Xử lý triệt để ô nhiễm tại Cty CP Mía đường Sơn La

22/05/2017 00:00

(TN&MT) - Niên vụ mía 2016-2017 của Công ty CP Mía đường Sơn La đã chính thức kết thúc. Trong niên vụ năm nay, điều đáng ghi nhận là một “điểm đen” về ô nhiễm môi trường nhiều năm qua, cuối cùng đã được khắc phục triệt để.

Hiện nước tại khu vực mó gốc sung đã được người dân sử dụng.
Hiện nước tại khu vực mó gốc sung đã được người dân sử dụng.

Tại khu vực Tiểu khu 4, 5 thị trấn Hát Lót, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La, người dân nơi đây vô cùng vui mừng vì niên vụ mía vừa qua không còn phải sống chung với cảnh ô nhiễm môi trường như trước.

Ông Nguyễn Đức Hạnh, nhà ngay sát mó nước gốc sung, tiểu khu 5, thị trấn Hát Lót cho biết: Những năm trước, tôi cứ về đến nhà thì phải đóng cửa kín. Ban đêm, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc, nhức đầu, độc hại lắm. Cây cối quanh khu vực này cũng bị xỉn hết lá, không phát triển được. Nhưng từ đầu vụ sản xuất mía năm nay thì tình hình khá ổn. Vừa rồi, bên Công ty Mía đường còn cùng nhân dân làm đường bê tông xuống khu vực mó nước, dọn dẹp sạch sẽ rác thải khu vực mó nước gốc sung. Nhờ đó, sau hơn 10 năm sống chung với ô nhiễm, giờ đây, nguồn nước nơi đây đã trong trở lại rồi, chiều chiều nhiều người dân còn mang đồ ra đây giặt, hoặc dẫn nước về để sử dụng, không e ngại như trước nữa. Chúng tôi rất vui và phấn khởi.

Nước tại đây rất trong, không còn tình trạng đen đục, ô nhiễm như trước
Nước tại đây rất trong, không còn tình trạng đen đục, ô nhiễm như trước

Còn với ông Lưu Văn Nhị, xóm 2, tiểu khu 5, đã có hơn 30 năm gắn bó với mảnh đất này cho biết: Cả năm nay đúng là không còn thấy mùi hôi như những năm trước. Buổi chiều vợ chồng tôi đã có thể mở cửa, ngồi ở hiên nhà hóng mát. Không khí trong lành hơn nên cảm thấy cũng khỏe hơn nhiều. Con cái, cháu chắt cũng về chơi thường xuyên hơn, chứ trước thì không ai dám về.

“Thế nhưng, tôi cũng mới chỉ dám lấy nước tưới vườn tược, còn giặt giũ vẫn chưa yên tâm lắm. Mong rằng có cơ quan nhà nước nào thông báo kết quả kiểm tra chất lượng nước cụ thể cho người dân thì yên tâm hơn” – bà Mua, vợ ông Lưu Văn Nhị chia sẻ.

Khu vực này cũng được dọn dẹp sạch sẽ, tránh gây ô nhiễm môi trường.
Khu vực này cũng được dọn dẹp sạch sẽ, cắm biển cảnh báo, tránh gây ô nhiễm môi trường.

Bà Phạm Thị Hằng, Tiểu khu trưởng Tiểu khu 5, thị trấn Hát Lót cho biết: Niên vụ mía năm nay, chính quyền tiểu khu không nhận được ý kiến phản ánh của người dân về tình trạng ô nhiễm như những năm trước đây. Chúng tôi cũng mong rằng, những niên vụ tiếp theo, Cty Mía đường Sơn La tiếp tục làm tốt công tác vệ sinh môi trường như hiện nay, để người dân có môi trường sống trong sạch.

Được biết, trước khi bước vào niên vụ sản xuất 2016-2017, Sở TN&MT Sơn La đã tiến hành kiểm tra việc thực hiện các cam kết của Công ty CP Mía đường Sơn La trong việc xử lý ô nhiễm môi trường. Về cơ bản, đơn vị đã thực hiện đúng các cam kết theo yêu cầu của Đoàn.

Khu vực này cũng được dọn dẹp sạch sẽ, tránh gây ô nhiễm môi trường.
Niên vụ mía năm nay, Cty CP Mía đường Sơn La đã khắc phục triệt để tình trạng ô nhiễm


Ông Đặng Tuấn Thắng, Trưởng phòng Hành chính – Trị sự, Cty CP Mía đường Sơn La cho biết:  Để giải quyết triệt để vấn đề ô nhiễm, niên vụ mía này, Công ty đã đầu tư gần 10 tỷ đồng nâng cấp hệ thống xử lý nước thải. Tại 4 hồ sinh học chứa nước thải, đã đầu tư khoảng 20.000m2 bạt HDPE để lót toàn bộ đáy và thành, bờ của 4 hồ nhằm hạn chế việc nước thải thảm thấu xuống lòng đất. Hệ thống bạt HDPE được hàn bằng nhiệt (hàn 2 lớp), độ rộng mối hàn 5cm.

Lượng nước thải phát sinh trung bình 900-1.000m3/ngày đêm, thời điểm cuối vụ vừa qua lên tới 1.500m3/ngày đêm. Tuy nhiên, nước thải sau xử lý đều được tái sử dụng 100%. Cũng nhờ đó, lượng nước khai thác từ suối Nậm Pàn bơm lên để sản xuất trước kia phải chạy 24/24 giờ, thì nay chỉ còn bơm khoảng 4 giờ/ngày, giảm hẳn 1/6. Bên cạnh đó, để tiết kiệm nước, Công ty xác định, không sử dụng nước vào những việc không thật sự cần thiết, đơn cử, trong quá trình vệ sinh, không phun xịt nước mà tổ chức cho cán bộ công nhân lau chùi, quét dọn… nhằm giảm tối đa lượng nước thải phát sinh cần xử lý.

Nước thải sau xử lý được tái sử dụng 100% vào sản xuất
Nước thải sau xử lý được tái sử dụng 100% vào sản xuất

Trong niên vụ mía này, sản lượng mía của Cty đạt khoảng 390.000 tấn mía. Dự kiến, niên vụ mía 2017-2018, sản lượng tăng lên khoảng 530.000-550.000 tấn mía, do đó, Công ty sẽ nâng công suất lên 5.000 tấn mía/ngày. Đáp ứng công suất mới này, đơn vị đang tập trung chuẩn bị các điều kiện để khởi công xây dựng thêm một hệ thống xử lý nước thải hoàn toàn mới, với chi phí đầu tư từ 15-20 tỷ đồng.

Tuy nhiên, điều đó cũng đồng nghĩa với áp lực lên môi trường sẽ tăng cao. Do đó, mong rằng, Cty CP Mía đường Sơn La cần tiếp tục đặt công tác bảo vệ môi trường là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, hàng đầu, tránh một lần nữa trở thành một điểm nóng gây bức xúc, cũng là để người dân thị trấn Hát Lót có được môi trường sống trong sạch sau nhiều năm sống chung với ô nhiễm.

Nguyễn Nga

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xử lý triệt để ô nhiễm tại Cty CP Mía đường Sơn La
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO