Xuất hiện dấu hiệu ảnh hưởng ô nhiễm không khí xuyên biên giới

09/11/2016 00:00

(TN&MT) - Báo cáo Môi trường quốc gia giai đoạn 2011 – 2015 đã chỉ ra rằng tại Việt Nam một số vấn đề như lắng đọng axit, sương mù quang hóa hay ô nhiễm xuyên biên giới tuy chưa có biểu hiện rõ ràng nhưng đã xuất hiện những dấu hiệu ảnh hưởng nhất định.

Hiện nay, các nghiên cứu, đánh giá về ô nhiễm không khí liên quốc gia và ảnh hưởng của chúng đến chất lượng môi trường không khí ở Việt Nam còn rất hạn chế. Trên thế giới chỉ có một số nghiên cứu điển hình của các nhà khoa học châu Âu và Mỹ cho thấy môi trường không khí ở Việt Nam đang chịu ảnh hưởng từ các nguồn ô nhiễm xuyên biên giới Việt – Trung với quy luật mức độ ô nhiễm tăng đáng kể vào các tháng mùa đông.

Ô nhiễm không khí xuyên biên giới đã ảnh hưởng tới Việt Nam từ nhiều nguồn
Ô nhiễm không khí xuyên biên giới đã ảnh hưởng tới Việt Nam từ nhiều nguồn

Cùng với xu hướng gia tăng các khí ô nhiễm trong môi trường là sự xuất hiện hiện tượng ô nhiễm không khí đặc biệt - sương mù quang hóa.

Nguồn gốc chủ yếu của sương mù quang hóa là việc đốt các khí như gas, xăng đầu. Hiện tượng này khác với hiện tượng sương mù công nghiệp có nguồn gốc chủ yếu do đốt than đá, được sử dụng nhiều trong sản xuất và công nghiệp ở thập kỉ 60 và nồng độ cao có thể gây hậu quả nghiêm trọng.

Xu hướng lan truyền ô nhiễm xuyên biên giới  hiện nay đã thể hiện rõ khi toàn bộ bộ miền Bắc và miền Trung Việt Nam được đánh giá là chịu tác động đáng kể từ các nguồn phát thải từ các khu vực phía Đông, Đông Bắc, Đông Nam của Trung Quốc, Đài Loan. Một số kết quả nghiên cứu ở Việt Nam cho thấy sự vận chuyển các chất ô nhiễm theo gió mùa Đông Bắc trong mùa đông đóng góp một lượng khí ô nhiễm và bụi mịn vào không khí miền Bắc Việt Nam.

Ô nhiễm xuyên biên giới được cho là cũng góp phần làm tăng nồng độ một số kim loại nặng và các khí độc hại trong môi trường không khí. Ở nước ta, vấn đề này đã bắt đầu được quan tâm, theo dõi, giám sát.

Ở khu vực Đông Nam Á, biểu hiện sương mù quang hóa có xu hướng gia tăng trong thời gian gần đây do cháy rừng và hoạt động đốt nương rẫy theo mùa vụ từ một số nước trong khu vực như Indonesia (đặc biệt vùng Sumatra và Kalimantra). Ô nhiễm theo hướng gió Tây Nam từ Indonesia có sức lan rất nhanh và gây ảnh hưởng đến nhiều quốc gia láng giềng như Malaysia, Thái Lan và cả một phần phía Nam của Việt Nam.

Ở Việt Nam, hiện tượng sương mù quang hóa đã xuất hiện trong những năm gần đây, biểu hiện rõ vào các tháng mùa hè khi thời tiết khô nóng. Ngoài ra, các giai đoạn xảy ra nghịch nhiệt cũng tạo điều kiện để hiện tượng sương mù quang hóa xuất hiện. Hiện tượng này đặc biệt rõ nét ở các đô thị lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh do sự cộng hưởng của nhiều nguồn ô nhiễm không khí.

Bên cạnh đó, hiện tượng lắng đọng axit cũng đã xuất hiện tại Việt Nam. Tuy nhiên, chưa có đủ số liệu nghiên cứu để đánh giá về mức độ lắng đọng axit ở Việt Nam có nguồn gốc liên quốc gia.

Tại Việt Nam, 2 trạm giám sát lắng đọng axit đầu tiên được lắp đặt tại trạm khí tượng Láng (Hà Nội) và trạm môi trường Hòa Bình (tỉnh Hòa Bình) vào năm 1999. Đến năm 2008, 2 trạm giám sát môi trường không khí ở Cúc Phương (Ninh Bình) và trạm Đà Nẵng được bổ sung vào mạng lưới giám sát lắng đọng axit Đông Á. Trong năm 2013, 3 trạm Sa Pa, Cần Thơ và TP. HCM đang được lắp đặt và tham gia vào hoạt động trong mạng giám sát lắng đọng axit Đông Á.


Nguyễn Cường

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xuất hiện dấu hiệu ảnh hưởng ô nhiễm không khí xuyên biên giới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO