Xử lý nước thải bệnh viện: Thiếu đầu tư - nguy cơ bùng phát dịch bệnh

15/05/2015 00:00

(TN&MT) - Nếu không được xử lý tốt, nước thải y tế sẽ gây nguy hiểm, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe con người và môi trường. Tuy nhiên, vấn đề này ở Việt Nam...

(TN&MT) - Nếu không được xử lý tốt, nước thải y tế sẽ gây nguy hiểm, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe con người và môi trường. Tuy nhiên, vấn đề này ở Việt Nam còn tồn tại nhiều bất cập.
 
Ít cơ sở đạt chuẩn
 
Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế cả nước có 13.511 cơ sở y tế từ trung ương tới địa phương. Tổng lượng nước thải y tế phát sinh tại các cơ sở khám chữa bệnh cần xử lý khoảng 125.000m3/ngày, chưa kể lượng nước thải của các cơ sở y tế thuộc hệ dự phòng, các cơ sở đào tạo y dược, sản xuất thuốc của Bộ, ngành. Dự đoán năm 2015 con số này tăng lên gấp đôi, xấp xỉ 300.000 m3/ngày. 
 
Tuy nhiên, hiện mới chỉ có khoảng 74% các bệnh viện tuyến trung ương, 40% các bệnh viện tuyến tỉnh và 27% bệnh viện tuyến huyện có hệ thống xử lý nước thải. Không những thế, các hệ thống này đều sử dụng phương pháp đã cũ như: Lọc nước học nhiều tầng, ao sinh học, lọc sinh học nhỏ giọt… đã xuống cấp, không còn đảm bảo quy chuẩn cũng như tiêu chuẩn quốc gia về môi trường. 
 
Khảo sát của Viện Y tế công cộng của TPHCM về công tác xử lý nước thải y tế tại 22 bệnh viện khu vực phía Nam cũng cho thấy nhiều bất cập. Chỉ có 4/22 bệnh viện có mẫu xử lý nước thải xử lý đạt QCNV 28: 2010/BTNMT, các chỉ tiêu không đạt chủ yếu là pH, Amoni và Coliform. Ngoài ra, chỉ có 10/22 bệnh viện có hệ thống xử lý nước thải hoạt động không tốt, 12/22 bệnh viện có tình trạng bị quá tải, xuống cấp, hoạt động không có hiệu quả. Cụ thể như BV đa khoa Trung tâm An Giang, hệ thống xử lý nước thải được xây dựng từ năm 2000 đến nay đã bị xuống cấp, BV đa khoa TP Cần Thơ hệ thống xử lý nước thải đã xuống cấp và không đủ công suất xử lý. Thậm chí có những nơi như BV đa khoa huyện Châu Thành, tỉnh An Giang, đến nay vẫn không có hệ thống xử lý nước thải y tế.
 
Cần phải đẩy mạnh đầu tư
 
Theo ông Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế), những bất cập trên là một thực tế mà ngành y đang phải đối mặt. Hiện tại, kinh phí để xử lý chất thải y tế đã được cơ cấu một tỷ lệ nhỏ trong viện phí, tuy nhiên đây chỉ là kinh phí cho xử lý chất thải y tế, trong khi nguồn kinh phí lớn nhất là đầu tư cho hệ thống xử lý chất thải y tế, đặc biệt là đầu tư cho hệ thống xử lý nước thải y tế thì chưa đủ. Thiếu vốn đầu tư cho công nghệ là khó khăn lớn, nhưng còn một vấn đề nan giải không kém, đó là kinh phí, nhân lực và chuyên môn để vận hành các thiết bị sau khi được đầu tư. 
 
Chia sẻ về vấn đề này, Tiến sĩ Trần Thị Việt Nga, giảng viên trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, hiện nay nhiều cơ sở y tế trên cả nước đã được trang bị hệ thống xử lý nước thải tuy nhiên qua khảo sát việc vận hành còn nhiều bất cập. Thực tế hiện nay cách tiếp cận của nhân viên kỹ thuật còn yếu về trình độ, lãnh đạo đơn vị nhiều nơi còn thờ ơ dẫn tới việc xử lý gặp nhiều khó khăn.
 
Các cơ sở y tế cần được trang bị hệ thống xử lý nước thải
Các cơ sở y tế cần được trang bị hệ thống xử lý nước thải
Trước những bất cập này, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 2038/QĐ – TTg phê duyệt đề án tổng thể xử lý chất thải y tế giai đoạn 2011 – 2015 và định hướng đến năm 2020. Để triển khai các nhiệm vụ này, Bộ Y tế sẽ sửa đổi, bổ sung và ban hành các thông tư hướng dẫn, tiêu chuẩn kỹ thuật, quy định liên quan đến quản lý môi trường y tế.
 
Đồng thời, Bộ cũng đã lên kế hoạch đầu tư xây dựng hệ thống chất thải y tế, trong đó giai đoạn 2013 - 2015 ưu tiên đầu tư tại các cơ sở y tế có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, các cơ sở có hệ thống xử lý chất thải y tế nhưng đã xuống cấp hoặc quá tải… Đến giai đoạn 2016 - 2020, đầu tư cho hệ thống, nhằm đảm bảo 100% chất thải y tế đều được xử lý đạt chuẩn môi trường. Dự kiến nhu cầu kinh phí cho toàn quốc là 6.000 tỷ đồng. Hiện tại Bộ Y tế đang thực hiện một dự án đầu tư xử lý nước thải bệnh viện vay vốn của Ngân hàng Thế giới với tổng kinh phí trên 150 triệu đô la.
 
Nguyễn Cường
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xử lý nước thải bệnh viện: Thiếu đầu tư - nguy cơ bùng phát dịch bệnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO