Xuất khẩu đá trắng: Cần cấm xuất thô để mang lại nhiều lợi ích cho quốc gia

Đình Tiệp| 22/03/2021 14:46

(TN&MT) - Trong nhiều năm liên tiếp, tỉnh Nghệ An đã tiến hành xuất khẩu đá hộc thô trắng với sản lượng hàng triệu tấn/1 năm. Việc xuất khẩu loại khoáng sản được ví như “vàng trắng” của tỉnh này theo dạng thô, chưa được chế biến sâu nên nguồn lợi thu lại được từ hoạt động này có độ “vênh” rất lớn so với giá trị thực của nó. Vì thế, tài nguyên quý giá của quốc gia đang bị “chảy máu” nghiêm trọng…

Trong nhiều năm qua mặt hàng đá các loại (đá hộc trắng, đá trắng xay siêu mịn và đá ốp lát) xuất khẩu của tỉnh Nghệ An chủ yếu đi qua cảng Cửa Lò cùng một số cảng như Hải Phòng và Nghi Sơn. Theo báo cáo tình hình sản xuất, kinh doanh của Xí nghiệp xếp dỡ Cửa Lò (thuộc Công ty CP Cảng Nghệ Tĩnh), năm 2017, tổng số mặt hàng đá các loại xuất qua cảng Cửa Lò là 676.229 tấn; năm 2018 là 697.123 tấn; năm 2019 là 502.883 tấn và năm 2020 là 514.973 tấn.

Đá trắng hộc thô đang tập kết tại cảng Cửa Lò

Còn theo số liệu từ Phòng Quản lý Xuất nhập khẩu (Sở Công Thương tỉnh Nghệ An), năm 2018, giá trị xuất khẩu khoáng sản đá của tỉnh Nghệ An đạt 72 triệu USD; năm 2019 đạt khoảng 71 triệu USD; năm 2020 đạt khoảng 84 triệu USD.

Năm 2017, tỉnh Nghệ An xuất được 362.913,63 tấ bột đá vôi trắng siêu mịn, thu lại gần 30,6 triệu USD; cùng với đó là khoảng trên 1 triệu tấn đá hộc nhưng giá trị thu được cũng chỉ trên 25,1 triệu USD.

Vùng mỏ đá trắng tại xã Châu Quang, huyện Quỳ Hợp nhìn từ xa

Còn số liệu năm 2018 cho thấy, khối lượng xuất khẩu đá hộc trắng thô là 1.210.155,12 tấn thu được trên 24,181 triệu USD, đá trắng xay thành bột siêu mịn xuất khẩu là 383.667,17 tấn thu lại 40,51 triệu USD. Theo số liệu trên, tức là chỉ có khoảng 24% đá trắng xuất khẩu đã qua chế biến thành bột, còn lại tới gần 76% là đá hộc thô. Còn năm 2019 khối lượng xuất khẩu đá hộc trắng thô là 1,211 triệu tấn, thu được 23 triệu USD, đá trắng xay thành bột siêu mịn xuất khẩu là gần 490 nghìn tấn thu lại gần 40 triệu USD. Tức là năm 2019 chỉ có khoảng trên 28% đá trắng xuất khẩu đã qua chế biến thành bột, còn lại tới hơn 71% là đá hộc thô.

Còn năm 2020 khối lượng xuất khẩu đá hộc trắng thô là 1,246 triệu tấn, thu được gần 24 triệu USD, đá trắng xay thành bột siêu mịn xuất khẩu là gần 590 nghìn tấn thu lại 47 triệu USD. Tức là chỉ có khoảng hơn 32% đá trắng xuất khẩu đã qua chế biến thành bột, còn lại tới gần 68% là đá hộc thô.

Một phần nguồn tài nguyên đá trắng đang bị khai thác và sử dụng không hiệu quả?

Theo số liệu trên thì giá trị thu lại từ 1 tấn đá trắng thô trung bình chỉ được khoảng trên dưới 20 USD trong khi của đá trắng xay siêu mịn tương đương khoảng 90 - 100 USD (chênh lệch tương đương khoảng 4 - 5 lần); điều đó có nghĩa là dù khối lượng đá hộc xuất đi gấp khoảng 4 lần so với đá trắng xay thành bột siêu mịn nhưng giá trị thu lại cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này lại chỉ bằng già nửa so với giá trị đá bột xay siêu mịn mang lại.

Từ số liệu trên, ta có thể thấy là mức chênh lệch giá giữa đá xay siêu mịn và đá hộc lên đến khoảng 80 USD/1 tấn. Nếu như hơn 1,2 triệu tấn đá hộc trắng thô xuất đi trong năm 2020 vừa qua được các doanh nghiệp chế biến thành đá xay siêu mịn trước khi xuất khẩu thì nguồn thu lại cho tỉnh nhà sẽ tăng thêm khoảng 100 triệu USD (tương đương hơn 2.300 tỷ đồng). Nếu đem sản lượng xuất khẩu đá hộc trắng từ năm 2017 đến năm 2020 (trung bình hơn 1,2 triệu tấn) thì mỗi năm giá trị kinh tế thu lại bị “thâm hụt” so với việc khối lượng đá trên nếu được chế biến thành đá siêu mịn tương đương với hơn 400 triệu USD – khoảng hơn 9.000 tỷ đồng, một con số quá khủng khiếp.

Việc xuất đá hộc thô đem lại giá trị không đáng kể, không tương xứng với giá trị thực của loại khoáng sản quý giá này

Với việc xuất khẩu các loại đá nêu trên, Cục Hải quan tỉnh Nghệ An cho biết, năm 2016 tổng thuế xuất khẩu thu được từ hoạt động xuất khẩu đá các loại là trên 66,196 tỷ đồng; năm 2017 là trên 81,43 tỷ đồng; năm 2018 là gần 102 tỷ đồng… một con số khá khiêm tốn so với tiềm năng tỉnh nhà.

Theo những người am hiểu sâu về ngành đá trắng, với công nghệ của mình, các nước nhập khẩu loại khoáng sản này dành phần khá lớn khối lượng đá trắng tinh chế thành bột siêu mịn, thêm vào các loại phụ gia và bán sản phẩm có giá thành gấp rất nhiều lần đá trắng trong nước xuất đi; mặt khác, các loại đá hộc thô thì được đưa vào nhà máy xay bột nước - bột ướt (Việt Nam chưa có nhà máy công nghệ này - PV) cũng có giá trị thương mại rất lớn. Một điều hiển nhiên là phần giá trị thặng dư đó tất nhiên nước ta không được hưởng. Điều nhìn thấy rất rõ ràng, tiếc là lâu nay nước ta vẫn không tận dụng được thế mạnh về tài nguyên này, vẫn ồ ạt xuất đá trắng thô đi nước ngoài với giá trị quá thấp một cách rất lãng phí.

Việc khai thác cũng đang rất lãng phí khi lượng đá thải khổng lồ bị bỏ đi không thương tiếc 

Trước thực trạng xuất khẩu khoáng sản thô nói chung và các loại đá trắng nói riêng mang lại giá trị chưa tương xứng, các chuyên gia đều khuyến nghị hạn chế, thậm chí nghiêm cấm xuất khẩu ở dạng thô để ưu tiên chế biến sâu. Mặt khác, tại Thông tư 05/2018/TT-BXD ngày 29 tháng 6 năm 2018 của Bộ Xây dựng về “hướng dẫn xuất khẩu khoáng sản làm vật liệu xây dựng” đã từng cấm xuất khẩu nhiều loại khoáng sản, trong đó có đá vôi, phụ gia nằm trong quy hoạch khoáng sản làm nguyên liệu xi măng và đá khối.

Đồng thời, quy định quy cách, tiêu chuẩn xuât khẩu các loại khoáng sản khác như: Đá ốp lát có nguồn gốc từ đá hoa (marble), đá vôi được gia công cắt bằng cưa hoặc cách khác thành tấm quy định độ dày ≤ 100 mm; Đá ốp lát có nguồn gốc từ đá hoa (marble) đã được gia công thành sản phẩm dạng tấm (có bề mặt phẳng và nhẵn) quy định độ dày ≤ 100 mm; Đá Dolomit làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và các ngành công nghiệp khác có hàm lượng MgO ≥ 18 % và kích thước cỡ hạt ≤ 60 mm; Đá xây dựng có nguồn gốc từ đá granit, gabro, đá hoa (marble), đá cát kết (sa thạch) và đá khác dùng làm cấp phối bê tông, rải đường giao thông phải được gia công đập, nghiền, sàng có kích thước cỡ hạt ≤ 60 mm…

Đập đá hộc trắng tại một khu mỏ ở xã Châu Tiến, huyện Quỳ Hợp để chở xuống cảng xuất bán

Tại Thông tư 12/2016/TT-BCT ngày 05 tháng 7 năm 2016 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 41/2012/TT-BCT, ngày 21/12/2012 của Bộ Công thương quy định về xuất khẩu khoáng sản (Mới được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư 13/2020/TT-BCT, ngày 18/6/2020) cũng đã quy định rất rõ ràng về tiêu chuẩn xuất khẩu đá hoa trắng dạng bột cỡ hạt < 1mm, độ trắng ≥ 85%; đối với dạng cục thì cỡ cục phải từ 1- 400 mm, độ trắng ≥ 95% (chỉ được xuất đến hết năm 2020) và cỡ cục 1-400 mm, 95% > độ trắng ≥ 80%. Các Thông tư nói trên đều hướng đến tiêu chuẩn xuất khẩu các loại khoáng sản nói chung và đá trắng nói riêng theo hướng ưu tiên chế biến để nâng cao giá trị sản phẩm. Thế nhưng, căn cứ vào những tiêu chuẩn mà nhà nước đưa ra như các Thông tư nêu trên thì hầu hết vẫn chỉ đang dừng ở mức…sơ chế và đương nhiên là giá trị các mặt hàng này vẫn chưa cao.

Nên cấm xuất khẩu đá trắng ở dạng thô để không "chảy máu" tài nguyên quốc gia, thất thoát nguồn thu lớn cho ngân sách nhà nước

Đá trắng được xếp vào dạng tài nguyên quý hiếm của Việt Nam, với trữ lượng hàng trăm triệu tấn đá trắng thì đây có thể coi là loại tài nguyên thế mạnh của Nghệ An. Tuy nhiên, theo đánh giá thì việc khai thác, xuất khẩu các loại đá trắng ở Nghệ An hiện nay đang còn mang tính chất “ăn xổi”, “bán non” như phản ánh ở trên là điều quá lãng phí.

Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần phải nghiên cứu để siết chặt việc xuất khẩu khoáng sản, tránh hiện tượng “bán non”, gây thất thoát, lãng phí loại tài nguyên được ví như “vàng trắng” này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xuất khẩu đá trắng: Cần cấm xuất thô để mang lại nhiều lợi ích cho quốc gia
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO