Xử lý nghiêm sai phạm
(TN&MT) - Sở TN&MT tỉnh Quảng Trị cho biết, hằng năm, đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan để xử lý tình trạng chồng chéo, trùng lặp trong việc xây dựng kế hoạch thanh, kiểm tra về lĩnh vực khoáng sản. Đối với các đơn vị hoạt động khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, năm 2022, Sở tiến hành kiểm tra 8 đơn vị, năm 2023 kiểm tra 4 đơn vị.
Trên địa bàn tỉnh, thời gian qua có xảy ra tình trạng khai thác trái phép cát, sỏi, đất làm vật liệu san lấp. Để chấn chỉnh tình trạng này và bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, UBND tỉnh Quảng Trị ban hành Quyết định số 1855/QĐ-UBND ngày 6/7/2017 phê duyệt Phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh. Phương án quy định cụ thể trách nhiệm của các ngành, UBND cấp huyện, cấp xã trong bảo vệ khoáng sản chưa khai thác; hình thức xử lý đối với tập thể, cá nhân để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép; việc phối hợp, trao đổi thông tin và xử lý vi phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản giữa các lực lượng kiểm tra chuyên ngành, như Bộ đội biên phòng, Công an, các sở, ngành và chính quyền địa phương...
Đồng thời, Sở TN&MT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản tăng cường công tác quản lý nhà nước về hoạt động khoáng sản, trong đó, quy định trách nhiệm của các ngành, địa phương trong việc bảo vệ khoáng sản chưa khai thác. Trên cơ sở thông tin phản ảnh về việc khai thác khoáng sản trái phép, Sở đã phối hợp với các ngành, địa phương tổ chức kiểm tra, xử lý theo quy định.
Trên cơ sở kết quả kiểm tra, Thanh tra Sở TN&MT đã tiến hành lập biên bản và xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền hoặc trình Chủ tịch UBND tỉnh xử phạt với số tiền trên 382 triệu đồng đối với 5 đơn vị. Đồng thời, thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh, Công an tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố đã tổ chức các đợt truy quét, đẩy đuổi và xử lý vi phạm các tổ chức, cá nhân khai thác cát, sỏi trái phép, trong giai đoạn 2021 - 2023. Công an tỉnh Quảng Trị đã phát hiện, xử lý và ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính 235 vụ/260 đối tượng vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ tài nguyên khoáng sản, phạt tiền gần 14 tỷ đồng; khởi tố 2 vụ án hình sự "Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên" quy định tại khoản 1, Điều 227 Bộ Luật hình sự.
Nhiều chuyển biến tích cực
Những năm qua, công tác quản lý và khai thác khoáng sản tại nhiều địa phương của tỉnh Quảng Trị có bước chuyển biến tích cực, từng bước đi vào nền nếp. Kết quả này phần nhiều nhờ sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương. Phóng viên Báo TN&MT ghi nhận nhiều ý kiến tâm huyết về vấn đề này.
Ông Trần Anh Tuấn - Chủ tịch UBND huyện Cam Lộ:
Chấn chỉnh kịp thời các tồn tại của doanh nghiệp khai thác khoáng sản
Trên cơ sở của Luật Khoáng sản, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, các văn bản chỉ đạo của cấp trên và tình hình thực tế ở địa phương, UBND huyện thường xuyên ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các ngành, UBND cấp xã và các doanh nghiệp hoạt động khoáng sản trên địa bàn huyện thực hiện các quy định của Nhà nước về bảo vệ tài nguyên khoáng sản và quản lý hoạt động khoáng sản. Điển hình như, phổ biến các quy định của Nghị định số 23 của Chính phủ quy định về quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông...
Hàng năm, UBND huyện thường xuyên phối hợp với Sở TN&MT tiến hành các cuộc thanh tra, kiểm tra chấp hành pháp luật tài nguyên môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản, phát hiện nhiều doanh nghiệp còn tồn tại, thiếu sót và có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục. Huyện cũng phối hợp với lực lượng Công an tăng cường tổ chức nhiều đợt truy quyét, kiểm tra và ngăn chặn các đối tượng khai thác khoáng sản trái phép.
Thời gian tới, huyện sẽ phối hợp chặt chẽ trong công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật trong khai thác, tàng trữ, vận chuyển, tiêu thụ khoáng sản; kịp thời phát hiện các vi phạm và kiên quyết xử lý hoặc báo cáo cấp trên. Thành lập các Tổ giám sát của xã (đại diện cho các thôn, xóm) thường xuyên họp tổ, phân công nhiệm vụ cho từng thành viên để tuần tra, kiểm tra công tác quản lý khoáng sản và hoạt động khoáng sản trên địa bàn. UBND huyện cũng đề nghị UBND tỉnh, Sở TN&MT tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về khoáng sản từ cấp huyện đến cấp xã; tăng cường đầu tư kinh phí, trang thiết bị phục vụ công tác quản lý hoạt động khoáng sản tại địa phương...
Ông Nguyễn Hồng Sơn - Phó Chủ tịch UBND thị xã Quảng Trị:
Vi phạm về hoạt động khoáng sản ngày càng giảm
Công tác quản lý hoạt động khoáng sản trên địa bàn đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhận thức của các cấp uỷ Đảng, chính quyền về vai trò, tầm quan trọng của khoáng sản ngày càng được nâng cao. Tình trạng vi phạm về hoạt động khai thác khoáng sản ngày càng giảm. Việc tuân thủ các quy định, việc khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm khoáng sản ngày càng được ưu tiên; công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản từng bước được thực hiện, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân.
Trên địa bàn thị xã hiện nay có 4 doanh nghiệp được UBND tỉnh cấp phép hoạt động khai thác khoáng sản và 3 hộ gia đình được UBND thị xã cấp phép theo thẩm quyền phân cấp. Từ năm 2017 đến nay, các đơn vị được cấp phép khai thác bình quân mỗi năm đã nộp thuế tài nguyên số tiền 624 triệu đồng, nộp thuế môi trường với số tiền 378 triệu đồng. Để hoạt động khoáng sản đi vào nền nếp, UBND thị xã đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện công tác quản lý nguồn tài nguyên khoáng sản; chỉ đạo Phòng TN&MT phối hợp với Sở TN&MT, Công an thị xã, UBND các phường, xã tổ chức kiểm tra chấn chỉnh các hoạt động khai thác khoáng sản, nhất là tổ chức các đợt truy quét, đẩy đuổi các đối tượng khai thác cát sỏi trái phép.
Nhằm thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về nguồn tài nguyên khoáng sản, UBND thị xã đề nghị UBND tỉnh quan tâm cấp bổ sung thêm kinh phí cho hoạt động kiểm tra, quản lý, bảo vệ nguồn tài nguyên khoáng sản trên địa bàn; chỉ đạo các ngành chức năng liên quan tăng cường phối hợp trong công taá́c quan lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản; quản lý đảm bảo khai thác đúng phạm vi mỏ, khối lượng được cấp phép; kiểm soát tốc độ tàu thuyền qua lại nhằm hạn chế đến mức thấp nhất sạt lở hai bên bờ sông. Tăng cường hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, kiên quyết xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về khoáng sản, nhất là đối với các vi phạm liên quan đến xác định sản lượng khoáng sản khai thác thực tế.
Ông Lê Văn Thuận - Phó Trưởng phòng TN&MT huyện Hải Lăng:
Tăng cường kiểm tra việc chấp hành pháp luật khoáng sản
Hiện tại, trên địa bàn huyện có 1 mỏ cát trắng do Bộ TN&MT cấp, ngoài ra có 1 mỏ đất, 1 mỏ than bùn do UBND tỉnh cấp đang hoạt động. Để đảm bảo công tác quản lý nhà nước về khoáng sản, thời gian qua, Phòng TN&MT đã tích cực tham mưu UBND huyện phối hợp với Sở TN&MT, UBND các xã, thị trấn có liên quan trong công tác tham mưu cho ý kiến về việc cấp phép khai thác các mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về khoáng sản; chủ động phối hợp với UBND các xã, thị trấn và các cơ quan, đơn vị có liên quan tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản trên địa bàn.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn trong công tác quản lý khoáng sản trên địa bàn. Một trong những khó khăn là đội ngũ cán bộ công chức phụ trách quản lý lĩnh vực khoáng sản ở cấp xã chủ yếu là kiêm nhiệm, chưa có công chức được đào tạo chuyên môn về địa chất và khoáng sản theo đúng chức năng quản lý nên quá trình thực hiện nhiệm vụ còn nhiều hạn chế. Mặt khác, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về công tác bảo vệ tài nguyên, khoáng sản ở cấp xã còn bất cập, thiếu thường xuyên. Ý thức và nhận thức chấp hành về các quy định của pháp luật khoáng sản của các tổ chức, cá nhân tuy có chuyển biến nhưng còn hạn chế.
Để tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về khoáng sản, Phòng TN&MT sẽ tham mưu UBND huyện phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị cấp huyện và UBND cấp xã tổ chức các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân trong công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các tổ chức, cá nhân thực hiện khai thác khoáng sản đúng theo quy định; ngoài ra, tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn UBND các xã, thị trấn thực hiện nghiêm túc trách nhiệm trong việc quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác.