sớm thành lập các tổ chức lưu vực sông theo quy định tại Điều 72 của Luật Tài nguyên nước để điều phối, giám sát hoạt động khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra trên lưu vực sông; thiết lập đầy đủ hệ thống quan trắc, giám sát việc vận hành khai thác, sử dụng tài nguyên nước tại các hồ chứa theo quy định tại Thông tư số 47/2017/TT-BTNMT ngày 7/11/2017 của Bộ trưởng Bộ TN&MT về quan trắc, giám sát tài nguyên nước và công khai số liệu quan trắc tự động, trực tuyến cho cộng đồng phối hợp giám sát.

Cuối cùng, thực hiện rộng rãi các chương trình truyền thông sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả. Đồng thời, cần sớm điều chỉnh các quy định hiện hành để giao thẩm quyền cho địa phương được phép ban hành các quy định về bắt buộc thực hiện các giải pháp sử dụng nước tiết kiệm, tuần hoàn và tái sử dụng nước trên địa bàn.

Thúy Hằng – Xuân Lam (lược ghi)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xung đột sử dụng tài nguyên nước lưu vực sông: Mạnh ai nấy được
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO