Mỏ cát sỏi xã Hùng Sơn, huyện Tràng Định (Lạng Sơn). |
Phó Chủ tịch tỉnh Nguyễn Công Trưởng giao Cục Thuế tỉnh chủ động rà soát, đôn đốc các doanh nghiệp khai thác khoáng sản thực hiện việc nộp tiền CQKTKS; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm hành chính về việc chậm nộp tiền CQKTKS theo quy định của pháp luật về quản lý thuế. Tổng hợp, cung cấp thông tin việc thu, nộp tiền CQKTKS cho Sở TN&MT để theo dõi, phối hợp đôn đốc, xử lý các doanh nghiệp nợ tiền CQKTKS theo quy định.
Sở TN&MT tăng cường công tác kiểm tra, rà soát, tham mưu UBND tỉnh thực hiện điều chỉnh giấy phép khai thác khoáng sản (GPKTKS) của các doanh nghiệp có nhu cầu điều chỉnh. Đẩy mạnh công tác phối hợp với Cục Thuế tỉnh trong việc kiểm tra, đôn đốc, xử lý các doanh nghiệp chậm nộp, không nộp đầy đủ tiền CQKTKS theo quy định.
Ông Nguyễn Công Trưởng yêu cầu các doanh nghiệp khai thác khoáng sản chấp hành nghiêm túc việc thực hiện nộp tiền CQKTKS theo đúng quyết định phê duyệt tiền CQKTKS đã được UBND tỉnh phê duyệt. Trường hợp có nhu cầu điều chỉnh giảm số lần phải nộp và tăng số tiền phải nộp từng lần thì phải có văn bản đề nghị gửi UBND tỉnh để xem xét, giải quyết theo quy định.
Theo Sở TN&MT Lạng Sơn hiện nay, trên địa bàn tỉnh tổng số 61 GPKTKS còn hiệu lực, trong đó có 55 giấy phép do UBND tỉnh cấp và 06 giấy phép do Bộ TN&MT cấp. Từ năm 2014 đến nay, Sở chủ trì, phối hợp với Sở, ngành liên quan và các huyện nơi có khoáng sản đã tính, xác định mức thu tiền CQKTKS và trình UBND tỉnh phê duyệt tiền cấp quyền khai thác 55/55 mỏ. Sau khi có Quyết định phê duyệt tiền CQKTKS năm 2014 của UBND tỉnh, đến nay có 18 doanh nghiệp điều chỉnh giấy phép khai thác, tiền CQKTKS vào các năm 2015, 2016 và 2019.
Theo số liệu của Cục Thuế, tính đến hết 9 tháng năm 2019, tổng số tiền CQKTKS được phê duyệt là 800,7 tỷ đồng (các doanh nghiệp nộp 01 lần và nhiều lần theo Quyết định phê duyệt); số tiền CQKTKS thu được từ năm 2014 đến nay là 207,799 tỷ đồng. Tính đến 30/9/2019, số tiền nộp 20,6 tỷ đồng; số tiền còn nợ lũy kế là 60,6 tỷ đồng (35 doanh nghiệp). Trong đó số tiền nợ nhiều chủ yếu là các doanh nghiệp xin điều chỉnh trong năm, chiếm 50% số nợ nêu trên.
Hoạt động san gạt, cải tạo mặt bằng ở huyện Hữu Lũng (Lạng Sơn). |
Thực hiện Quy định về việc san, gạt, đào, đắp, cải tạo mặt bằng trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn ban hành kèm theo Quyết định số 1188/QĐ-UBND ngày 28/6/2019 của UBND tỉnh, Sở TN&MT chủ trì phối hợp với Sở, ngành liên quan và UBND các huyện nơi chấp thuận cho san gạt, cải tạo mặt bằng tính tiền cấp quyền khai thác đất, trình UBND tỉnh phê duyệt cho 11 hộ gia đình cá nhân trên địa bàn các huyện: Hữu Lũng, Chi Lăng, Cao Lộc, Lộc Bình với tổng số tiền 61.185.000 đồng.
Theo Sở TN&MT Lạng Sơn, sau khi được phê duyệt tiền CQKTKS từ năm 2014, đến nay đã có một số doanh nghiệp khai thác khoáng sản nghiêm túc nộp đầy đủ tiền CQKTKS theo Quyết định phê duyệt; một số doanh nghiệp chưa nộp, nộp không đủ, nộp chậm hoặc nộp tiền sau khi có quyết định điều chỉnh tiền cấp quyền khai thác với các lý do như: Chưa nhận thức được quy định của pháp luật khoáng sản quy định việc thu tiền CQKTKS nên các doanh nghiệp đã thăm dò và xin cấp phép khai thác với trữ lượng, công suất khai thác lớn. Thực tế đi vào sản xuất trong tình trạng khó khăn hiện nay, công suất khai thác và sản lượng tiêu thụ nhỏ hơn so với giấy phép khai thác, trong khi đó số tiền CQKTKS phải nộp quá lớn, doanh nghiệp không có khả năng nộp và kiến nghị UBND tỉnh xem xét cho phép doanh nghiệp được điều chỉnh lại GPKTKS, tính giảm số tiền CQKTKS phải nộp theo giấy phép điều chỉnh.
Một số doanh nghiệp khó khăn về vốn nên nộp chậm hoặc mới nộp một phần theo duyết định phê duyệt đồng thời đã có văn bản đề nghị điều chỉnh giấy phép khai thác, giảm trữ lượng xin khai thác để giảm số tiền cấp quyền khai thác phải nộp.
Để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong việc thực hiện nộp tiền CQKTKS, Sở TN&MT đã phối hợp với các Sở, ngành và UBND các huyện xem xét, giải quyết đề nghị của các doanh nghiệp xin điều chỉnh GPKTKS, kịp thời trình UBND tỉnh điều chỉnh Giấy phép theo quy định. Đến nay cơ bản các doanh nghiệp đã hoàn thành điều chỉnh GPKTKS. Trong số đơn vị được cấp giấy phép khai thác, có 05 đơn vị không đủ khả năng nộp tiền CQKTKS nên đã trả lại giấy phép khai thác và 02 đơn vị bị thu GPKTKS.